Ủy ban ATGT Quốc gia tổng kết 5 năm bảo đảm trật tự ATGT giai đoạn 2011 - 2015

Thứ ba, 08/12/2015 13:59

Sáng 8/12, tại Hà Nội, Ủy ban ATGT Quốc gia tổ chức Hội nghị tổng kết 5 năm công tác bảo đảm trật tự ATGT giai đoạn 2011 – 2015 và định hướng nhiệm vụ giai đoạn 2016 – 2020.

Phó Thủ tướng Chính phủ, Chủ tịch Ủy ban ATGT Quốc gia Nguyễn Xuân Phúc; Bộ trưởng Bộ GTVT, Phó Chủ tịch Thường trực Ủy ban ATGT Quốc gia Đinh La Thăng; Thứ trưởng Bộ Công an, Phó Chủ tịch Ủy ban ATGT Quốc gia Lê Quý Vương và Phó Chủ tịch chuyên trách Ủy ban ATGT Quốc gia Khuất Việt Hùng chủ trì Hội nghị.

Ủy ban ATGT Quốc gia tổng kết 5 năm bảo đảm trật tự ATGT giai đoạn 2011 - 2015

Phó Thủ tướng, Chủ tịch Ủy ban ATGT Quốc gia Nguyễn Xuân Phúc điều hành Hội nghị

Tại Hội nghị, thay mặt Ủy ban ATGT Quốc gia, Bộ trưởng Đinh La Thăng cho biết, sau 5 năm triển khai các giải pháp bảo đảm TTATGT và 04 năm thực hiện Nghị quyết số 88-NQ/CP ngày 24/8/2011 của Chính phủ, được sự quan tâm chỉ đạo của Ban Bí thư, sự giám sát thường xuyên của Quốc hội, các Ủy ban của Quốc hội, sự chỉ đạo quyết liệt của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và nỗ lực của các bộ, ngành, các cấp chính quyền địa phương, sự tham gia tích cực của các tổ chức chính trị - xã hội, đoàn thể trong việc thực hiện các giải pháp trọng tâm bảo đảm TTATGT và chống ùn tắc giao thông nên công tác bảo đảm TTATGT đã có sự chuyển biến mạnh mẽ, ý thức tự giác chấp hành pháp luật của người tham gia giao thông có nhiều chuyến biến tốt, trách nhiệm của lực lượng thực thi công vụ được nâng cao, bước đầu thiết lập lại trật tự, kỷ cương trong công tác bảo đảm TTATGT trên phạm vi cả nước và chống ùn tắc giao thông ở hai thành phố Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh.

Tình hình TTATGT đã được kiềm chế, tai nạn giao thông giảm liên tục cả 3 tiêu chí số vụ, số người chết, bị thương so với giai đoạn trước; đặc biệt năm 2014 là năm đầu tiên trong vòng 14 năm trở lại đây số người thiệt mạng TNGT giảm xuống dưới 9.000 người. Trong kỳ, tính từ 2011 đến 2015, TNGT giảm trên 50% số vụ (-19,5%/năm), 23,7% số người chết (-7%/năm), 60% người bị thương (-25%/năm), trong điều kiện dân số, nhu cầu đi lại và phương tiện cơ giới gia tăng nhanh (ô tô tăng 9,4% /năm và mô tô tăng 7,14%/năm).

Đặc biệt, năm 2015, là năm thứ 2 Chính phủ xác định chủ đề của năm là “Siết chặt quản lý kinh doanh vận tải và kiểm soát tải trọng phương tiện với mục tiêu – Tính mạng con người là trên hết”, do vậy, các giải pháp trọng tâm mà các bộ, ngành, địa phương thực hiện đã tập trung vào nguyên nhân gốc của TNGT đó là hoạt động vận tải, qua đó số vụ, số người chết và số người bị thương vì TNGT trong năm 2015 tiếp tục giảm, đặc biệt, số vụ TNGT đặc biệt nghiêm trọng liên quan đến xe khách, xe tải nặng được kiềm chế, đồng thời, vi phạm về chở hàng hoá quá tải trọng trên đường bộ đã giảm mạnh.

