Đông đảo các đại biểu đại diện các cơ quan của Bộ GTVT, các doanh nghiệp
trong và ngoài nước cùng tham dự Hội thảo
Mở đầu Hội thảo Chủ tịch HĐQT Ngân hàng TMCP Đầu tư và phát triển Việt Nam (BIDV) Trần Bắc Hà cho biết, thực hiện chủ trương lớn của Đảng và Chính phủ, các bộ, ngành Trung ương, địa phương đã quyết liệt vào cuộc và tổ chức triển khai đầu tư phát triển hạ tầng giao thông theo đúng kế hoạch và đã đạt được nhiều kết quả khích lệ, cơ bản đáp ứng yêu cầu phát triển KT-XH, đảm bảo quốc phòng, an ninh, nâng cao đời sống nhân dân, góp phần xoá đói giảm nghèo, rút ngắn khoảng cách giữa các vùng miền.
Tuy nhiên, quá trình triển khai đầu tư hạ tầng giao thông đang gặp thách thức rất lớn có thể gây cản trở đến toàn bộ kế hoạch triển khai do hạn chế về nguồn vốn đầu tư. “Để giải quyết bài toán này, Chính phủ đã ban hành Nghị định 15/2015 về đầu tư theo hình thức đối tác công tư, mở đường cho hình thức xã hội hoá đầu tư tại Việt Nam, đặc biệt là đầu tư vào lĩnh vực hạ tầng giao thông”, ông Hà nhấn mạnh.
Cũng tại buổi Hội thảo, Chủ tịch HĐQT BIDV Trần Bắc Hà cho biết, theo ước tính, tổng nhu cầu vốn đầu tư phát triển hạ tầng giao thông trong giai đoạn từ 2011-2015 là khoảng 400 nghìn tỷ đồng, tăng khoảng 9 lần so với giai đoạn 2001-2010 và ước tính giai đoạn 2016–2020 sẽ cần tới hơn 1 triệu tỷ đồng.
Theo đại diện BIDV, chi đầu tư xây dựng cơ bản từ ngân sách nhà nước, trong đó có đầu tư xây dựng hạ tầng giao thông có xu hướng giảm trong những năm qua. Cụ thể, chi ngân sách nhà nước cho đầu tư xây dựng cơ bản năm 2014 chỉ đạt 153 nghìn tỷ đồng, thấp hơn 30.000 – 40.000 tỷ đồng so với các năm trước đây. Trong đó, nguồn chi cho GTVT khoảng 20.000 tỷ đồng/năm. “Bình quân nguồn ngân sách nhà nước chỉ có thể đáp ứng được 20-30% nhu cầu vốn của ngành giao thông”, đại diện BIDV thông tin.
Đối với nguồn vốn ODA, hiện nay, Việt Nam đã được đưa ra khỏi danh sách các nước thu nhập thấp và dự kiến sẽ “tốt nghiệp” nguồn vốn vay ưu đãi (IDA) vào năm 2018 nên nguồn vốn ODA có nguy cơ giảm sút trong những năm tới.
Trong khi đó, hoạt động xã hội hoá đầu tư hạ tầng giao thông đã được bắt đầu triển khai từ những năm 2000 trở về trước dưới hình thức doanh nghiệp tự đầu tư và nhà nước chuyển nhượng một số hạ tầng cho tư nhân. Tuy nhiên, công tác này bắt đầu được đẩy mạnh triển khai với các hình thức đầu tư PPP từ năm 2011 đến nay, cụ thể là thí điểm triển khai đầu tư theo hình thức BOT, BT với một số đoạn tuyến trên QL1 và QL14.
Số vốn xã hội hoá đã đạt mức kỷ lục trong những năm gần đây, khi mức huy động năm 2013 đạt 68.563 tỷ đồng, cao hơn nhiều so với cả thời kỳ những năm 2012 trở về trước (49.605 tỷ đồng). Năm 2014, số vốn thu hút đạt 42.572 tỷ đồng, dự kiến con số này trong năm 2015 khoảng trên 45.000 tỷ đồng, nâng tổng mức vốn xã hội hoá lên hơn 200.000 tỷ đồng.
“Nguồn vốn xã hội hoá hàng năm thường gấp hơn hai lần so với vốn ngân sách nhà nước đầu tư vào hạ tầng giao thông, góp phần giảm tải cho ngân sách nhà nước, đảm bảo việc thực hiện các kế hoạch tái cơ cấu của ngành GTVT được diễn ra kịp thời và đúng tiến độ”, đại diện BIDV đánh giá.
Nhằm đẩy mạnh công tác xã hội hoá đầu tư hạ tầng giao thông, lãnh đạo BIDV cũng đề xuất nhiều giải pháp liên quan đến thể chế, cơ chế chính sách, giải pháp về hỗ trợ nguồn lực, phương thức triển khai các dự án…
Tại buổi Hội thảo, Ban Tổ chức cho biết, có khoảng 16 ý kiến tham luận trình bày của các nhà doanh nghiệp, nhà quản lý và các học giả. Các ý kiến tham luận này chủ yếu tập trung vào 4 chủ đề chính là: Vốn cho phát triển hạ tầng giao thông ở Việt Nam: thực trạng và vấn đề; Định hướng chiến lược và quy hoạch phát triển hạ tầng giao thông giai đoạn tới: Lựa chọn ưu tiên và lộ trình; Nhu cầu vốn cho phát triển hạ tầng giao thông giai đoạn tới: Những vấn đề và vấn đề cuối cùng là: Xã hội hóa đầu tư phát triển giao thông: Các mô hình, nguyên lý và giải pháp thực hiện…
P.K