Bí thư Ban Cán sự đảng, Bộ trưởng Bộ GTVT Đinh La Thăng
chỉ đạo nhiều nội dung quan trọng trong buổi họp ngày 3/8
Rà soát báo cáo cụ thể các trạm thu phí
Tại cuộc họp, Vụ trưởng- Trưởng Ban quản lý đầu tư tư các dự án công tư (PPP) Nguyễn Danh Huy cho biết, về các dự án đang triển khai theo hình thức PPP, hiện Bộ đang chỉ đạo triển khai 57 dự án (194.177 tỷ), gồm 53 dự án trong lĩnh vực Đường bộ (192.587 tỷ), 01 dự án lĩnh vực Đường thủy nội địa (1.303 tỷ), 02 dự án lĩnh vực Hàng hải (230 tỷ) và 01 dự án lĩnh vực đào tạo (57 tỷ).
Riêng 7 tháng đầu năm 2015 đã tổ chức động thổ 12 dự án với tổng số vốn huy động khoảng 39.300/37.300 tỷ (đạt 105% so với kế hoạch năm 2015); gồm: Mở rộng QL1 cửa ngõ phía Bắc thị xã Bạc Liêu; tuyến tránh TP. Sóc Trăng; cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận; QL38 từ cầu Yên Lệnh đến nút giao Vực Vòng; cầu Bình Lợi và cải tạo luồng sông Sài Gòn; đường Hồ Chí Minh đoạn từ QL2 đến Hương Nộm; cầu Việt Trì - Ba Vì nối QL32 với QL32C; QL30 đoạn An Hữu - Cao Lãnh; QL53 đoạn Long Hồ - Ba Si; QL10 đoạn Quán Toan - Cầu Nghìn; QL26, tỉnh Khánh Hòa và Đắc Lắc; cao tốc Bắc Giang - Lạng Sơn kết hợp cải tạo QL1 cũ.
Bộ trưởng Đinh La Thăng yêu cầu rà soát, báo cáo cụ thể các trạm thu phí
Giá trị thực hiện trong 7 tháng đầu năm đạt 19.100 tỷ; giải ngân đạt 17.350 tỷ (đạt khoảng 41% so với kế hoạch 41.980 tỷ).
Ông Nguyễn Danh Huy cũng cho biết, hiện Bộ đang chỉ đạo nghiên cứu triển khai 63 dự án, gồm 44 dự án trong lĩnh vực Đường bộ (trong đó có 10 dự án đường cao tốc), 07 dự án lĩnh vực Hàng không, 06 dự án lĩnh vực Đường thủy nội địa, 04 dự án lĩnh vực Đường sắt và 02 dự án lĩnh vực Hàng hải. Ngoài ra, còn một số dự án khác đang nghiên cứu.
Cũng tại buổi làm việc, ông Nguyễn Danh Huy cũng cho biết, tại văn bản số 3874/VPCP-KTN ngày 28/5/2015, Phó TTgCP Hoàng Trung Hải yêu cầu: “Bộ GTVT rà soát tổng thể các dự án BOT báo cáo TTgCP và lập quy hoạch tổng thể các trạm thu phí BOT trình cấp có thẩm quyền làm căn cứ triển khai đặt các trạm thu phí các dự án BOT trong thời gian tới”; đồng thời tại văn bản số 1237/TTg-KTN ngày 29/7/2015, TTgCP yêu cầu: “tạm dừng việc bố trí mới các trạm thu phí không đảm bảo khoảng cách tối thiểu 70km giữa hai trạm trên cùng một tuyến đường”.
