Cuộc hội đàm diễn ra ngay sau Lễ đón trọng thể Chủ tịch nước tại Phủ Tổng thống Đức - Ảnh: Trường Sơn
Mở đầu cuộc họp báo, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang nói ông rất vinh dự thực hiện chuyến thăm cấp Nhà nước đầu tiên của một Chủ tịch nước Việt Nam tới Đức, đúng dịp 40 năm thiết lập quan hệ ngoại giao giữa hai nước.
“Ngài Tổng thống và tôi đã thống nhất các định hướng và biện pháp nhằm đưa quan hệ 2 nước phát triển sâu rộng và thực chất hơn nữa trong thời gian tới”, Chủ tịch nước thông tin.
Theo Chủ tịch nước, tại cuộc hội đàm, hai bên nhất trí tăng cường trao đổi đoàn và tiếp xúc các cấp, tiếp tục triển khai hiệu quả các cơ chế hợp tác song phương được thiết lập.
“Tôi đã trân trọng mời ngài Tổng thống sang năm Việt Nam vào 2016, nhân dịp 2 bên kỷ niệm 5 năm thiết lập quan hệ Đối tác Chiến lược. Hai bên nhất trí đẩy mạnh quan hệ hợp tác giữa 2 nước trên các diễn đàn khu vực và quốc tế như Liên hiệp quốc, ASEM, ASEAN - EU. Việt Nam ủng hộ Đức trở thành thành viên thường trực của Hội đồng Bảo an Liên hiệp quốc khi cơ quan này mở rộng thành viên”, ông nói.
Cũng theo Chủ tịch nước, hai bên đã nhất trí tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp hai nước tăng cường hợp tác, đầu tư, kinh doanh đáp ứng nhu cầu của mỗi nước. "Chúng tôi cho rằng hai nước đang có môi trường và điều kiện thuận lợi để đẩy mạnh hợp tác thương mại - đầu tư lên gấp 2 - 3 lần trong thời gian tới, duy trì vị trí của Đức là đối tác kinh tế hàng đầu của Việt Nam tại EU, nhất là trong bối cảnh Hiệp định Thương mại tự do giữa Việt Nam và EU sắp được ký kết", Chủ tịch nước nói.
Chủ tịch nước bày tỏ cảm ơn Chính phủ Đức đã luôn coi Việt Nam là đối tác ưu tiên trong chính sách hợp tác phát triển và tiếp tục duy trì ODA cho Việt Nam cho giai đoạn 2015 - 2017, tập trung vào 3 lĩnh vực ưu tiên là năng lượng, môi trường và đào tạo nghề, phù hợp với các chiến lược phát triển của Việt Nam.
Chủ tịch nước Trương Tấn Sang đồng thời thông báo hai bên đã nhất trí tăng cường hợp tác giữa 2 nước trong lĩnh vực giáo dục - đào tạo, khoa học - công nghệ, đào tạo nghề và hợp tác lao động. Nhất trí tiếp tục hợp tác chặt chẽ, đưa Đại học Việt - Đức thành cơ sở đào tạo và nghiên cứu hàng đầu Việt Nam đạt đẳng cấp quốc tế, tạo thuận lợi cho các chương trình giảng dạy tiếng Đức và tiếng Việt tại 2 nước và tăng cường hợp tác trong lĩnh vực đào tạo nghề, trong đó có việc nghiên cứu xây dựng một số trung tâm đào tạo nghề song hành của Đức.
Đáng chú ý, theo Chủ tịch nước, tại cuộc hội đàm, hai bên đã trao đổi và nhất trí về tầm quan trọng của việc gìn giữ hòa bình, an ninh, thúc đẩy hợp tác và phát triển trên thế giới; đồng thời chia sẻ quan ngại về những diễn biến phức tạp gần đây ở Biển Đông đang đe dọa hòa bình ổn định, an ninh, an toàn hàng hải, hàng không.
Lãnh đạo hai nước cũng nhất trí cho rằng tranh chấp ở Biển Đông cần được giải quyết bằng các biện pháp hòa bình, phù hợp với luật pháp quốc tế, Công ước của Liên hiệp quốc về luật Biển UNCLOS 1982 và Tuyên bố về cách ứng xử của các bên tại Biển Đông.
Bên cạnh đó, hai bên tin tưởng kết quả của cuộc hội đàm cùng nền tảng quan hệ hữu nghị và hợp tác lâu dài tốt đẹp giữa 2 nước, quan hệ Đối tác Chiến lược giữa Việt Nam và Đức sẽ ngày càng phát triển.
Tại cuộc họp báo, khi được hỏi về việc đàm phán tiến tới FTA giữa Việt Nam và EU sẽ mang lại triển vọng đột phá gì cho quan hệ thương mại song phương giữa Việt Nam - EU, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang cho biết, Việt Nam và EU đã nhiều năm liền đàm phán tiến tới FTA. Việt Nam - EU tin tưởng với quan hệ tốt đẹp trong lĩnh vực thương mại đầu tư, giai đoạn tới chắc chắn hợp tác thương mại 2 bên sẽ phát triển nhanh chóng.
“Tại hội đàm, tôi có đề nghị trên cơ sở thoả thuận FTA, hai bên quyết tâm nâng kim ngạch Việt Nam - Đức gấp đôi 5 năm tới”, Chủ tịch nước nhấn mạnh.
Phát biểu tại họp báo sau hội đàm, Tổng thống Đức Joachim Gauck cho biết, Đức và cộng đồng châu Âu chia sẻ nhiều quan điểm của Việt Nam trong vấn đề Biển Đông. Tổng thống Joachim Gauck cũng cho biết trong cuộc hội đàm, hai bên đã đối thoại thẳng thắn, không né tránh bất kỳ vấn đề nào. Theo ông Joachim Gauck, Đức ủng hộ Việt Nam xây dựng Nhà nước pháp quyền và sẵn sàng hỗ trợ Việt Nam phát triển toàn diện. “Đức luôn ở cạnh các nước có nhu cầu chuyển đổi để mọi thứ tốt đẹp hơn, không chỉ liên quan khoa học, công nghệ hay kinh tế mà cả vấn đề đề phát triển bền vững, phát triển văn hoá xã hội”, Tổng thống Joachim Gauck cho biết.
Trường Sơn (từ CHLB Đức)