Về mục tiêu cụ thể, Đề án nhằm giảm TNGT trên đường GTNT trên cả ba tiêu chí; nâng cao nhận thức, kiến thức và kỹ năng cho người tham gia giao thông khu vực nông thôn, bảo đảm 80% người dân khu vực nông thôn được tuyên truyền, phổ biến pháp luật về trật tự ATGT; nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác thanh tra, kiểm tra và xử lý vi phạm pháp luật về trật tự ATGT trên đường GTNT.
Bên cạnh đó, 100% người điều khiển xe mô tô, xe gắn máy ở khu vực nông thôn có GPLX theo quy định; nâng cao điều kiện ATGT của KCHTGT nông thôn; xóa bỏ 100% các điểm đen TNGT trên các tuyến đường huyện và đường xã đang khai thác; nâng cao hiệu quả công tác quản lý phương tiện và năng lực cho các cơ quan, tổ chức thực hiện công tác bảo đảm ATGT nông thôn, đặc biệt là cấp xã và thôn, bản.
Lực lượng CSGT huyện Bình Sơn (Quảng Ngãi) tuần tra, xử lý vi phạm trên tuyến giao thông nông thôn.
Đề án tập trung vào 9 nhóm giải pháp về tuyên truyền, giáo dục ATGT; thanh tra, kiểm tra và xử lý vi phạm; kết cấu hạ tầng GTNT; phương tiện giao thông; đào tạo, sát hạch và cấp GPLX; sơ cấp cứu sau tai nạn; cơ chế, chính sách và quản lý nhà nước; nguồn nhân lực và nguồn vốn.
Trên cơ sở ý kiến góp ý tại cuộc họp, Thứ trưởng Lê Đình Thọ nhấn mạnh đây là đề án tiếp tục tăng cường bảo đảm trật tự ATGT nông thôn, phải triển khai thực hiện mạnh mẽ hơn nữa, tập trung vào các giải pháp mang tính đột phá; trong đó lưu ý đánh giá thực trạng, tồn tại công tác bảo đảm trật tự ATGT nông thôn và cần phải có giải pháp để giải quyết; phân từng nhóm (cụm dân cư, vùng sâu, vùng xa…), diễn biến TNGT, chủ yếu TNGT xe máy, bởi GTNT đang lồng ghép cả đô thị, phạm vi rộng.
Thứ trưởng yêu cầu tập trung tuyên truyền, phổ biến pháp luật về bảo đảm trật tự ATGT; ngoài cơ quan báo chí, chính quyền địa phương (xã, thôn, xóm) phải trực tiếp tổ chức tuyên truyền, phổ biến pháp luật ATGT; vừa trực tiếp tuyên truyền, vừa tổ chức ký cam kết của các hộ gia đình không vi phạm trật tư ATGT (khi tham gia giao thông phải đội MBH, không uống rượu, bia, không bình xét gia đình văn hóa); đồng thời tăng cường tuyên truyền ở các khu công nghiệp, cụm công nghiệp, khu vực tập trung đông dân cư.
Thứ trưởng yêu cầu phân tích rõ các nhóm giải pháp về tuyên truyền, giáo dục ATGT; các văn bản QPPL, tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật; thanh tra, kiểm tra và xử lý vi phạm; kết cấu hạ tầng GTNT; bên cạnh đó là nhóm giải pháp về phương tiện giao thông; đào tạo, sát hạch và cấp GPLX; sơ cấp cứu sau tai nạn; cũng như nhóm giải pháp về cơ chế, chính sách và quản lý nhà nước; nguồn nhân lực và nguồn vốn.
Về tiến độ, Thứ trưởng yêu cầu Vụ ATGT phối hợp với Tổng cục Đường bộ Việt Nam, Viện Chiến lược và Phát triển GTVT tổng hợp, chỉnh sửa, bổ sung nội dung để hoàn thiện Đề án, chậm nhất đến 25/11 phải hoàn thiện, sớm trình Bộ trưởng phê duyệt.
Xuân Nguyên