Ủy ban ATGT Quốc gia tổng kết 5 năm bảo đảm trật tự ATGT giai đoạn 2011 - 2015

Bộ trưởng Đinh La Thăng trình bày Báo cáo tại Hội nghị

"Điều đó khẳng định các giải pháp mà Chính phủ đã ban hành, nhất là các giải pháp trọng tâm trong Chỉ thị 18-CT/TW và Nghị quyết số 88-NQ/CP được triển khai thực hiện là phù hợp với thực tiễn, mang tính khả thi cao cần phải tiếp tục thực hiện mạnh mẽ, đồng bộ hơn trong các năm tiếp theo" - Bộ trưởng, Phó Chủ tịch Thường trực Ủy ban ATGT QG Đinh La Thăng nhấn mạnh.

Về công tác xây dựng hoàn thiện hệ thống văn bản QPPL về TTATGT, Bộ trưởng cho biết đã được các bộ, ngành, địa phương quan tâm và tập trung chỉ đạo thực hiện, đã cơ bản đáp ứng được yêu cầu nhiệm vụ quản lý nhà nước về bảo đảm TTATGT có nhiều cải cách, đổi mới nâng cao hiệu quả ở các lĩnh vực quản lý vận tải; đào tạo, sát hạch, cấp giấy phép lái xe, đăng ký, đăng kiểm phương tiện giao thông. Công tác thanh tra, kiểm tra, TTKS và xử lý vi phạm TTATGT được Bộ Công an, Bộ GTVT quan tâm chỉ đạo, tăng cường lực lượng, phương tiện trang thiết bị, tập trung xử lý nghiêm các vi phạm là nguyên nhân gây TNGT.

"Trong bối cảnh khó khăn chung về kinh tế, dưới sự chỉ đạo của Chính phủ, Bộ GTVT cùng các bộ ngành, địa phương đạt được nhiều kết quả to lớn trong đầu tư, phát triển KCHTGT đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế - xã hộ góp phần giảm thiểu tai nạn, ùn tắc giao thông, thực hiện thành công khâu đột phá chiến lược “Xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ với một số công trình hiện đại, tập trung vào hệ thống giao thông và hạ tầng đô thị lớn” theo Nghị quyết Đại hội lần thứ XI của Đảng. Các công trình giao thông hoàn thành đều vượt tiến độ, bảo đảm chất lượng, nhất là các tuyến giao thông huyết mạch, đường vành đai, các trục giao thông hướng tâm, đường cao tốc, đồng thời phát triển hệ thống đường giao thông nông thôn, cầu treo dân sinh" - Bộ trưởng nói.

Các bộ, ngành, các tổ chức chính trị - xã hội, các đoàn thể cũng tích cực tham gia vào công tác đảm bảo TTATGT trong đó phải kể đến Bộ Công an, Bộ GTVT, Bộ Giáo dục và Đào tạo, Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh với nhiều giải pháp và mô hình mới, sáng tạo như: cuộc vận động “Toàn dân tham gia bảo đảm TTATGT”, “Thanh niên với văn hóa giao thông”, “Tổ tự quản TTATGT” ở thôn, xóm, “Bến đò ngang an toàn”, “Cổng trường an toàn giao thông”…

Theo Bộ trưởng, nhiều mô hình bảo đảm TTATGT được triển khai hiệu quả ở một số địa phương, góp phần giảm thiểu TNGT như: Bắc Ninh với mô hình “Gắn trách nhiệm người đứng đầu trong việc bảo đảm ATGT”; thành phố Đà Nẵng với mô hình “Phân tách làn ôtô – xe máy trên một số tuyến phố”; chiến dịch khuyến khích đội MBH đạt chuẩn; Hà Nội với mô hình “Tổ công tác đặc biệt 141”; thành phố Hồ Chí Minh với mô hình ký cam kết thực hiện giữa thành phố - quận (huyện) – xã (phường) – nhân dân; An Giang với mô hình “Công chức, viên chức nói không với rượu bia vào buổi trưa”.

