Nhiều công trình vượt tiến độ, đưa vào khai thác sớm
Sáng 2/11, thảo luận tại Hội trường về tình hình kinh tế - xã hội năm 2015 và kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội năm 2016, các ĐBQH ghi nhận sự cố gắng, nỗ lực của Chính phủ trong việc thực hiện các mục tiêu phát triển. Tuy còn một số tồn tại, hạn chế nhưng các ĐB đánh giá cao những thành quả đã đạt được ở một số Bộ, ngành tiêu biểu, trong đó có Bộ GTVT.
Nhiều ĐBQH đánh giá trong năm qua, cơ sở hạ tầng giao thông
đã có bước phát triển ngoạn mục
ĐB Nguyễn Văn Cảnh (Bình Định) nhấn mạnh, riêng về giao thông đô thị, thời gian qua ngành GTVT đã đạt nhiều kết quả toàn diện trên các lĩnh vực với hàng loạt công trình giao thông trọng điểm thi công vượt tiến độ, đưa vào sử dụng sớm. Đặc biệt, chỉ số về hạ tầng giao thông năm 2015 tăng 9 bậc so với năm 2014 đã góp phần lớn vào việc tăng 12 bậc chỉ số năng lực cạnh tranh quốc gia của Việt Nam.
Tuy nhiên, ĐB Nguyễn Văn Cảnh vẫn bày tỏ trăn trở khi ùn tắc giao thông còn tiếp diễn ở hai thành phố lớn là Hà Nội và TP Hồ Chí Minh. “Tình trạng ùn tắc ảnh hưởng nhiều đến cuộc sống của người dân. Giải pháp lâu dài cho giao thông đô thị là phát triển hệ thống đường sắt trên cao và xe bus nhanh nhưng trước mắt, việc đi lại vẫn chủ yếu phụ thuộc phương tiện cá nhân và xe bus. Để phát huy hiệu quả xe bus thì phải khắc phục bất cập. Với đường phố nhỏ hẹp như HN và TP HCM thì sử dụng xe bus lớn sẽ không phù hợp. Nên bố trí xe bus nhỏ, trên đó bố trí nhiều chỗ đứng, chỉ để một số ít chỗ ngồi cho người già và phụ nữ có thai” – ĐB đề xuất.
Bên cạnh việc ghi nhận những kết quả phát triển kinh tế xã hội trong năm qua, ĐB Nguyễn Cao Sơn (Hoà Bình) nhận định, trong bối cảnh nguồn ngân sách khó khăn, Chính phủ và các Bộ ngành Trung ương đã thực hiện các giải pháp hiệu quả huy động và quản lý tốt nguồn vốn đầu tư, tạo sự đột phá về xây dựng kết cấu hạ tầng.
”Lần đầu tiên có dự án lớn vượt tiến độ như Dự án cải tạo, nâng cấp Quốc lộ 1A và đường Hồ Chí Minh đoạn qua Tây Nguyên. Các dự án này còn tiết kiệm và dư vốn đầu tư đã được phê duyệt. Kết cấu hạ tầng, nhất là lĩnh vực giao thông đang tiếp tục được đầu tư xây dựng hiệu quả theo hướng đồng bộ và hiện đại", ông Sơn nhấn mạnh.
Giao thông có chuyển biến lớn về quản lý
ĐB Lê Nam (Thanh Hoá) khẳng định năm qua, nhiều lĩnh vực tạo được dấu ấn mạnh được đông đảo cử tri quan tâm và khen ngợi như ngành ngoại giao Việt Nam trong sự nghiệp đổi mới và bảo vệ Tổ quốc; ngành ngân hàng bảo đảm kinh tế vĩ mô, kiềm chế lạm phát, tái cơ cấu ngân hàng thương mại; ngành GTVT vượt qua các trở lực, tạo nên bước phát triển ngoạn mục hạ tầng giao thông, có chuyển biến lớn về quản lý ngành, tạo bước đột phá, dám chấp nhận trách thức... Đó là những thành quả không thể phủ nhận, ông Nam chia sẻ.
Cũng đóng góp ý kiến tại phiên thảo luận, ĐB Thân Văn Khoa (Bắc Giang) cho hay đồng tình với đánh giá và các giải pháp mà Chính phủ đã nêu. Đặc biệt, trong việc nâng cao hiệu quả sử dụng vốn đầu tư, ông Khoa cho rằng để tạo ra sự tăng trưởng của nền kinh tế phải tập trung kêu gọi nhiều nguồn lực cho sự đầu tư phát triển.
Đồng quan điểm, ĐB Nguyễn Ngọc Hoà (TP HCM) kiến nghị cần xã hội hoá việc phân bổ các nguồn lực, ngoài 4 nguồn lực dành cho 4 lĩnh vực mà Nhà nước đang nắm giữ thì nên đẩy mạnh xã hội hoá phân bổ nguồn lực để các thành phần, mọi lực lượng trong xã hội đều tiếp cận được. Bên cạnh đó, theo ĐB, cần đẩy nhanh tiến trình cổ phần hoá để phát huy tối đa, huy động mọi nguồn lực xã hội vào phát triển kinh tế, đồng thời giảm gánh nặng cho Nhà nước.
Nhà nước không phải tập trung quản lý các doanh nghiệp mà tập trung vào vai trò kiến tạo, tạo môi trường cho các doanh nghiệp hoạt động, đồng thời tập trung cải cách thể chế để việc tiếp cận nguồn lực được thực hiện đơn giản với chi phí thấp nhất, ĐB Ngọc Hòa phát biểu.