Do vậy, đối với các dự án đường bộ đang chuẩn bị triển khai (không bao gồm các dự án đường cao tốc và đường vành đai), Ban PPP kiến nghị, đối với các dự án đã phê duyệt báo cáo NCKT và dự án không bổ sung trạm thu phí tiếp tục triển khai theo quy định; Đối với 5 dự án có trạm thu phí đảm bảo khoảng cách 70km sẽ tiếp tục triển khai công tác chuẩn bị đầu tư, chỉ phê duyệt sau khi TTgCP có ý kiến về báo cáo tổng thể các dự án BOT của Bộ; Đối với 15 dự án có trạm thu phí không đảm bảo khoảng cách 70km khi xét cả tuyến đường lân cận sẽ tiếp tục công tác chuẩn bị đầu tư, chỉ phê duyệt khi TTgCP phê duyệt quy hoạch trạm thu phí; Đối với 5 dự án có trạm thu phí không đảm bảo khoảng cách 70km trên cùng một tuyến đường thì phải tạm dừng công tác chuẩn bị đầu tư, chờ đến khi TTgCP phê duyệt quy hoạch trạm thu phí.
Về vấn đề này, Bộ trưởng Đinh La Thăng cho rằng, việc các nhà đầu tư quan tâm và « làm » dự án BOT giao thông là rất dũng cảm và rất đáng hoan nghênh bởi đồng vốn bỏ ra nhiều mà thời gian thu lại rất dài. Do đó, chúng ta phải vừa làm chặt chẽ từ việc tạo điều kiện cho các nhà đầu tư yên tâm làm dự án vừa phải đảm bảo chất lượng công trình. Nếu không có các dự án BOT thì diện mạo giao thông Việt Nam không thể có được như ngày nay, không có đường cao tốc Nội Bài – Lào Cai; Long Thành – Dầu Giây; Pháp Vân-Cầu Giẽ…
“Trách nhiệm của chúng ta là hoàn thiện thủ tục, đúng quy trình, công khai minh bạch đồng thời huy động nguồn lực, vừa làm chặt chẽ và kết hợp với tuyên truyền để nhân dân hiểu và đồng tình”, Bộ trưởng nói.
Bộ trưởng Đinh La Thăng cũng yêu cầu Ban PPP và các cơ quan chức năng, rà soát cụ thể các dự án BOT xem hiện đang triển khai bao nhiêu, chuẩn bị triển khai bao nhiêu dự án…một cách rõ ràng, công khai minh bạch. Đối với các dự án còn thiếu thủ tục, Ban PPP phải yêu cầu các nhà đầu tư hoàn thành theo đúng các quy định của pháp luật; Phải rà soát lại toàn bộ và chuẩn hoá theo đúng Nghị định của Chính phủ đối với các dự án PPP trong lĩnh vực GTVT; phối hợp với Bộ KHĐT để hoàn thiện thể chế chính sách bằng cách minh bạch hoá, cụ thể hoá các VB QPPL.
Nếu không có các dự án BOT thì hạ tầng giao thông không thể có sự thay đổi lớn về diện mạo
Bên cạnh đó Bộ trưởng cũng yêu cầu các cơ quan tiếp tục kêu gọi các dự án xã hội hoá cả 5 lĩnh vực đồng thời tìm các nguồn vốn vay từ quỹ đầu tư nước ngoài, ngân hàng nước ngoài và các nguồn khác.
“Huy động được nhiều nguồn lực trong xã hội để thực hiện thành công các dự án phát triển hạ tầng giao thông vận tải là rất tốt, tuy nhiên, Ban PPP cũng phải phối hợp với các ngân hàng, tổ chức tín dụng rà soát lại các nhà thầu. Nhà thầu nào có đủ năng lực tài chính, có khả năng trả nợ mới cho triển khai dự án, tránh hiện tượng sau này thành nợ xấu. Phải coi đây là trách nhiệm trực tiếp của Bộ GTVT”, Bộ trưởng Đinh La Thăng kiên quyết.
Về việc rà soát lại các trạm thu phí theo chỉ đạo của Chính phủ, Bộ trưởng Đinh La Thăng hoan nghênh Thứ trưởng Nguyễn Hồng Trường chỉ đạo quyết liệt việc rà soát. Bộ trưởng cũng yêu cầu đồng chí Thứ trưởng chỉ đạo các đơn vị làm rõ thêm các trạm thu phí nào đúng cự ly hay không; rà soát cụ thể từng trạm trên quốc lộ, tỉnh lộ; trạm nào đúng; trạm nào do lịch sử để lại và đã không phù hợp với quy hoạch hiện tại; trạm nào chưa chuẩn về cự ly nhưng do yêu cầu đặc biệt của địa phương thì phải có báo cáo cho rõ. Bên cạnh việc rà soát, các cơ quan có trách nhiệm phải có trách nhiệm tuyên truyền cho người dân biết một cách rõ ràng, minh bạch.