Một số giải pháp đột phá được thực hiện quyết liệt tại hai thành phố Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh đã góp phần giảm ùn tắc giao thông như: hoàn thành các tuyến đường vành đai, các trục hướng tâm; lắp đặt cầu vượt tại các nút giao thông trọng điểm; đẩy mạnh tuần tra, kiểm soát lập lại trật tự vỉa hè, lòng đường trên các tuyến phố chính; bố trí lệch giờ làm việc, học tập. Một số địa phương đạt kết quả nổi bật trong kéo giảm TNGT cả 3 tiêu chí trong 5 năm là Thái Nguyên, Vĩnh Phúc, Ninh Bình, Tây Ninh, Đà Nẵng.

Ủy ban ATGT Quốc gia tổng kết 5 năm bảo đảm trật tự ATGT giai đoạn 2011 - 2015

Đại diện các đơn vị phát biểu tham luận tại Hội nghị

Phát biểu tham luận tại Hội nghị, đại diện tỉnh Thái Nguyên cho biết: Trong 4 năm qua tai nạn giao thông giảm liên tục trên cả ba tiêu chí. Lực lượng công an xã xử lý rất tốt, đề nghị Ủy ban ATGT QG nghiên cứu tham mưu trình trình Chính phủ bổ sung kinh phí để hoạt động hiệu quả hơn.

Theo đại diện tỉnh Tây Ninh, 5 năm qua, tai nạn giao thông giảm; ý thức người dân tăng lên. Tuyên truyền đổi hướng, Tây Ninh không ban hành tuyên truyền "suông" mà tuyên truyền sát tới từng người dân, từng ấp, từng đối tượng cho phù hợp. "Tỉnh Tây Ninh đã chỉ đạo quyết liệt, Ban ATGT tỉnh hàng tháng có văn bản chỉ đạo tuyên truyền. Hàng quý, công tác tuần tra kiểm soát, xếp loại cảnh sát giao thông ... được làm chặt chẽ, nghiêm túc", đại diện tỉnh Tây Ninh khẳng định.

Qua đó, đại diện tỉnh Tây Ninh kiến nghị cấp kinh phí cho Ban ATGT; sửa đổi nghị định Chính phủ theo hướng tăng nặng hình phạt, xử lý tại chỗ của cảnh sát giao thông tăng lên. Bất cập của tổ chức giao thông đường bộ mà Tỉnh kiến nghị thì Tổng cục Đường bộ VN và Bộ GTVT phải xử lý nhanh, đừng để chậm quá đồng thời đề nghị lắp camera xử lý nguội, mong Bộ GTVT, Trung ương giúp Tây Ninh vấn đề kinh phí để thực hiện hiệu quả hơn vấn đề này.

Đại diện tỉnh Hà Tĩnh kiến nghị, về đảm bảo ATGT, đào tạo sát hạch và quản lý người lái rất quan trọng. Nhiều tỉnh tai nạn giao thông ở địa phương mình nhưng lái xe và xe đó của tỉnh khác. Do đó cần có biện pháp quản lý đồng bộ trên cả nước để quản lý tốt lái xe tải, nhất là lái xe khách.

Ông Nguyễn Quốc Hùng, Phó Chủ tịch UBND TP.Hà Nội lại cho biết, lưu lượng giao thông tại Hà Nội là rất lớn, kết cấu hạ tầng chưa đáp ứng đủ nên áp lực lớn. Hà Nội có thuận lợi là được Trung ương quan tâm, hỗ trợ nhưng điều đó cũng là một áp lực lớn. Vừa qua, Bộ GTVT đã hoàn thành nhiều tuyến đường như Hà Nội -Lào Cai và Hà Nội - Hải Phòng, điều này là rất tốt vì thúc đẩy được kinh tế, giao thương phát triển giữa các địa phương với Hà Nội và ngược lại. Tuy nhiên, chính điều này lại khiến giao thông Hà Nội bị quá tải. TP Hà Nội sẽ phải tổ chức kết nối giao thông thì mới có thể đáp ứng nhu cầu ngày một tăng về giao thông. 

