Báo cáo tại cuộc họp, Vụ trưởng Vụ Vận tải Trần Bảo Ngọc cho biết, Hiệp hội Vận tải ô tô Việt Nam kiến nghị Bộ GTVT giao cho Hiệp hội thực hiện một số dịch vụ công gồm: Chủ trì, phối hợp với cơ quan QLNN tổ chức tập huấn; kiểm tra và cấp Chứng nhận tập huấn cho người điều hành vận tải, lái xe, nhân viên phục vụ trên xe tại các đơn vị vận tải.
Bộ trưởng Đinh La Thăng yêu cầu sửa đổi một số điều tại Thông tư 63 theo hướng gỡ khó cho người dân và doanh nghiệp
Hiệp hội chủ trì, phối hợp với cơ quan quản lý nhà nước (QLNN) thẩm định trước khi công bố việc xếp loại doanh nghiệp vận tải, bến xe khách, bến xe tải, bãi đỗ xe, trạm dừng nghỉ; Cấp phù hiệu, biển hiệu cho các phương tiện kinh doanh vận tải theo quy định; Cấp giấy phép liên vận Quốc tế cho các phương tiện kinh doanh vận tải theo quy định tại các Hiệp định thư song phương và đa phương đã đượcViệt Nam tham gia ký kết; Thu đổi Giấy phép lái xe hết thời hạn.
Ngoài các kiến nghị trên, ông Ngọc cho biết tại Hội nghị Đối thoại doanh nghiệp hoạt động trong các lĩnh vực vận tải ngày 20/7/2015, đại diện doanh nghiệp (DN) khai thác bến xe tại Đà Nẵng đã kiến nghị bỏ thủ tục chấp thuận tuyến của các Sở GTVT đối với các xe vận tải hành khách tuyến cố định.
Trên cơ sở những kiến nghị, báo cáo cũng đưa ra những phương án giải quyết các kiến nghị, đề xuất; tiến độ triển khai và báo cáo về việc tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho DN 100% vốn đầu tư nước ngoài khi xin cấp Giấy phép kinh doanh vận tải bằng xe ô tô.
Tại cuộc họp, ông Nguyễn Văn Thanh, Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ô tô Việt Nam kiến nghị rút lại đề xuất về thẩm định trước khi công bố việc xếp loại doanh nghiệp vận tải, bến xe; cấp phù hiệu, biển hiệu cho các phương tiện kinh doanh; cấp giấy phép liên vận Quốc tế; thu đổi Giấy phép lái xe hết thời hạn và đề xuất Bộ tập trung giải quyết giao Hiệp hội chủ trì, phối hợp với cơ quan QLNN tổ chức tập huấn trên tinh thần sửa đổi Thông tư số 63/2014/TT-BGTVT ngày 07f/11/2014 của Bộ trưởng Bộ GTVT quy định về tổ chức, quản lý hoạt động kinh doanh vận tải bằng xe ô tô và dịch vụ hỗ trợ vận tải đường bộ đáp ứng yêu cầu cấp bách trong công tác quản lý hoạt động kinh doanh vận tải.
" Trong thời gian gần đây, lãnh đạo Bộ GTVT nói riêng, các cơ quan của Bộ nói chung đã có nhiều biện pháp nhằm tháo gỡ cho các doanh nghiệp vận tải. Đặc biệt, với các buổi đối thoại trực tiếp giữa lãnh đạo Bộ với các doanh nghiệp vận tải để nghe doanh nghiệp "kêu" đồng thời tháo gỡ ngay cho doanh nghiệp là động lực và điều kiện rất tốt cho doanh nghiệp được hoạt động một cách thuận lợi, mang lại hiệu quả kinh tế. Tuy nhiên, vẫn còn những kiến nghị chưa được các cơ quan có trách nhiệm giải quyết sớm, điển hình là bỏ chấp thuận tuyến" ông Thanh khẳng định.
