Thứ trưởng Nguyễn Văn Công chủ trì buổi làm việc
Cùng dự họp có đại diện lãnh đạo các Vụ Kế hoạch Đầu tư, Tài chính, Môi trường, Khoa học Công nghệ, An toàn giao thông; Ban chỉ huy Phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn; Văn phòng Bộ GTVT; Cục Hàng hải Việt Nam ( Cục HHVN); Tổng công ty Bảo đảm An toàn Hàng hải miền Bắc...
Theo ông Đỗ Hồng Thái - Phó Cục trưởng Cục Hàng hải Việt Nam cho biết: Dự án đầu tư đóng mới 01 tàu chuyên dụng TKCN hoạt động xa bờ được Bộ GTVT cho phép lập dự án đầu tư tại Quyết định số 3728/QĐ-BGTVT ngày 03/10/2014 và phê duyệt đề cương, dự toán chi phí lập dự án tại Quyết định số 4146/QĐ-BGTVT ngày 31/10/2014. Thực hiện nhiệm vụ là chủ đầu tư, Cục HHVN đã lựa chọn và chỉ đạo đơn vị tư vấn hoàn chỉnh báo cáo lập dự án này.
Theo đó, mục tiêu của Dự án nhằm trang bị cho Trung tâm Phối hợp tìm kiếm cứu nạn hàng hải Việt Nam 01 tàu TKCN để chủ động thực hiện công tác TKCN trên biển, chỉ huy hiện trường trong những vụ việc phức tạp, tàu có khả năng hoạt động dài ngày trên biển. Ngoài ra, tàu còn thực hiện thêm các nhiệm vụ khác như thực hiện các hoạt động huấn luyện, chữa cháy, lai dắt và hỗ trợ hoạt động dưới biển; hỗ trợ các hoạt động ứng cứu sự cố tràn dầu; hỗ trợ công tác tuần tra, kiểm tra, kiểm soát và an ninh quốc phòng; tham gia bảo vệ môi trường biển.
Quy mô đầu tư đóng mới con tàu này phải đảm bảo tính năng TKCN tại vùng biển Việt Nam và các vùng biển lân cận khác; tàu có thể đảm bảo hoạt động trong điều kiện sóng cấp 8, gió cấp 9, tầm hoạt động là 3.000 hải lý với tốc độ thiết kế từ 18 hải lý/h trở lên.
Tại cuộc họp, đại diện Công ty cổ phần Hàng hải quốc tế Bình Minh (đơn vị tư vấn lập dự án) đã đề xuất 03 phương án thiết kế tàu TKCN hoạt động xa bờ; đưa ra các thông số về kích thước cơ bản, vật liệu vỏ tàu, máy chính, tốc độ lớn nhất và tầm hoạt động, chức năng nhiệm vụ; bố trí tổng thể; đánh giá tính hiệu quả khai thác; tổng mức đầu tư cho từng phương án; so sánh và đưa ra phương án tối ưu, đảm bảo tính hiệu quả khai thác và kinh tế cao nhất.
Tàu được thiết kế với tính năng TKCN tại vùng biển Việt Nam và các vùng biển lân cận khác;
đảm bảo hoạt động trong điều kiện sóng cấp 8, gió cấp 9, tầm hoạt động
là 3.000 hải lý với tốc độ thiết kế từ 18 hải lý/h trở lên (phối cảnh).
Kết luận cuộc họp, Thứ trưởng Nguyễn Văn Công yêu cầu đơn vị tư vấn tiếp thu ý kiến của các thành viên dự họp, sớm hoàn thiện nội dung báo cáo lập dự án đầu tư, báo cáo Bộ GTVT trong tháng 7; trong đó lưu ý các yếu tố kỹ thuật; trong đó nghiên cứu, so sánh số liệu đầu vào, kích thước, tốc độ, thời gian hoạt động và số lượng thuyền viên trên tàu, xem xét tính ổn định của tàu…; từ đó đưa ra các thông số kỹ thuật phù hợp, hiệu quả; đưa ra mô hình thử nghiệm; cập nhật các trang thiết bị đặc chủng để xác định tổng mức đầu tư.
Để xác định hiệu quả đầu tư dự án, Thứ trưởng đề nghị phân tích, so sánh các phương án kinh tế, chi phí khai thác, chi phí bảo dưỡng tàu; phân tích tổng thể mục tiêu, sự cần thiết đóng tàu này trong bối cảnh chung có sự tham gia của không chỉ riêng Bộ GTVT, Trung tâm Phối hợp TKCN mà còn có các lực lượng khác như kiểm ngư, cảnh sát biển, bộ đội biên phòng, hải quân... ngoài ra, tham khảo thông số thiết kế kỹ thuật của các tàu kiểm ngư để khi cần thiết có thể tham gia vào những nhiệm vụ đảm bảo an ninh quốc phòng.
Do đây là tàu chuyên dụng đòi hỏi yêu cầu kỹ thuật và chất lượng cao, Thứ trưởng đề nghị Vụ Kế hoạch Đầu tư, Cục HHVN nghiên cứu đề xuất thuê tư vấn nước ngoài thẩm tra thiết kế cơ sở của dự án này; Cục Đăng kiểm Việt Nam và đăng kiểm nước ngoài để thẩm định duyệt thiết kế của đơn vị tư vấn; tổ chức đấu thầu quốc tế rộng rãi cho việc lựa chọn thiết kế kỹ thuật; về đấu thầu xây lắp, dự thảo văn bản xin ý kiến Thủ tướng Chính phủ cho phép chỉ định thầu, giao đấu thầu hạn chế cho các doanh nghiệp của Tổng công ty Công nghiệp tàu thủy Việt Nam; rà soát, triển khai các bước về thủ tục đầu tư theo đúng quy định của Nghị định 161/NĐ-CP về đăng ký và mua, bán, đóng mới tàu biển và Luật Đầu tư công.
VH