Ông Hùng cũng cho biết, trước mắt, Thành phố sẽ tập trung vào phát triển kết cấu hạ tầng giao thông, cải thiện hạ tầng hiện có đồng thời phấn đấu đi đầu cả nước trong việc hiện đại hóa điều hành giao thông bên cạnh việc tuyên truyền quản lý, điều tiết và đặc biệt là đẩy mạnh công tác phát triển hệ thống giao thông công cộng…

"Về lâu dài, Thành phố Hà Nội sẽ tập trung phối hợp với Bộ GTVT và các bộ, ngành liên quan tập trung để giải quyết triệt để các vấn đề về giao thông còn tồn tại, bất cập. Ngoài ra,  Hà Nội cũng sẽ tập trung phối hợp với bộ, ngành trung ương hạn chế việc xây dựng nhà cao tầng, đưa dân khỏi khu vực nội đô…", ông Nguyễn Quốc Hùng cho biết.

Ông Nguyễn Quốc Hùng đề nghị Ủy ban ATGT Quốc gia, Bộ GTVT chỉ đạo các tỉnh phối hợp với Hà Nội xử lý các vấn đề sai phạm xe liên tỉnh, nâng cao chất lượng an toàn cho hành khách và người dân.

Ủy ban ATGT Quốc gia tổng kết 5 năm bảo đảm trật tự ATGT giai đoạn 2011 - 2015

Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc trao đổi với các Đại biểu dụ Hội nghị

Tại Hội nghị, đại diện Ban ATGT TP.Hồ Chí Minh đề nghị đánh giá tiêu chí để kéo giảm tai nạn giao thông như thế nào, phải áp dụng theo tiêu chí của thế giới. Năm 2016 đề nghị phải thực hiện kéo giảm so với tiêu chí nhất định chứ không thể cứ năm sau kéo giảm so với năm trước thì kéo tới khi nào..? đồng thời thống nhất để lại cho địa phương toàn bộ tiền thu xử phạt, phải có văn bản cụ thể xác định vấn dề này để thực hiện thống nhất.

Phát biểu tại Hội nghị, ông Trần Sơn Hà, Cục trưởng Cục CSGT Bộ Công an đánh giá, tình hình trật tự an toàn giao thông vẫn diến biến phức tạp nhất là ùn tắc giao thông. Tỷ lệ xử phạt tăng trên 4 triệu trường hợp so với 5 năm trước; Tình trạng người vi phạm giao thông chống người thi hành công vụ không giảm, gần 250 vụ chống người thi hành công vụ trong 5 năm, có đồng chí tử vong bị thương nặng. 

"Đối với Hà Nội, cần nhanh chóng thực hiện các giải pháp như đưa bệnh viện, trường học, nhà cao tầng ra khỏi Thủ đô, bên cạnh đó phải có các biện pháp cân đối phương tiện gia tăng đặc biệt là xe máy, nhất là sau sự kiện VN gia nhập TPP thuế nhập khẩu xe giảm xuống, lượng xe sẽ tăng lên rất lớn", ông Hà nói.

Ủy ban ATGT Quốc gia tổng kết 5 năm bảo đảm trật tự ATGT giai đoạn 2011 - 2015

Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu kết luận Hội nghị

Kết luận Hội nghị, Phó Thủ tướng, Chủ tịch Ủy ban ATGT QG Nguyễn Xuân Phúc khẳng định những kết quả đạt được trong 5 năm qua là rất tốt, chỉ đạo quyết liệt, đồng bộ, giảm cả 3 tiêu chí về tai nạn giao thông. Điều đó đều nói cả hệ thống chính trị vào cuộc, nhiều địa phương lực lượng vào cuộc.

