Theo Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thể, nhà đầu tư cần phối hợp với
chính quyền địa phương giải quyết rốt ráo các khâu GPMB,
chuẩn bị để Dự án hầm Cù Mông sớm triển khai trong tháng 9/2015.
Theo ông Lê Quỳnh Mai, Phó Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Đầu tư Đèo Cả (nhà đầu tư dự án), Dự án đèo Cù Mông đang triển khai các giai đoạn báo cáo và chọn phương án, ký hợp đồng nguyên tắc với liên danh tư vấn; các vấn đề vốn, giải phóng mặt bằng (GPMB) đang được tích cực triển khai. Nguồn vốn đầu tư Dự án hoàn toàn khả thi. Hiện nhà đầu tư ký 5 hợp đồng tín dụng với các ngân hàng.
Hiện nhà đầu tư phối hợp Bình Định, Phú Yên đẩy nhanh công tác kiểm đếm, cắm mốc, bàn giao GPMB trên tổng diện tích 55 ha phục vụ cho dự án. Thống kê có 47 hộ dân bị ảnh hưởng, 16 hộ dân phải di dời tính đến phương án tái định cư tại chỗ. Thứ trưởng Nguyễn Văn Thể chỉ đạo việc GPMB phải rà soát, kiểm đếm đền bù chặt chẽ, không gây khiếu nại, khiếu kiện trong dân.
Theo lãnh đạo nhà đầu tư, dự kiến Dự án khởi công vào 24-26/9 tới, và hoàn thành sau hơn 40 tháng thi công. Thứ trưởng Thể yêu cầu chậm nhất cuối tháng 9/2015 Dự án phải được khởi công và chỉ tiến hành khi xong hệ thống đường công vụ.
Thứ trưởng Thể nhấn mạnh: "Việc triển khai hầm Cù Mông theo hai giai đoạn, nhưng quy mô không thay đổi. Rút kinh nghiệm hầm Hải Vân, ống hầm giai đoạn hai phải hoàn thành cơ bản khâu đào hầm trước. Bóc tách phần đường và phần hầm để có phương án thi công phù hợp. Đặc biệt, việc thi công hầm Cù Mông phải triển khai ít nhất hai mũi ở cả hai đầu Bắc và Nam Hầm Cù Mông. Dự án khai thác sớm ngày nào sẽ góp phần đảm bảo giao thông, thúc đẩy kinh tế - xã hội các địa phương chừng đó".
Tổng quan quy hoạch dự án Hầm đường Cù Mông
Theo đánh giá của ông Phan Cao Thắng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định, nhiều năm trước hai tỉnh Bình Định, Phú Yên đặt vấn đề về việc triển khai hầm Cù Mông. Dự án góp phần lớn đảm bảo ATGT và lợi ích kinh tế. Khảo sát của ngành chức năng cho thấy, đặc thù đèo Cù Mông có độ dốc lớn, nên việc lưu thông qua hầm sẽ giảm khoảng 2km chiều dài, các phương tiện tải trọng càng lớn (xe tải trên 3 tấn, xe khách, container...) tiết giảm từ 10-20% chi phí nhiên liệu, hao mòn, chưa kể lợi ích rất lớn hạn chế đáng kể tình trạng TNGT.
Tại buổi làm việc, lãnh đạo Bộ GTVT và hai địa phương thống nhất phương án báo cáo Chính phủ đặt một trạm thu phí tại khu vực đèo Cù Mông để đảm bảo phương án tài chính. Ông Lê Quỳnh Mai cho biết dự án hầm Cù Mông có tổng vốn đầu tư hơn 4.000 tỷ đồng trích từ nguồn vốn tiết giảm dự án hầm đường bộ Đèo Cả (từ 15/603 tỷ đồng xuống còn 11.378 tỷ đồng) và hoàn vốn cho dự án thông qua thu phí tại các trạm thu phí của dự án hầm Đèo Cả: trạm Đèo Cả, Ninh An, Bàn Thạch.
Tuy nhiên từ tháng 1/2016, thực hiện quyết định của Bộ GTVT, trạm thu phí Ninh An chuyển sang thu phí hoàn vốn cho dự án BOT QL1 Đèo Cả - Khánh Hòa (kéo dài 22 năm), cùng với việc bổ sung hầm Hải Vân vào dự án, làm cho phương án tài chính của dự án hầm Đèo Cả (bao gồm cả hầm Cù Mông, Đèo Cả) mất cân đối.
Nhà đầu tư điều chỉnh phương án bổ sung trạm thu phí Cù Mông tại khu vực hầm Cù Mông và được Bộ GTVT chấp thuận, UBND tỉnh Phú Yên, Bình Định đồng thuận. Dự kiến từ đầu năm 2019 chính thức thu phí hầm Cù Mông và kéo dài khoảng 28 năm.
Theo Thứ trưởng Thể, việc thu phí này không thay đổi bản chất hoàn vốn của dự án. Nhà đầu tư cần rà soát để có phương án, thời gian cụ thể. Mức thu thấp hơn so với mặt bằng các trạm thu phí QL1. Người dân có thể lựa chọn việc đóng phí khi đi qua hầm hoặc lưu thông qua QL1D để không đóng phí hầm Cù Mông.
Dự án hầm Cù Mông có tổng chiều dài hơn 6,6km, điểm đầu tại Km1239+119 QL1 (tỉnh Bình Định), điểm cuối dự án tại Km1247+739 (tỉnh Phú Yên). Phần Hầm có chiều dài 2,6km, cửa hầm phía Bắc tại Km2+00, cửa hầm phía Nam tại Km4+600, quy mô tương tự hầm Đèo Cả (2 ống hầm cách nhau 30m, mỗi ống hầm rộng 9,75m, bao gồm 2 làn xe ô tô, dải an toàn, đường bảo dưỡng hầm). Trong giai đoạn 1 sẽ hoàn thiện 1 ống hầm để khai thác 2 chiều, ống hầm còn lại dùng làm hấm lạnh nạn và hoàn thiện giai đoạn tiếp theo.