Thanh tra để đảm bảo minh bạch các dự án trên QL1, đường HCM qua Tây Nguyên
Báo cáo tình hình thực hiện các dự án mở rộng QL1 đoạn qua Thanh Hoá – Cần Thơ và các dự án đường Hồ Chí Minh đoạn qua khu vực các tỉnh Tây Nguyên, ông Trần Xuân Sanh Cục trưởng Cục QLXD&CL CTGT cho biết, đến nay trên tuyến đã hoàn thành đưa vào khai thác sử dụng 19/40 dự án (TPCP: 10 dự án; BOT: 9 dự án), tương ứng với 710/1.394km, đạt 51%. Dự kiến đến 30/9/2015 hoàn thành thêm 17 dự án (TPCP: 10 dự án; BOT: 07 dự án), đưa vào khai thác sử dụng 36/40 dự án, tương ứng với 1.304/1.394km, đạt 93,61%. Dự kiến đến 31/12/2015 hoàn thành thêm 03 dự án (BOT: 03 dự án), đưa vào khai thác sử dụng 39/40 dự án (TPCP: 20/20 dự án; BOT: 19/20 dự án), tương ứng với 1.381/1.394km, đạt 99%.
“Chất lượng công trình được tăng cường, kiểm soát. Tuy nhiên, đến nay tại một số dự án xuất hiện hiện tượng hằn lún vệt bánh xe. Đối với các dự án nâng cấp Quốc lộ 1 qua khu vực miền Trung (từ Thanh Hóa đến Thừa Thiên Huế), tổng diện tích bị HLVBX chiếm khoảng 3,94% tổng diện tích mặt đường phần xe chạy.
Hiện nay các Ban QLDA, các Nhà đầu tư đã cơ bản hoàn thành công tác cào bóc tạo phẳng đảm bảo giao thông và cào bóc thảm lại BTN mặt đường đối với các đoạn có chiều sâu hằn lún ≥ 2,5cm. Đồng thời, toàn ngành đang nỗ lực tập trung để đưa ra các giải pháp nhằm khắc phục triệt để tình trạng hằn lún vệt bánh xe. Nặng nhất tập trung vào các dự án của Cienco4 và công ty Trùng Phương”, Cục trưởng Trần Xuân Sanh báo cáo.
Đường Hồ Chí Minh qua Tây Nguyên hoàn thành
vượt tiến độ 18 tháng, chất lượng cơ bản đáp ứng yêu cầu
Đối với dự án Đường Hồ Chí Minh, ông Sanh nói, hiện đã chính thức thông xe toàn bộ 663 km đường Hồ Chí Minh qua khu vực Tây Nguyên (trong đó 553 km giai đoạn 2 được hoàn thành sớm hơn 1,5 năm so với Nghị quyết của Chính phủ). Chất lượng các dự án cơ bản đáp ứng yêu cầu kỹ thuật và đã được Hội đồng nghiệm thu Nhà nước chấp thuận nghiệm thu đưa vào khai thác sử dụng.
Kết luận vấn đề này, Bộ trưởng Đinh La Thăng cho rằng Dự án Đường Hồ Chí Minh đã vượt tiến độ 18 tháng, chất lượng đến thời điểm này là đảm bảo yêu cầu. Tuy nhiên, các cơ quan không được lơ là chủ quan phải luôn quan tâm đến chất lượng Dự án. Bộ trưởng cũng yêu cầu Ban QLDA đường Hồ Chí Minh phải nhanh chóng bàn giao cho TCĐB để hoàn thiện hạ tầng, đưa vào sử dụng, khai thác đảm bảo ATGT cho người và phương tiện tham gia giao thông.
Bên cạnh đó, Bộ trưởng yêu cầu mời thanh tra, kiểm toán vào kiểm tra, hoàn thiện thủ tục dứt điểm; Yêu cầu các đồng chí Thứ trưởng phụ trách dự án, các Ban QLDA phải trình hồ sơ đủ để tạo điều kiện cho cơ quan thanh tra hoàn thiện công việc.
