Vì sao năng lực hạ tầng giao thông VN thăng hạng nhanh?

Thứ năm, 22/10/2015 13:32

Theo đánh giá WEF, chỉ số cạnh tranh toàn cầu của Việt Nam về chất lượng cơ sở hạ tầng chung tăng 24 bậc.


Chỉ trong thời gian ngắn, hàng loạt công trình đã hoàn thành và đưa vào khai thác,
giúp cho việc thăng hạng về hạ tầng giao thông nhanh chóng
(Trong ảnh: Cao tốc Nội Bài - Lào Cai) - Ảnh: K.Linh

Trong báo cáo tình hình KT-XH năm 2015 và 5 năm 2011-2015; phương hướng, nhiệm vụ 5 năm 2016-2020 tại phiên khai mạc Kỳ họp thứ 10, Quốc hội khóa XIII, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng nhấn mạnh, theo đánh giá của Diễn đàn Kinh tế Thế giới (WEF), chỉ số cạnh tranh toàn cầu (GCI) của Việt Nam về chất lượng cơ sở hạ tầng chung tăng 24 bậc, từ 123/139 (năm 2010) lên 99/140 (năm 2015); Trong đó chỉ số về hạ tầng giao thông vận tải tăng 36 bậc, từ 103/139 (năm 2010) lên 67/140 (2015). Đây là mức thăng hạng tương đối ngoạn mục của Việt Nam trong thời gian gần đây.

Hút vốn "khủng" vào hạ tầng đường bộ

Theo kết quả thống kê của Bộ GTVT, từ năm 2010 đến nay đã có hơn 300 công trình, dự án hạ tầng giao thông lớn khánh thành, đưa vào khai thác. Điển hình như: Các dự án thành phần mở rộng QL1, đường Hồ Chí Minh qua Tây Nguyên, cầu Nhật Tân, Cổ Chiên, cao tốc Nội Bài - Lào Cai, TP HCM - Long Thành - Dầu Giây, QL3 mới Hà Nội - Thái Nguyên, nhà ga T2 Nội Bài... Đây là những công trình có tính chất quyết định nâng cao năng lực kết cấu hạ tầng giao thông Việt Nam.

Ông Trần Xuân Sanh, Cục trưởng Cục Quản lý xây dựng và chất lượng công trình giao thông (QLXD&CLCTGT) cho biết, chỉ tính riêng 9 tháng năm 2015, Bộ GTVT đã hoàn thành và đưa vào khai thác 77 công trình hạ tầng giao thông, gồm: 5 dự án sử dụng vốn ODA; 43 dự án vốn ngân sách và trái phiếu Chính phủ; 24 dự án BOT và BT; 5 dự án đầu tư bằng nguồn vốn khác.

Việt Nam thăng hạng đột phá so với các nước trong khu vực

Theo báo cáo Năng lực cạnh tranh toàn cầu 2015-2016 (Global Competitiveness Report 2015-2016) của Diễn đàn Kinh tế thế giới, chỉ số cạnh tranh về năng lực kết cấu hạ tầng giao thông của Việt Nam so với các nước trong khu vực châu Á như: Trung Quốc, Singapore, Malaysia, Indonesia có bước tăng đột phá. Chẳng hạn, Trung Quốc và Indonesia vẫn giữ nguyên vị trí, Malaysia tăng 1 bậc; Singapore hạ 1 bậc.

X.M

“Các công trình hạ tầng giao thông hoàn thành và đưa vào khai thác mang lại nhiều lợi ích cho người dân và doanh nghiệp, rút ngắn thời gian vận chuyển, tiết kiệm nhiên liệu, giảm chi phí sửa chữa, khấu hao phương tiện”, ông Sanh nói và dẫn chứng, cao tốc Nội Bài - Lào Cai, TP Hồ Chí Minh - Long Thành - Dầu Giây, ước tính giảm 50% thời gian đi lại và 30% chi phí; QL1 đoạn Hà Nội - Vinh giảm khoảng 30% thời gian đi lại và 20% chi phí; QL14 qua Đắk Nông giảm khoảng 30% đi lại và 6% chi phí,…

Theo ông Sanh, dự kiến trong quý IV/2015, Bộ GTVT tiếp tục hoàn thành và đưa vào khai thác thêm 40 công trình, dự án hạ tầng giao thông.

Có được kết quả trên do những năm qua, Bộ GTVT đẩy mạnh công tác huy động nguồn vốn đầu tư, đặc biệt là nguồn vốn ngoài ngân sách Nhà nước. Theo ông Nguyễn Danh Huy, Vụ trưởng, Trưởng ban PPP, trong bối cảnh nguồn vốn ngân sách Nhà nước đầu tư phát triển hạ tầng giao thông khó khăn và liên tục giảm trong vòng 5 năm trở lại đây nhưng nhờ nguồn vốn huy động xã hội hóa, việc xây dựng hạ tầng GTVT vẫn cơ bản đáp ứng yêu cầu phát triển. Đến nay, Bộ GTVT đang quản lý 78 dự án đầu tư theo hình thức đối tác công tư với tổng mức đầu tư khoảng 219 nghìn tỷ đồng. Trong đó, từ năm 2013 đến nay, Bộ GTVT đã thu hút trên 140 nghìn tỷ đồng đầu tư các dự án hạ tầng giao thông, gấp hơn hai lần nguồn vốn ngoài ngân sách ngành GTVT đã huy động từ năm 2012 trở về trước.

