Thứ trưởng Nguyễn Hồng Trường (ngồi thứ hai từ phải sang trái) chủ trì cuộc họp.
Dự án đầu tư xây dựng đường cao tốc Ninh Bình - Bãi Vọt (Hà Tĩnh) nằm trong Quy hoạch phát triển đường cao tốc Bắc - Nam đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt điều chỉnh Quy hoạch phát triển GTVT đường bộ Việt Nam đến năm 2020 và định hướng đến năm 2030. Dự án trước đây đã được Bộ GTVT tổ chức lập Báo cáo nghiên cứu khả thi (F/S) và chia làm hai đoạn: đoạn từ Ninh Bình - Nghi Sơn (Thanh Hóa) và từ Nghi Sơn - Bãi Vọt (Hà Tĩnh), tuy nhiên chưa phê duyệt do không có nguồn vốn cụ thể.
Theo nghiên cứu của TEDI, Dự án đường cao tốc Ninh Bình - Thanh Hóa có chiều dài 107,28 km, đi qua các tỉnh Ninh Bình, Thanh Hóa. Điểm đầu tại Km274+345 khớp nối với Dự án thành phần xây dựng đường nối giữa cao tốc Cầu Giẽ - Ninh Bình với QL1 (giai đoạn 2) tại nút giao với Đường tỉnh 477 và đường cao tốc thuộc địa phận xã Mai Sơn, huyện Yên Mô (Ninh Bình), điểm cuối tại Km381+250 điểm kết thúc nút giao với đường nối Cảng Nghi Sơn, thuộc địa phận xã Trường Lâm, huyện Tĩnh Gia (Thanh Hóa). Quy mô giai đoạn hoàn chỉnh là đường cao tốc gồm 6 làn xe, vận tốc thiết kế 120km/h. Giai đoạn 1, đầu tư 4 làn xe hạn chế, vận tốc thiết kế 80km/h, tổng mức đầu tư 17.740 tỷ đồng.
Ông Nguyễn Minh Thắng - Phó Tổng giám đốc Tổng công ty Tư vấn thiết kế GTGT (TEDI) cho biết, tuyến đường Ninh Bình - Thanh Hóa hiện là tuyến giao thông quan trọng, lưu lượng phương tiện tham gia giao thông rất lớn. Trên cơ sở lưu lượng xe đoạn đầu tuyến từ Thanh Hóa đến Nghi Sơn tương đối cao (trên QL1 dự kiến đạt 95.000 xe tiêu chuẩn/ngày đêm vào năm 2020), nên đoạn tuyến Ninh Bình - Nghi Sơn (Thanh Hóa) được Tư vấn đánh giá là khả thi khi đầu tư theo hình thức PPP, có sự hỗ trợ của Chính phủ.
Thứ trưởng Nguyễn Hồng Trường yêu cầu các đơn vị khẩn trương hoàn thiện
các nội dung liên quan của Dự án để chậm nhất tháng 12/2015 khởi công Dự án.
Ông Nguyễn Ngọc Thạch - Giám đốc Sở GTVT Ninh Bình cho biết, Sở đã có văn bản thống nhất điều chỉnh điểm đầu Dự án, phương án nút giao Mai Sơn, hướng tuyến đoạn qua khu vực Nhà máy xi măng Duyên Hà, tĩnh không thông thuyền cầu Vạn Lê vượt qua sông Bến Đang. Sở cũng đề nghị nghiên cứu, bổ sung trong giai đoạn 2 của nút giao Mai Sơn, cần thiết kế là nút giao liên thông hoàn chỉnh để đảm bảo kết nối giao thông, thuận lợi cho phát triển kinh tế - xã hội của địa phương; đồng thời nghiên cứu phương án tuyến phù hợp cho công tác GPMB, tái định cư đoạn qua Nhà máy xi măng Duyên Hà.
Về phía tỉnh Thanh Hóa, ông Lê Anh Tuấn - Phó Chủ tịch UBND Tỉnh cho biết, về chủ trương Tỉnh rất mong có dự án đường cao tốc, bởi sau khi mở rộng xong QL1 mật độ phương tiện tham gia giao thông rất đông, nên việc xây dựng đường bộ cao tốc Ninh Bình - Thanh Hóa là rất cần thiết. Ông Lê Anh Tuấn cũng cho biết, vừa qua đơn vị Tư vấn TEDI đã vào làm việc với tỉnh Thanh Hóa về một số nội dung liên quan đến Dự án, trong đó đã trao đổi và thống nhất điều chỉnh một số đoạn trên địa bàn Tỉnh.
Về hiệu quả đầu tư Dự án, ông Nguyễn Viết Huy, Phó Vụ trưởng - Phó Trưởng ban PPP cho biết, đây là tuyến đường rất quan trọng, lưu lượng phương tiện tham gia giao thông rất lớn. Để đảm bảo hiệu quả đầu tư, ông Nguyễn Viết Huy đề nghị tách Dự án đường bộ cao tốc Ninh Bình - Thanh Hóa thành hai dự án riêng biệt, cụ thể Dự án đường bộ cao tốc đoạn Ninh Bình (Mai Sơn) - Thanh Hóa (QL45) và Dự án đường bộ cao tốc đoạn QL45 - Nghi Sơn (Thanh Hóa), đầu tư theo hình thức BOT, có sự hỗ trợ của Nhà nước.
Dự án đường bộ cao tốc Ninh Bình - Thanh Hóa được nghiên cứu
đầu tư trong giai đoạn 1 với 4 làn xe, giai đoạn hoàn chỉnh 6 làn xe. Ảnh minh họa.
Trên cơ sở đồng ý với nghiên cứu Dự án của TEDI, Thứ trưởng Nguyễn Hồng Trường yêu cầu TEDI tiếp tục nghiên cứu phương án 4 làn xe hoàn chỉnh, trong đó lưu ý nghiên cứu kỹ về các giải pháp thiết kế công trình, trắc dọc, trắc ngang, nền đường, mặt đường, các nút giao, công trình cầu…
Về phương án tài chính, Thứ trưởng yêu cầu TEDI nghiên cứu đưa ra giải pháp thu phí hoàn vốn phù hợp, cụ thể về nguồn vốn Nhà đầu tư phải huy động và nguồn vốn Nhà nước hỗ trợ, trước mắt Nhà đầu tư ứng tiền ra trước, lãi suất được tính vào thu phí BOT, Nhà nước chỉ chi trả tiền gốc.
Thứ trưởng yêu cầu Nhà đầu tư, phối hợp với Ban PPP và các đơn vị hoàn thiện các nội dung liên quan của Dự án để sớm trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt chủ trương đầu tư và phê duyệt F/S (trong tháng 8/2015). “Sau khi Thủ tướng Chính phủ đồng ý lập dự án đầu tư và phê duyệt dự án đầu tư, chậm nhất tháng 12/2015 phải khởi công Dự án này” - Thứ trưởng yêu cầu.
Xuân Nguyên