Trưởng Ban Chỉ đạo Tây Nguyên Trần Đại Quang, Bộ trưởng Đinh La Thăng cùng các đại biểu
gắn biển công trình chào mừng 70 ngày truyền thống Ngành GTVT
Phát biểu tại Lễ khánh thành, Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Hồng Trường đã khái quát về quá trình xây dựng nâng cấp đường HCM, trong đó đặc biệt nhất mạnh đến công tác chỉ đạo sâu sát, kịp thời của Chính phủ và Quốc hội. Chính phủ đã thành lập các Ban chỉ đạo do các đồng chí Phó Thủ tướng là trưởng ban chỉ đạo giải quyết các khó khăn về công tác GPMB, chỉ đạo thi công và thu xếp vốn cho dự án. Chính vì vậy trong quá trình triển khai dự án đã có những đột phá về công tác GPMB, một số địa phương đã bàn giao toàn bộ mặt bằng sau 6 tháng triển khai, cá biệt có địa phương bàn giao toàn bộ mặt bằng sau 3 tháng triển khai như Kon Tum, Gia lai…
“Hầu hết chính quyền địa phương các cấp từ tỉnh đến các xã luôn đồng lòng ủng hộ tích cực trong công tác GPMB để đường HCM sớm thành”, Thứ trưởng Nguyễn Hồng Trường nhấn mạnh.
Thứ trưởng Nguyễn Hồng Trường phát biểu tại buổi Lễ
Phát biểu tại buổi Lễ, Đại tướng Trần Đại Quang khẳng định: "Tây Nguyên là địa bàn giữ vị trí chiến lược quan trọng về quốc phòng, an ninh, kinh tế-xã hội và môi trường sinh thái của đất nước. Trong những năm qua, với sự đầu tư, hỗ trợ mạnh mẽ của Đảng và Nhà nước, vùng Tây Nguyên đã đạt được những thành tựu to lớn trên nhiều lĩnh vực. Kết cấu hạ tầng kinh tế-xã hội không ngừng phát triển; hệ thống giao thông đường bộ từng bước hình thành rộng khắp, vừa liên kết 5 tỉnh trong vùng, vừa nối Tây Nguyên với các vùng khác, trong đó có 11 tuyến quốc lộ với tổng chiều dài gần 2.185 km, 59 tuyến tỉnh lộ đã được nhựa hóa và cứng hóa.
Trưởng Ban Chỉ đạo Tây nguyên, Bộ trưởng Bộ Công an Trần Đại Quang phát biểu tại buổi Lễ
Tuy vậy, so với tiềm năng, lợi thế và yêu cầu phát triển hiện nay, kết cấu hạ tầng kinh tế-xã hội nói chung, hạ tầng giao thông nói riêng vẫn còn nhiều yếu kém, thiếu đồng bộ, là một trong những nguyên nhân làm hạn chế sự phát triển của vùng. Nhận thức sâu sắc tầm quan trọng của việc phát triển kết cấu hạ tầng giao thông Tây Nguyên, Bộ GTVT, Thường trực Ban Chỉ đạo Tây Nguyên và các bộ ngành đã tập trung nghiên cứu xây dựng và phối hợp trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án phát triển kết cấu hạ tầng giao thông Tây Nguyên đến năm 2015, định hướng đến năm 2020; đồng thời kiến nghị Chính phủ trình Quốc hội cho phép phát hành trái phiếu chính phủ và huy động các nguồn vốn nhằm đầu tư nâng cấp, mở rộng đường Hồ Chí Minh qua Tây Nguyên và Bình Phước. Đây là tuyến đường xương sống huyết mạch, có tầm quan trọng chiến lược với tổng chiều dài 663 km từ Đăk Zôn tỉnh Kon Tum đến Chơn Thành, tỉnh Bình Phước; trước năm 2013 đã được đầu tư hoàn thành 244 km”.
Các đại biểu thực hiện nghi lễ Khánh thành Dự án
Trưởng Ban Chỉ đạo Tây nguyên Trần Đại Quang cũng nhấn mạnh, từ năm 2013 đến nay, được sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo sát sao của Trung ương Đảng, Quốc hội và Chính phủ, 419 km còn lại của đường Hồ Chí Minh đã được đầu tư xây dựng và triển khai thi công đồng bộ và đến nay đã được hoàn thành thông xe toàn tuyến đúng thời gian dự kiến, vượt hơn một năm so với Nghị quyết của Quốc hội. Có thể khẳng định, việc hoàn thành nâng cấp, mở rộng đường HCM cũng như việc triển khai các dự án: sân bay Pleiku, quốc lộ 20, quốc lộ 28, quốc lộ 26... vừa qua có ý nghĩa rất quan trọng đối với sự phát triển kinh tế-xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng Tây Nguyên".
Bộ trưởng Đinh La Thăng trao tặng Kỷ niệm chương, Bằng khen cho các cá nhân tập thể
Được biết, Dự án đường HCM qua các tỉnh Tây nguyên & tỉnh Bình Phước được đầu tư nâng cấp, mở rộng cơ bản đi trùng với QL14, có chiều dài 663km từ Đắk Zôn tỉnh Kon Tum đến Chơn Thành tỉnh Bình Phước. Tuyến đường này đã được đầu tư 110km từ Đăk Zôn đến Tân Cảnh, tỉnh Kon Tum trong giai đoạn 1 (từ năm 2000 - 2007), còn lại 553km đoạn từ Tân Cảnh, tỉnh Kon Tum đến Chơn Thành, tỉnh Bình Phước được đầu tư xây dựng trong giai đoạn 2 (từ năm 2008). Trong đó khoảng 134km qua đô thị các tỉnh Tây nguyên và đoạn nối Kon Tum với PleiKu được triển khai từ năm 2008, hoàn thành cuối năm 2013, đầu năm 2014 và 419km chia làm 11 dự án thành phần (6 dự án vốn TPCP và 5 dự án BOT) được đầu tư trong giai đoạn 2013 - 2015. Quy mô đầu tư toàn tuyến theo tiêu chuẩn đường cấp III đồng bằng (Bnền = 12m, Bmặt = 11m) cho 02 làn xe cơ giới, 02 làn thô sơ; một số đoạn qua đô thị được mở rộng 04 làn xe cơ giới và 02 làn xe thô sơ. Hướng tuyến cơ bản bám theo đường cũ (QL14), mở rộng 02 bên để hạn chế GPMB, cải tạo một số đoạn qua khu vực đèo dốc, địa hình khó khăn.
Tại buổi Lễ khánh thành, Đại tướng Trần Đại Quang, Ủy viên Bộ chính trị, Bộ trưởng Bộ công an, Trưởng Ban Chỉ đạo Tây Nguyên đã trao tặng Bằng khen cho 5 tập thể và 14 cá nhân đã có thành tích, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ thi công đường Hồ Chí Minh. Cùng với đó, Bộ GTVT đã trao tặng Kỉ niệm chương và Bằng khen cho 9 tập thể và 5 cá nhân có thành tích xuất sắc, đóng góp cho sự thành công của Dự án đường Hồ Chính Minh qua Tây Nguyên và tỉnh Bình Phước. Ngoài ra, TW Đoàn TNCS Hồ Chí Minh cũng đã trao tặng Bằng khen cho 1 tập thể và 16 cá nhân có nhiều đóng góp cho sự thành công chung của đường Hồ Chinh Minh.
Ngọc Hân