Đối với các dự án BOT còn có các ý kiến trái chiều, Bộ giao cho Thứ trưởng Nguyễn Văn Thể trực tiếp chỉ đạoThanh tra Bộ rà soát, triển khai thanh tra và có kết luận sớm để và báo cáo Thủ tướng Chính phủ, Chủ tịch nước, Văn phòng TƯ, Quốc hội …
“Vấn đề thanh tra không phải để xử lý ai mà tìm sai sót để khắc phục. Cùng đó, rà soát các Dự án Trái phiếu Chính phủ. Các dự án thanh tra có kiểm toán rồi, căn cứ vào các kết luận của các cơ quan của Chính phủ, Vụ Tài chính cần có báo cáo, đốc thúc các đơn vị hoàn thành nhiệm vụ”, Bộ trưởng yêu cầu.
Đối với các dự án trên Quốc lộ 1, Bộ trưởng yêu cầu các đồng chí thứ trưởng phụ trách, các Ban QLDA đôn đốc các dự án còn lại không để chậm tiến độ nhưng vẫn phải bảo đảm chất lượng; đẩy nhanh giải ngân; các đồng chí Thứ trưởng phải làm việc với địa phương để tạo điều kiện cho nhà thầu thi công, tranh thủ tập trung nhân lực, vật lực trước khi mùa mưa đến. Riêng đối với dự án hầm Phú Gia – Phước Tượng phải có các giải pháp kỹ thuật, đẩy nhanh tiến độ để kịp đưa vào sử dụng, khai thác cùng thời điểm trên toàn tuyến. Dự án nào xong phải giao luôn cho Tổng cục ĐBVN, đưa vào hoàn thiện hạ tầng: biển báo, đèn chiếu sáng… để đảm bảo ATGT khi đưa vào khai thác, sử dụng. Đồng thời, lưu ý bồi thường cho nhân dân, hoàn trả địa hình cho địa phương đầy đủ…
Cũng tại buổi làm việc, Bộ trưởng Đinh La Thăng chỉ đạo trong tháng 8 phải hoàn chỉnh toàn bộ các dự án “vướng” hằn lún; không thể để như tình trạng QL5 bóc 5 lần mà vẫn không xong.
Bộ trưởng cũng yêu cầu các đồng chí Thứ trưởng, trưởng các cơ quan, đơn vị không chỉ tập trung vào phát triển hạ tầng đường bộ mà phải tăng cường thêm các lĩnh vực khác, theo đề án Quy hoạch GTVT đến 2020 và tầm nhìn 2030; Tiếp tục đẩy mạnh tái cơ cấu doanh nghiệp theo đúng chỉ đạo của Chính phủ.
Về lĩnh vực hàng không, Bộ trưởng yêu cầu bên cạnh việc đẩy nhanh tiến độ đã hứa trước Quốc hội, nhân dân về Cảng HKQT Long Thành thì cần phải đẩy mạnh cảng Đà Nẵng và Cam Ranh...; Cục Hàng không khắc phục ngay việc chậm huỷ chuyến nhiều lại đang có chiều hướng gia tăng trở lại; Ban Phòng chống lụt bão và tìm kiếm cứu nạn cũng cần chủ động tham mưu cho lãnh đạo Bộ nhằm thực hiện tốt Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ về khắc phục hậu quả bão lũ, sự cố sạt lở, bảo đảm giao thông thông suốt trên các tuyến quốc lộ; hỗ trợ các địa phương khắc phục trên các tuyến giao thông chính. Cụ thể, ngay trong tuần đầu tiên của tháng 8, Ban Phòng chống lụt bão kết hợp với Tổng cục ĐBVN, Văn phòng Quỹ Bảo trì đường bộ TƯ, các Sở GTVT kiểm tra các tuyến Tây Bắc, Đông Bắc…thống nhất với các địa phương để khắc phục hậu quả đợt mưa bão vừa qua, đảm bảo ATGT cho người và phương tiện…
H.L