“Nguồn vốn xã hội hoá hàng năm thường gấp hơn hai lần so với vốn ngân sách đầu tư vào hạ tầng giao thông, góp phần hoàn thiện hệ thống kết cấu hạ tầng và giảm tải cho ngân sách Nhà nước”, ông Huy chia sẻ và cho biết thêm, chỉ tính riêng 7 tháng đầu năm 2015, Bộ GTVT đã tổ chức động thổ xây dựng 12 dự án theo hình thức PPP với tổng số vốn huy động khoảng 39.300 tỷ đồng.

Đầu tư mạnh hàng không, đường sắt, hàng hải, đường thủy

Liên quan đến lĩnh vực hàng không, giai đoạn 2001-2014 tổng vốn đầu tư cho kết cấu hạ tầng CHK, sân bay lên tới hơn 45 nghìn tỷ đồng. Cục trưởng Cục Hàng không VN Lại Xuân Thanh cho biết: “Đó là chưa tính đến hơn 3.500 tỷ đồng đầu tư cho kết cấu hạ tầng quản lý hoạt động bay”. Vì vậy, hệ thống kết cấu hạ tầng hàng không được cải thiện đáng kể.

Cùng với việc đầu tư xây dựng mới các cảng hàng không, sân bay như CHK Đồng Hới và Phú Quốc, hàng loạt CHK quốc tế khác cũng được đầu tư cải tạo, nâng cấp như: Tân Sơn Nhất, Cần Thơ, Đà Nẵng, Cam Ranh, Phú Bài, Chu Lai, Nội Bài và các CHK nội địa như: Côn Sơn, Rạch Giá, Liên Khương, Vinh, Thọ Xuân, Buôn Ma Thuột, Tuy Hòa...

Gần đây nhất, một loạt các công trình trọng điểm đã được hoàn thành và đưa vào khai thác như khu bay và nhà ga hành khách CHK Liên Khương, Phú Quốc, Đồng Hới, Thọ Xuân; khu bay và nhà ga hành khách CHKQT Cần Thơ; đường cất hạ cánh và nhà ga hành khách quốc tế sân bay Đà Nẵng; đường cất hạ cánh, sân đỗ và nhà ga hành khách CHKQT Phú Bài; sân đỗ máy bay, nhà ga hành khách T2 và nhà khách VIP Nội Bài...


Cầu Trà Bồng (Quảng Ngãi) thuộc dự án nâng cao an toàn cầu đường sắt
trên trục Bắc - Nam hoàn thành rút ngắn đáng kể thời gian chạy tàu - Ảnh: Dương Linh

Cũng theo ông Thanh, trong thời gian tới, hạ tầng cảng hàng không, sân bay sẽ tiếp tục được cải thiện. Bộ GTVT đang chỉ đạo, triển khai nhiều dự án quan trọng như dự án xây dựng nhà ga, cầu dẫn, sân đỗ máy bay, sân đỗ ô tô Vinh; Xây dựng khu bay Cát Bi; chuẩn bị đầu tư dự án Xây dựng CHKQT Long Thành…

Lĩnh vực đường sắt, nhiều dự án nâng cấp, cải tạo cũng hoàn thành. Trong đó, Hà Nội - Lào Cai hoàn thành từ tháng 4/2015, đến nay, hiệu quả của tuyến này phát huy rõ rệt. Ông Lê Kim Thành, Tổng giám đốc Ban QLDA Đường sắt cho biết, khi giai đoạn 2 của dự án tiếp tục được đầu tư, sẽ đáp ứng nhu cầu vận tải với mục tiêu 5 triệu hành khách/năm và 7,5 triệu tấn hàng hóa/năm, rút ngắn thời gian chạy tàu trên tuyến khoảng 90 phút.

Ông Nguyễn Văn Bính, Phó Tổng giám đốc Công ty Vận tải đường sắt Hà Nội cho biết, trước đây, mỗi ngày trên tuyến chỉ chạy được 17 đôi tàu cả khách và hàng, đến nay có thể chạy được khoảng 24 đôi. Hành trình tàu từ Hà Nội lên Lào Cai và ngược lại đã được rút ngắn khoảng 1 tiếng.