Thay mặt Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc biểu dương đánh giá cao sự cố gắng lớn lao, quyết liệt đồng bộ của lực lượng đảm bảo TT ATGT. Tuy nhiên, bên cạnh đó vẫn còn một số tồn tại, bất cập, như nhiều vụ tai nạn giao thông chết người, số người chết vẫn còn lớn, hơn 9.000 người chết.

Cùng với đó, việc kiểm soát và kiềm chế xe quá tải có nhiều tiến bộ, đã giảm được 85% số lượng xe vi phạm nhưng còn vẫn còn 15% tổng số xe quá tải sẽ tàn phá đường. Đặc biệt là còn nhiều vi phạm trong giao thông đường bộ ,đường sắt, thủy, hàng không. Tuy nhiên, hiện tượng ùn tắc ở hai thành phố lớn như  TP. HCM, Đà Nẵng đã có tiến bộ vượt bậc so với trước.

Công tác quản lý nhà nước về đảm bảo TTATGT có sát sao hơn nhưng vẫn còn nhiều bất cập. "Một thành công rất lớn trong thời gian qua là tuyên truyền vận động quần chúng, nâng cao ý thức của các đoàn thể chính trị từng bước được nâng cao".

Ủy ban ATGT Quốc gia tổng kết 5 năm bảo đảm trật tự ATGT giai đoạn 2011 - 2015

Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc trao tặng Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ cho các tập thể

Phó Thủ tướng nhấn mạnh, mục tiêu trong năm 2016 và 5 năm tiếp theo là phải giảm hơn nữa số người chết vì TNGT. Theo Phó Thủ tướng một đất nước mà để chết 9.000 người, tiếp tục kéo giảm ùn tắc tại các thành phố lớn TP. HCM và Hà Nội là chưa thể yên tâm.

Phó Thủ tướng yêu cầu các địa phương đều phải tổ chức đánh giá tìm biện pháp căn cơ để toàn quốc kéo giảm số người chết tai nạn giao thông xuống 5.000 người trong giai đoạn 2016 - 2020. Phải tổ chức quản lý đô thị tốt, mạnh mẽ hơn. Đặc biệt, kiến nghị sửa thể chế, bổ sung thể chế.

“Biện pháp bên cạnh giáo dục chính trị tư tưởng trong từng đoàn thể, gia đình, người dân thì tăng cường xử phạt, xử lý nghiêm vi phạm rất quan trọng nhằm nâng cao tính răn đe, thượng tôn pháp luật. Các tỉnh có điều kiện giống nhau nhưng hình phạt khác nhau, tôi đề nghị cái này phải làm mạnh mẽ hơn; các bộ, ngành và Ủy ban ATGT Quốc gia phải có đề án cụ thể để triển khai các giải pháp góp phần đảm bảo ATGT quốc gia” - Phó Thủ tướng nhấn mạnh.

Ủy ban ATGT Quốc gia tổng kết 5 năm bảo đảm trật tự ATGT giai đoạn 2011 - 2015

Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc trao tặng Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ cho các cá nhân

Nhân dịp này, Thủ tướng Chính phủ tặng Bằng khen cho 11 tập thể và 12 cá nhân đã có thành tích trong công tác bảo đảm trật tự ATGT từ năm 2010 - 2015, góp phần vào sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội và bảo vệ Tổ quốc.

Chủ tịch Ủy ban ATGT Quốc gia tặng Bằng khen cho 87 tập thể và 37 cá nhân đã có thành tích xuất sắc trong công tác bảo đảm trật tự ATGT trong 5 năm 2011 - 2015 và 4 năm triển khai thực hiện Nghị quyết số 88 ngày 24/8/2011 của Chính phủ.

 

Xuân Nguyên

Tìm theo ngày :

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)
  
Khách online:47398
Lượt truy cập: 176.101.460