Báo cáo việc thực hiện xã hội hóa công tác đăng kiểm xe cơ giới, ông Trần Kỳ Hình, Cục trưởng Cục Đăng Kiểm Việt Nam cho biết, việc xã hội hóa công tác đăng kiểm xe cơ giới đang lưu hành được thí điểm trong 3 giai đoạn. Trong đó, giai đoạn từ 2005-2008, Cục đã tiến hành thí điểm thành lập 09 Trung tâm Đăng kiểm (TTĐK) xe cơ giới theo mô hình xã hội hóa 100%; Giai đoạn 2009-2013, Cục đã triển khai thí điểm mô hình xã hội hóa cơ sở vật chất cho 06 Trung tâm; Giai đoạn từ đầu năm 2014 đến nay, đã triển khai nhân rộng cả 2 mô hình xã hội hóa, Cục đã cấp thỏa thuận cho 26 Doanh nghiệp triển khai đầu tư xây dựng TTĐK, trong đó hiện có 14 TTĐK xã hội hóa đi vào hoạt động.
Thứ trưởng Lê Đình Thọ yêu cầu phải đưa ra mô hình xã hội hóa phù hợp với xu thế phát triển chung
“ Việc triển khai thực hiện Đề án xã hội hóa công tác đăng kiểm xe cơ giới đang lưu hành theo 2 mô hình nói trên là nhằm huy động tiềm năng, nguồn vốn của xã hội, đầu tư cho hoạt động kiểm định nhằm đáp ứng nhu cầu kiểm định do tăng trưởng phương tiện, giảm bớt gánh nặng cho ngân sách nhà nước, nâng cao chất lượng kiểm định, tạo điều kiện thuận lợi cho chủ phương tiện, tạo ra sự cạnh tranh lành mạnh và đảm bảo vai trò chủ đạo của các tổ chức thuộc Nhà nước trong hoạt động kiểm định xe cơ giới khi có nhiều thành phần kinh tế tham gia”- ông Trần Kỳ Hình cho biết.
Tại cuộc họp, đại diện các cơ quan, đơn vị liên quan đã trao đổi, thảo luận và đưa ra ý kiến góp ý về mô hình xã hội hóa công tác đăng kiểm xe cơ giới đang lưu hành.
Chủ tịch Công đoàn Bộ GTVT Đỗ Nga Việt cho rằng: Đăng kiểm cần xác định được điều kiện cần và đủ, rõ ràng về nguồn lực, cơ sở vật chất, các quy phạm…; phải khẳng định được sự quản lý của Cục để tham mưu cho Bộ; đồng thời đòi hỏi người thực hiện các công việc liên quan đến công tác này phải công tâm, phải chịu trách nhiệm lớn về đảm bảo ATGT cho người và phương tiện khi tham gia giao thông rất lớn nên phải đưa ra mục tiêu, quy trình thực hiện và các cơ chế về quản lý một cách đồng bộ, hoàn chỉnh.
Kết luận cuộc họp, Thứ trưởng Lê Đình Thọ nhấn mạnh: Ngành Đăng kiểm nói chung và công tác đăng kiểm phương tiện cơ giới đang lưu thông phải quyết liệt, mạnh mẽ hơn nữa trong việc thực hiện xã hội hóa, đưa ra mô hình phù hợp với xu thế phát triển chung.
Trên cơ sở đó, Thứ trưởng Lê Đình Thọ yêu cầu Cục Đăng kiểm Việt Nam sớm hoàn chỉnh Đề án; tách giữa chức năng quản lý nhà nước và chức năng quản lý dịch vụ công. Trước 15/9 phải được thảo luận kỹ lưỡng và hoàn thiện để trình Ban Cán sự đảng Bộ.
Thứ trưởng yêu cầu Vụ Pháp chế rà soát lại hành lang pháp lý, quản lý nhà nước từ khâu tổ chức, đào tạo, các chế tài, tăng cường quản lý nhà nước…chậm nhất 10/9 có báo cáo nhanh gửi về Bộ.
Bên cạnh đó, Thứ trưởng cũng yêu cầu Cục Đăng kiểm tiến hành rà soát, đánh giá lại 55 Trung tâm đang hoạt động trong mô hình xã hội hóa, từ vấn đề nhân lực, khâu tổ chức, tài chính, hợp đồng…
Cũng trong sáng nay (31/8), Thứ trưởng Lê Đình Thọ đã chủ trì cuộc họp với đại diện lãnh đạo của Tổng công ty Công nghiệp ô tô Việt Nam – CTCP (Vinamotor) về tình hình thực hiện tái cơ cầu và cổ phần hóa của Tổng công ty
Tại cuộc họp, đại diện Vinamotor cho biết từ Tháng 7/2010 đến Tháng 5/2014 Tổng công ty hoạt động theo mô hình Công ty TNHH MTV; Từ Tháng 5/2014 đến nay hoạt động theo mô hình công ty cổ phần. Sau khi thực hiện cổ phần hóa, Tổng công ty tiếp tục thực hiện tái cơ cấu giải thể các đơn vị hoạt động không hiệu quả; triển khai các thủ tục để tái cơ cấu và thoái vốn nhà nước tại Vinamotor và 14 đơn vị có vốn góp.
Kết luận vấn đề này, Thứ trưởng Lê Đình Thọ đánh giá việc thực hiện cổ phần hóa Vinamotor đã thực hiện tốt. Trên cơ sở đó, Thứ trưởng yêu cầu nghiên cứu kỹ hồ sơ điều kiện, tiêu chí đấu giá phù hợp để lựa chọn cổ đông chiến lược.
Thứ trưởng cũng đề nghị các đơn vị rà soát lại các thủ tục, các văn bản chỉ đạo và tập trung triển khai giải quyết dứt điểm theo đúng lộ trình.