Phát biểu tại Hội thảo, Thứ trưởng Lê Đình Thọ cho biết, bảo vệ môi trường, giảm phát thải các chất gây ô nhiễm không khí, khí nhà kính gây biến đổi khí hậu và phát triển bền vững đã trở thành mục tiêu ưu tiên hàng đầu của nhiều nước trên thế giới. Đây cũng là một trong những nội dung được khẳng định trong Nghị quyết số 24-NQ/TW ngày 03/6/2013 của BCH Trung ương về chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu, tăng cường quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường, Luật Bảo vệ môi trường sửa đổi năm 2014 và Nghị quyết số 35/NQ-CP ngày 18/3/2013 của Chính phủ về một số vấn đề cấp bách trong lĩnh vực bảo vệ môi trường.
“GTVT là hộ tiêu thụ nhiên liệu lớn khi chiếm tới 55% tổng lượng xăng dầu trong cả nước. Cùng với quá trình tiêu thụ nhiên liệu, phát thải khí thải từ xe cơ giới được nhận định là nguyên nhân chính gây ô nhiễm môi trường không khí đô thị, ngành giao thông vận tải cũng đóng góp khoảng 22,6% tổng lượng phát thải khí nhà kính theo phân ngành năng lượng. Kiểm soát khí thải phương tiện giao thông cơ giới làm hạn chế tình trạng gia tăng ô nhiễm không khí, nâng cao sức khỏe của người dân, tăng cường thu hút đầu tư thương mại và du lịch” - Thứ trưởng nói.
Thứ trưởng Lê Đình Thọ phát biểu tại Hội thảo
Thứ trưởng cho biết, tại Việt Nam kiểm soát khí thải xe cơ giới được Bộ GTVT tổ chức triển khai trên phạm vi cả nước từ 01/7/2008 theo Quyết định số 249/2005/QĐ-TTg ngày 10/10/2005; Thủ tướng Chính phủ cũng đã ban hành lộ trình áp dụng tiêu chuẩn khí thải mức 3 đối với xe mô tô 2 bánh, mức 4 đối với xe ô tô sản xuất, lắp ráp và nhập khẩu mới từ 01/01/2017, Đề án kiểm soát khí thải xe mô tô, xe gắn máy tham gia giao thông tại các tỉnh, thành phố.
Thay mặt Bộ GTVT, Thứ trưởng hoan nghênh và cảm ơn các đại biểu đã tới dự Hội thảo. “Đây là dịp để các nhà quản lý, nhà khoa học, doanh nghiệp chia sẻ thông tin, trao đổi kinh nghiệm kiểm soát khí thải phương tiện giao thông cơ giới đường bộ... Bộ GTVT mong rằng, qua Hội thảo này các quý vị đại biểu, các vị khách quý tiếp tục tham gia, thảo luận, đóng góp ý kiến để xây dựng hệ thống giao thông vận tải bền vững” - Thứ trưởng nhấn mạnh.
Tại Hội thảo, các nhà quản lý, nhà khoa học, doanh nghiệp đã báo cáo, chia sẻ thông tin, trao đổi kinh nghiệm kiểm soát khí thải phương tiện giao thông cơ giới đường bộ tập trung vào các nội dung: Các biện pháp cải thiện chất lượng không khí tại Hàn Quốc (Viện Môi trường, Hàn Quốc); Kiểm soát khí thải phương tiện giao thông cơ giới đường bộ ở Việt Nam (Vụ Môi trường, Bộ GTVT); Phân tích và đánh giá các chính sách kiểm soát ô nhiễm không khí do hoạt động giao thông đường bộ ở Việt Nam; Đánh giá mức độ ô nhiễm không khí liên quan đến hoạt động giao thông ở TP. Hà Nội (Trung tâm Khoa học công nghệ và Bảo vệ môi trường GTVT, Viện Khoa học và Công nghệ GTVT)…
PGS.TS. Nguyễn Xuân Khang ghi nhận các ý kiến đóng góp, đề xuất giải pháp
kiểm soát khí thải phương tiện giao thông cơ giới đường bộ, đồng thời sẽ tiếp tục
nghiên cứu, đề xuất với cơ quan quản lý nhà nước về những giải pháp trong thời gian tới
PGS.TS. Nguyễn Xuân Khang, Viện trưởng Viện Khoa học và Công nghệ GTVT đánh giá, qua các báo cáo của các nhà quản lý, nhà khoa học tại Hội thảo về kiểm soát khí thải phương tiện giao thông cơ giới đường bộ cho thấy, các nước phát triển như Hàn Quốc đã trải qua 20 năm, với hai lộ trình đó là lộ trình chuẩn bị và lộ trình nâng cao kiểm soát khí thải.
