Vụ trưởng Vụ TCCB Trần Văn Lâm báo cáo nội dung Đề án
Báo cáo tại cuộc họp của Vụ Tổ chức cán bộ cho biết hệ thống đơn vị sự nghiệp công lập thuộc Bộ Giao thông vận tải hiện nay gồm có 153 đơn vị trong đó có 20 Ban Quản lý dự án trực thuộc Bộ, các Cục, Tổng cục và doanh nghiệp; 32 Cảng vụ trực thuộc các Cục: Hàng không Việt Nam, Hàng hải Việt Nam, Đường thủy nội địa Việt Nam; 44 đơn vị trực thuộc Cục Đăng kiểm Việt Nam;05 trường đại học, học viện; 16 trường cao đẳng, cao đẳng nghề, trung cấp chuyên nghiệp, trung cấp nghề, Trung tâm dạy nghề trực thuộc Bộ và các Cục, Tổng cục, doanh nghiệp; 22 đơn vị sự nghiệp y tế trực thuộc các Cục và Tổng công ty; 02 đơn vị sự nghiệp khoa học, 02 đơn vị sự nghiệp báo chí truyền thông và 09 đơn vị sự nghiệp khác trực thuộc Bộ. Theo báo cáo tại cuộc họp, nhìn chung thời gian qua, hệ thống các đơn vị sự nghiệp công lập đã đóng góp tích cực vào sự phát triển của ngành Giao thông vận tải và kinh tế - xã hội đất nước, thu hút được các nguồn lực ngoài ngân sách tham gia đầu tư vào một số lĩnh vực, góp phần tăng nhanh về quy mô, số lượng, đa dạng hóa các loại hình và nâng cao chất lượng cung cấp các dịch vụ cho xã hội; tạo điều kiện thuận lợi hơn, đáp ứng tốt hơn nhu cầu đa dạng của nhân dân. Hiện tại, 48 đơn vị sự nghiệp đã tự bảo đảm chi thường xuyên và chi đầu tư phát triển; 53 đơn vị sự nghiệp tự bảo đảm chi thường xuyên; 46 đơn vị sự nghiệp tự bảo đảm một phần chi thường xuyên và 06 đơn vị sự nghiệp do Nhà nước bảo đảm toàn bộ chi phí hoạt động.
Về giải pháp thực hiện quy hoạch các đơn vị sự nghiệp trong giai đoạn tiếp theo, Báo cáo cho biết cho biết, mục tiêu đến năm 2020 là thực hiện rà soát, sắp xếp, kiện toàn các đơn vị sự nghiệp đảm bảo phù hợp với danh mục dịch vụ sự nghiệp công ngành Giao thông vận tải, đảm bảo tinh gọn, đồng bộ, thống nhất. Phấn đấu đến năm 2020 phần lớn các đơn vị tự đảm bảo được chi thường xuyên; thí điểm chuyển một số đơn vị sang mô hình doanh nghiệp hoặc thực hiện cổ phần hóa những đơn vị đủ điều kiện theo quy định. Giai đoạn 2021-2030 sẽ tiếp tục chuyển đổi cơ chế hoạt động của các đơn vị ở mức độ tự chủ cao hơn, phấn đấu đến năm 2030 tất cả các đơn vị tự đảm bảo chi thường xuyên và chi đầu tư phát triển; tiếp tục thực hiện chuyển đổi một số đơn vị sang mô hình doanh nghiệp và thực hiện cổ phần hóa đối với những đơn vị đủ điều kiện theo quy định. Cụ thể trong giai đoạn tới sẽ tiếp tục duy trì 03 Cảng vụ Hàng không, 25 Cảng vụ Hàng hải như hiện có. Các Cảng vụ Đường thủy nội địa khu vực sẽ hoạt động theo cơ chế đơn vị sự nghiệp tự đảm bảo một phần chi thường xuyên, đồng thời tăng dần mức độ tự đảm bảo chi thường xuyên hàng năm. Theo kế hoạch đến năm 2030, các hoạt động dịch vụ đăng kiểm tại Cục Đăng kiểm Việt Nam sẽ chuyển toàn bộ cho doanh nghiệp thực hiện. Đối với các đơn vị sự nghiệp giáo dục đại học, Báo cáo cho biết sẽ tiếp tục duy trì hoạt hoạt động của 05 trường đại học, học viện, 13 trường cao đẳng, trung cấp, trung tâm dạy nghề. Từ năm 2021, toàn bộ các đơn vị giáo dục thuộc Bộ sẽ chuyển sang tự đảm bảo chi thường xuyên; đến giai đoạn 2026-2030, các đơn vị chuyển sang tự đảm bảo chi thường xuyên và chi đầu tư, hoạt động theo cơ chế tự chủ đối với đơn vị sự nghiệp giáo dục đại học, đồng thời, tiếp tục nghiên cứu chuyển đổi mô hình hoạt động sang doanh nghiệp hoặc thực hiện cổ phần hóa những đơn vị đủ điều kiện theo quy định. Đối với các đơn vị sự nghiệp y tế, các đơn vị thuộc Cục Y tế GTVT và Cục Hàng không, Tổng công ty Đường sắt VN sẽ tiến tới hoạt động theo cơ chế tự chủ đối với đơn vị sự nghiệp y tế.
Cảm ơn ý kiến đóng góp của đại diện các Bộ ngành tham dự cuộc họp, Thứ trưởng Nguyễn Hồng Trường cho biết thời gian qua Bộ GTVT đã thực hiện từng bước sắp xếp lại các đơn vị sự nghiệp của Bộ và hiện nay, Bộ vẫn đang tiếp tục thực hiện và đánh giá quá trình sắp xếp này. Đối với Đề án Quy hoạch mạng lưới các đơn vị sự nghiệp công lập thuộc Bộ Giao thông vận tải, được sự đồng ý của Chính phủ, Bộ đã thành lập Ban chỉ đạo xây dựng Đề án với nòng cốt là Vụ Tổ chức cán bộ nhằm đảm bảo Đề án được xây dựng đúng tiến độ. Quá trình xây dựng Ban chỉ đạo đã vừa hoàn chỉnh Đề án vừa lấy ý kiến các Bộ ngành liên quan. Để đảm bảo Đề án được hoàn thành và trình Thủ tướng Chính phủ đúng tiến độ, Thứ trưởng Nguyễn Hồng Trường yêu cầu Ban chỉ đạo xây dựng Đề án tiếp tục chỉ đạo xây dựng và hoàn thiện Đề án đúng tiến độ. Đồng thời bổ sung tài liệu quá trình thực hiện sắp xếp các đơn vị sự nghiệp trước khi xây dựng Đề án vào phụ lục của Đề án. Đối với các đơn vị sự nghiệp công lập, Vụ TCCB cần tổng hợp và phân nhóm để xem xét giữ nguyên hay chuyển đổi mô hình sang tự chủ một phần, tự chủ toàn bộ, doanh nghiệp, sáp nhập hoặc giải thể... Dự kiến đến năm 2020 thực hiện cơ bản được 60% nội dung Đề án và 40% thực hiện trong giai đoạn 2020-2030.
AC