Thứ trưởng Trường phê bình tiến độ Dự án không có sự tăng trưởng đáng kể trong những tháng mùa khô qua
Thời tiết tốt nhưng Dự án vẫn chậm tiến độ
Hàng loạt vấn đề tiến độ, góp vốn chủ sở hữu, dự toán chính thức, mặt bằng, công tác nội nghiệp… được Ban QLDA, nhà đầu tư, nhà thầu tập trung mổ xẻ. Đây là dự án BT đầu tiên nên vừa triển khai vừa hoàn thiện thủ tục.
Theo lãnh đạo Ban QLDA đường HCM (đại diện cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền), dự án hiện hoàn thành giấy chứng nhận đầu tư, hợp đồng BT, hợp đồng tín dụng; trong tháng 7/2015, Ban đã mời Viện Kinh tế (Bộ Xây dựng) kiểm tra triển khai công tác lập định mức, đơn giá và thẩm tra bước đầu dự toán chính thức. Công tác góp vốn chủ sở hữu đến tháng 7/2015 mới đạt 78% kế hoạch (gồm cả ký quỹ), chậm hơn so với tiến độ đề ra, thiếu hơn 93 tỷ đồng.
Đặc biệt, vướng mắc GPMB ảnh hưởng lớn đến tiến độ chung. Toàn dự án dài 66km qua hai địa phương Thừa Thiên-Huế và Đà Nẵng nhưng đến nay chỉ mới có hơn 32km được bàn giao mặt bằng theo kiểu xôi đỗ.
Thống kê từ tháng 3 đến tháng 7, toàn dự án mới đạt 65% kế hoạch, chủ yếu là khối lượng đào đắp đất, nền đường, cống... “Thời tiết tốt, tiền có sẵn nhưng dự án vẫn chưa bứt phá được. Những tháng mùa khô, tiến độ quá chậm, không chuyển biến”, ông Lâm Văn Hoàng, Tổng giám đốc Ban QLDA đường Hồ Chí Minh đánh giá.
Ban QLDA đường HCM điểm danh hàng loạt nhà đầu tư, nhà thầu như Tổng công ty Xây dựng Trường Sơn (gói 1,2,3,18,19- phía Huế), Liên danh CC1-TSG (gói XL20, 22, 23A, 23B- phía Huế, 1 phần gói XL14, 15-phía Đà Nẵng); Tổng công ty Xây dựng CTGT 8 (gói 10,16, 24, 25, 26, 27), Công ty TNHH MTV Đầu tư xây dựng Vạn Tường (một phần gói 10, 24)... chậm tiến độ.
Theo Ban QLDA đường Hồ Chí Minh, thực tế năng lực tài chính của nhà thầu một số mũi thi công còn yếu, không đáp ứng kịp thời việc triển khai đồng loạt, liên tục. Bên cạnh đó nhân sự của nhà thầu còn thiếu, công tác nội nghiệp chưa được chú trọng.
Dự án đường Hồ Chí Minh đoạn La Sơn - Túy Loan hiện mới tập trung vào công tác đào đắp đất, nền đường...
Tại gói XL15 (Liên danh CC1-TSG), từ tháng 5/2015, mũi thi công thứ 3 đến nay chưa tổ chức thi công lại; công trình cầu Km53+776 phải chờ thay đổi thiết kế từ cọc đóng sang cọc khoan nhồi quá lâu. Còn nhân sự cung ứng cho các gói Vạn Tường chưa đáp ứng nhu cầu… “Dự án không phải là chỗ để các nhà đầu tư, nhà thầu giữ việc. Nhận dự án rồi để đó. Bộ máy điều hành từ ban đến công trường chưa đảm bảo...”, ông Hoàng phân tích.
Cuối năm 2016 phải cơ bản hoàn thành 66km La Sơn - Túy Loan
Chia sẻ khó khăn khách quan về mặt bằng, địa hình nhưng theo Thứ trưởng Trường, tiến độ dự án quá chậm so với kỳ vọng. Các vấn đề nan giải về thủ tục, nguồn vốn hiện đã được giải quyết, ngân hàng phía Nhật Bản đồng ý cấp vốn 500 triệu USD, tiền cũng đã về cho Dự án. Vấn đề còn lại phụ thuộc công tác giải ngân như thế nào.
Tuy nhiên, cơ chế giữa nhà đầu tư, nhà thầu vẫn còn lúng túng. Ngoài nhà đầu tư Sơn Hải rốt ráo triển khai, một số nhà đầu tư khác chưa đẩy nhanh công tác phân chia, chỉ định thầu. Thứ trưởng Nguyễn Hồng Trường chỉ đạo ngay trong tháng 8/2015 giải quyết dứt điểm, phê duyệt nhà thầu cho 8 gói thầu còn lại.
Tổng giám đốc Ban QLDA đường Hồ Chí Minh Lâm Văn Hoàng cảnh báo
một số nhà thầu thi công: "Các gói thầu chậm chuyển biến sẽ bị cắt chuyển"
"Ban QLDA đường Hồ Chí Minh rà soát lại toàn bộ 31 gói thầu, kể cả liên danh. Đơn vị nào thiếu năng lực phải có cơ chế sàng lọc, cắt chuyển để tăng cường các đơn vị mạnh vào ngay. Tiến độ không thể kéo dài hơn nữa. Toàn dự án phải tập trung thi công, căng tiến độ, đảm bảo kết thúc chậm nhất vào quý I/2017", Thứ trưởng Nguyễn Hồng Trường nhấn mạnh, và yêu cầu từ cuối năm 2016 dự án phải cơ bản hoàn thành.
Lãnh đạo Bộ GTVT yêu cầu Ban QLDA, nhà đầu tư phải xây dựng biểu đồ tiến độ cụ thể, có mục tiêu sản lượng trong từng mùa khô, mùa mưa để kiểm đếm, đánh giá. Mỗi gói thầu chiều dài chừng 2km, thi công trong hơn 1 năm nữa không thể không hoàn thành.
Thứ trưởng yêu cầu Ban, nhà đầu tư khẩn trương hoàn thiện đơn giá trình thẩm định. Chậm nhất trong tháng 9/2015 duyệt dự toán chính thức cho Dự án. Một tháng 2 lần, các nhà thầu phải thực hiện hồ sơ nghiệm thu thanh toán để "khơi thông" dòng tiền dự án. Đồng thời, ngay từ giai đoạn này, Ban và ngành chức năng chủ động xem xét nguồn vật liệu, chất lượng mỏ để đảm bảo nguồn cung ứng cho Dự án.
Chiều cùng ngày (4/8), tại buổi làm việc giữa ngành chức năng TP.Đà Nẵng và Bộ GTVT về công tác GPMB dự án đường Hồ Chí Minh đoạn La Sơn - Túy Loan, Phó chủ tịch UBND TP.Đà Nẵng Phùng Tấn Việt cho hay sẽ giải quyết vướng mắc mặt bằng Dự án đoạn qua Đà Nẵng trong năm 2015.
Theo Thứ trưởng Trường, Đà Nẵng từng cam kết giải quyết xong mặt bằng từ tháng 7/2015, nhưng sau 8 tháng qua chỉ đạt khối lượng hơn 50% là chậm. Đến cuối năm 2015, Dự án chỉ còn khoảng 1 năm thi công, nếu không có mặt bằng sạch sẽ ảnh hưởng đến thời hạn cán đích.
|