Theo PGS.TS. Nguyễn Xuân Khang, ở Việt Nam đã quan tâm tới vấn đề bảo vệ môi trường do phương tiện giao thông cơ giới đường bộ gây ra, tới thời điểm này, theo số liệu thống kê, có tới 2,5 triệu ôtô và 45 triệu xe máy. Mức độ ô nhiễm của khí thải ở thành phố lớn qua khảo sát của Viện Khoa học và Công nghệ GTVT chiếm tới 70% mức độ ô nhiễm không khí.
“Chính vì vậy, Việt Nam đã có lộ trình cách đây từ 10 năm về trước, theo Quyết định số 29 về lộ trình giảm thiểu khí thải do khí thải phương tiện giao thông cơ giới đường bộ, đồng thời Việt Nam đã ban hành những vấn đề về lộ trình áp dụng cho hai giai đoạn, giai đoạn 1 áp dụng cho ôtô, xe máy được lắp ráp mới và giai đoạn 2 áp dụng cho phương tiện xe cơ giới, xe ô tô, xe máy đang sử dụng được nâng cấp để đảm bảo theo tiêu chuẩn Euro3 đối với xe máy, Euro4 đối với ôtô ỏ Việt Nam” - PGS.TS. Nguyễn Xuân Khang nói.
Thứ trưởng Lê Đình Thọ, PGS.TS. Nguyễn Xuân Khang và các đại biểu dự Hội thảo
PGS.TS. Nguyễn Xuân Khang cũng cho biết, Hội thảo đã nghe các báo cáo, trao đổi những vấn đề liên quan tới việc làm thế nào để giảm thiểu khí thải, đảm bảo yêu cầu của Chính phủ Việt Nam, như Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng đã phát biểu tại Hội nghị môi trường Đông Nam Á (ASEAN) vừa qua, đã cam kết trong Chương trình bảo vệ môi trường, đảm bảo cho sự phát triển bền vững của người dân, cũng như đảm bảo nâng cao mức sống tốt hơn ở Việt Nam.
“Để thực hiện công việc này, chúng ta hiểu rằng, vẫn còn rất nhiều vấn đề liên quan, trước hết về Nhà nước, thấy rằng cần tiếp tục nghiên cứu và ban hành cơ chế, chính sách cho đồng bộ, cụ thể hơn nữa cho việc áp dụng các tiêu chuẩn, các lộ trình, các chế tài cụ thể về biện pháp giảm thiểu ô nhiễm môi trường, đảm bảo tiêu chuẩn Euro4, Euro3. Về mặt chế tài, Cục Đăng kiểm Việt Nam theo sự chỉ đạo của Bộ GTVT cần chuẩn bị kỹ lưỡng hơn về mặt thiết bị, con người, quy trình, tiêu chuẩn để kiểm soát được khí thải của các phương tiện cơ giới trong quá trình lắp ráp, lưu hành theo chu kỳ; các Trạm đăng kiểm do Cục Đăng kiểm Việt Nam quản lý, cũng như các Trạm đăng kiểm trực thuộc các Sở GTVT trong cả nước phải chuẩn bị về mặt tinh thần, thiết bị, triển khai áp dụng” - PGS.TS. Nguyễn Xuân Khang đề nghị.
Theo khảo sát của Viện Khoa học và Công nghệ GTVT, mức độ ô nhiễm
của khí thải ở thành phố lớn chiếm tới 70% mức độ ô nhiễm không khí. Ảnh minh họa
PGS.TS. Nguyễn Xuân Khang cũng đề nghị, những vấn đề về cơ chế, chính sách như kinh nghiệm của Hàn Quốc trong việc hỗ trợ cho các doanh nghiệp, cho người dân về việc lắp đặt các bộ thiết bị, giảm thiểu ô nhiễm môi trường thông qua thiết bị mà phía bạn đã đề xuất; rồi những vấn đề về cơ chế chính sách như phân vùng để đảm bảo cho không khí được sạch hơn, các phương tiện xe cơ giới đường bộ cũng được đảm bảo các tiêu chuẩn, đặc biệt là ở các thành phố lớn như TP. Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh, TP. Cần Thơ…
“Qua Hội thảo này, chúng tôi ghi nhận các ý kiến đóng góp của các nhà quản lý, nhà khoa học, doanh nghiệp trong việc đề xuất những giải pháp nhằm kiểm soát khí thải phương tiện giao thông cơ giới đường bộ; trên cơ sở đó, với tư cách là đơn vị đồng chủ trì Hội thảo với Công ty TNHH Eco-Dream (Hàn Quốc), cũng như với tư cách là đơn vị sự nghiệp khoa học, công nghệ công lập trực thuộc Bộ GTVT sẽ tiếp tục nghiên cứu, đề xuất với cơ quan quản lý nhà nước là Bộ GTVT về những giải pháp trong thời gian tới” - PGS.TS. Nguyễn Xuân Khang nhấn mạnh.
Xuân Nguyên