Ông Nguyễn Văn Thanh đề xuất giao Hiệp hội chủ trì, phối hợp với cơ quan QLNN
tổ chức tập huấn cho người điều hành vận tải, lái xe và người phục vụ trên xe
Tại cuộc họp, Bộ trưởng đã nghe lãnh đạo Tổng cục Đường bộ, Vụ Vận tải, Vụ Pháp chế, Cục Đăng kiểm, Viện Chiến lược và phát triển GTVT và bà Trịnh Minh Hiền - cố vấn Bộ trưởng đã tập trung phân tích, trao đổi các góc độ pháp lý và thực tiễn xung quanh các quy định về vấn đề trên của Thông tư 63, nhằm làm rõ các khó khăn vướng mắc và cho hướng giải quyết.
Bộ trưởng yêu cầu lãnh đạo các đơn vị trao đổi thẳng thắn những nguyên nhân dẫn đến chậm trễ tiến độ, trách nhiệm của từng khâu, trên tinh thần siết chặt quản lý kinh doanh vận tải nhưng để hướng đến mục tiêu gỡ khó cho người dân và doanh nghiệp, vì sự hài lòng hơn của người dân và doanh nghiệp, chứ không phải để " dồn họ vào chân tường".
Bộ trưởng Đinh La Thăng cũng nghiêm khắc phê bình các đơn vị chậm trễ sửa đổi Thông tư 63 và yêu cầu phải giải quyết ngay theo hướng xã hội hóa các dịch vụ công, cơ quan quản lý nhà nước quản lý bằng quy hoạch, quy chuẩn, tiêu chuẩn, thể chế chính sách chứ không ôm việc. Sửa quy định về thủ tục chấp thuận tuyến, nhưng cơ quan quản lý phải xây dựng, công bố luồng tuyến công khai minh bạch để các doanh nghiệp đăng ký, nếu nhiều DN đăng ký cùng khai thác một tuyến thì phải tổ chức đấu thầu - Bộ trưởng nói.
Bộ trưởng khẳng định một lần nữa, tuy mấy năm liền Bộ GTVT được đánh giá cao về cải cách hành chính, nhưng so với đánh giá của người dân thì vẫn còn phải cố gắng nhiều. " Chúng ta cần bỏ ngay tư tưởng nền hành chính cai trị, phải xây dựng nền hành chính phục vụ" - Bộ trưởng nhấn mạnh.
Tại cuộc họp, Bộ trưởng cũng giao Thứ trưởng Lê Đình Thọ làm việc với Bộ Tài chính, theo tinh thần nguyên tắc thực hiện Nghị quyết 01 và Nghị quyết 19 của Chính phủ, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp; đặc biệt hiện nay, trong bối cảnh chi phí vận tải của nước ta còn cao hơn nhiều so với các nước trong khu vực và trên thế giới nên phải tìm mọi cách để giảm chi phí.
Bộ trưởng đồng ý với đề nghị của Cục Đăng kiểm đơn giản hóa thủ tục khi đăng kiểm và nộp phí bảo trì đường bộ cho ô tô vào một loại tem, đề xuất chế tài xử phạt với những đối tượng chậm nộp phí, để thực hiện nghiêm việc thu phí.
"Ngoài ra, TCĐB VN thực hiện việc cấp cho xe quá khổ, quá tải trên cơ sở được sự đồng tình, ủng hộ của DN trong việc thực hiện kết luận của Tổng cục trưởng nhằm tháo gỡ vướng mắc cho DN. Giám sát việc cấp phép này, nếu cấp sai thì phải thu hồi và có chế tài xử lý việc cấp sai" - Bộ trưởng nêu rõ.
Tại cuộc họp, Bộ trưởng Đinh La Thăng cũng yêu cầu Vụ Vận tải và các đơn vị liên quan rút kinh nghiệm, thay đổi cung cách làm việc; phải thực hiện ngay, quyết liệt các kết luận chỉ đạo của Bộ trưởng. Có khó khăn vướng mắc gì trong quá trình thực hiện phải kịp thời báo cáo Bộ trưởng để xử lý. Đồng thời, Vụ Vận tải làm báo cáo toàn bộ kiến nghị của DN trong các cuộc đối thoại DN trong năm 2015 trình Bộ, nêu rõ lý do những kiến nghị đã được xử lý và chưa xử lý.