Đối với tuyến đường sắt Bắc - Nam, đáng kể nhất là dự án nâng cao an toàn cầu đường sắt đã băng băng về đích vượt tiến độ nhiều tháng trời. Cuối tháng 9 vừa qua, gói thầu cuối cùng của dự án đã được khởi động, dự kiến cuối năm nay, toàn bộ các cầu thuộc dự án sẽ hoàn thành, nâng cao năng lực và rút ngắn đáng kể thời gian chạy tàu trên tuyến.

Lĩnh vực hàng hải thời gian qua cũng được đầu tư mạnh. Theo ông Nguyễn Trí Hùng, Trưởng Phòng KHĐT (Cục Hàng hải VN), hiện cả nước có 31 cảng biển, tổng công suất thiết kế đạt 470-500 triệu tấn/năm, tổng chiều dài cầu bến cảng hiện tới gần 60 km, tăng gần gấp rưỡi so với năm 2009.

Đầu tư cảng những năm qua tập trung xây dựng cảng cửa ngõ quốc tế tại Hải Phòng, Bà Rịa - Vũng Tàu và vùng kinh tế trọng điểm miền Trung. Cảng khu vực Cái Mép - Thị Vải có thể tiếp nhận tàu đến 160.000 DWT, đủ năng lực để kết hợp vai trò trung chuyển container quốc tế.

Khối lượng hàng hóa qua cảng biển Việt Nam những năm qua tăng trưởng ổn định với tốc độ tăng bình quân 9,1%/năm trong giai đoạn 2010-2014. Năm 2014 sản lượng hàng hóa thông qua hệ thống cảng biển Việt Nam đạt 373,03 triệu tấn, tăng 14%.

Năm 2015 đánh dấu bước đột phá lớn khi hình thành tuyến vận tải tàu chở container trên sông Hồng, từ Việt Trì (Phú Thọ) đến Hải Phòng và tuyến vận tải pha sông biển từ Quảng Ninh, Hải Phòng đến miền Trung. Để có được điều này trước hết là sự thay đổi mạnh mẽ về kết cấu hạ tầng giao thông đường thủy.

Ông Trần Văn Thọ, Phó cục trưởng Cục Đường thủy nội địa VN cho biết, dự án Phát triển GTVT khu vực đồng bằng Bắc Bộ và Nam Bộ (WB5, WB6) đã chỉnh trị, khơi thông hai tuyến hành lang đường thủy phía Bắc, gồm 254 km từ Việt Trì đến Quảng Ninh và 196 km từ cửa Lạch Giang (Nam Định) đến Hà Nội. Tại phía Nam là hai trục ngang nối TP HCM - Kiên Giang, TP HCM - Cà Mau. Ngoài các tuyến và cảng thủy đầu mối (Ninh Phúc, Việt Trì) được đầu tư từ nguồn vốn vay Ngân hàng Thế giới, lần đầu tiên lĩnh vực kết cấu đường thủy đã và có sự đầu tư xã hội hóa.

“Các dự án xã hội hóa đầu tư hạ tầng nổi bật đang triển khai là cầu Bình Lợi - Bến Súc với tổng mức đầu tư 1.300 tỷ đồng, kênh Chợ Gạo giai đoạn 2 có tổng mức đầu tư 1.476 tỷ đồng. Ngoài ra, một số dự án đã có nhà đầu tư đăng ký là nạo vét cửa sông Trà Lý, nâng cấp cầu Đuống, đặc biệt là Dự án xây dựng các âu tàu kết hợp đập thủy điện trên sông Thao với số vốn gần 1 tỷ USD”, ông Thọ nói.

"Nhờ các nguồn vốn đầu tư vào việc cải tạo, nâng cấp QL1, đường Hồ Chí Minh, các tuyến đường cao tốc, các công trình giao thông trọng điểm… mà hạ tầng giao thông những năm qua đã cải thiện đáng kể. Phải khẳng định rằng, chính việc nâng cao chỉ số về hạ tầng giao thông sẽ góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia. Các doanh nghiệp chỉ cạnh tranh tốt khi cạnh tranh quốc gia được tăng lên, khi ấy mới tạo được hiệu quả kinh tế cao như mong đợi".

ĐB Trần Du Lịch
(Đoàn ĐBQH TP Hồ Chí Minh)

"Trong 5 năm mà chỉ số về hạ tầng GTVT tăng 36 bậc thì rõ ràng tác động của nó đến sự phát triển kinh tế rất đáng kể. Chúng ta phải ghi nhận tốc độ tăng trưởng kinh tế có sự đóng góp lớn của yếu tố hạ tầng giao thông.Hạ tầng giao thông được cải thiện thì diện mạo của các địa phương nói riêng và cả nước nói chung sẽ được thay đổi. Nó không khác gì việc một người mặc áo rách nay đã được khoác tấm áo lành".

ĐB Bùi Sỹ Lợi
Phó chủ nhiệm Ủy ban các vấn đề xã hội
(Đoàn ĐBQH Thanh Hóa)


 

 

 

Nguồn: baogiaothong.vn

Tìm theo ngày :

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)
  
Khách online:59311
Lượt truy cập: 176.404.203