Ngành GTVT hoàn thành vượt tiến độ nhiều dự án quan trọng, bảo đảm ATGT thông suốt

Thứ hai, 04/01/2016 12:42

Sau 5 năm thực hiện Nghị quyết Đại hội XI và 4 năm thực hiện Nghị quyết 13-NQ/TW của Đảng, ngành Giao thông vận tải đã đạt được nhiều thành tựu quan trọng trong việc thực hiện Nghị quyết; về cơ bản, ngành Giao thông vận tải đã hoàn thành vượt các mục tiêu phát triển đã được Nghị quyết xác định cho giai đoạn tới hết năm 2015.

Ngành GTVT hoàn thành vượt các mục tiêu Nghị quyết 13-NQ/TW của Đảng

Bộ mặt kết cấu hạ tầng giao thông của đất nước đã có những chuyển biến hết sức rõ nét, nhiều công trình lớn, hiện đại đã được đưa vào khai thác như các dự án nâng cấp, mở rộng Quốc lộ 1 và đường Hồ Chí Minh đoạn qua khu vực Tây Nguyên (Quốc lộ 14); các dự án đường cao tốc Hà Nội - Thái Nguyên, Nội Bài - Lào Cai, Hà Nội - Hải Phòng, TP. Hồ Chí Minh - Long Thành - Dầu Giây, Nội Bài - Nhật Tân; các cầu lớn như Nhật Tân, Vĩnh Thịnh, Cổ Chiên, Mỹ Lợi, Hạc Trì; tuyến Quản Lộ - Phụng Hiệp, Quốc lộ 51, Nam Sông Hậu, Quốc lộ 80 Mỹ Thuận - Vàm Cống; Cảng cửa ngõ quốc tế Cái Mép - Thị Vải; tuyến đường thủy kênh Chợ Gạo; Nhà ga T2 Nội Bài, Pleiku, Đà Nẵng...

Trong những dự án trên, Dự án đường cao tốc Nội Bài - Lào Cai là một trong những dự án đường cao tốc có quy mô lớn nhất tại Việt Nam, với tổng chiều dài 245km đi qua TP. Hà Nội và các tỉnh Vĩnh Phúc, Phú Thọ, Yên Bái, Lào Cai. Dự án được xây dựng theo tiêu chuẩn đường cao tốc loại A; đoạn từ Hà Nội đi Yên Bái xây dựng cao tốc 4 làn xe, 2 làn dừng khẩn cấp với tốc độ thiết kế 100km/h và đoạn từ Yên Bái đi Lào Cai xây dựng cao tốc 2 làn xe, 2 làn dừng khẩn cấp tốc độ thiết kế 80km/h. Tổng mức đầu tư của Dự án (giai đoạn 1) là 1.464 triệu USD.

Anh

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, Nguyên Tổng Bí thư Nông Đức Mạnh, cùng lãnh đạo các ban, bộ, ngành ở
trung ương và địa phương thực hiện nghi thức thông xe cao tốc Nội Bài - Lào Cai (tháng 9/2014). Ảnh Xuân Nguyên

Dự án đường cao tốc Nội Bài - Lào Cai đưa vào khai thác là bước đột phá lớn của ngành Giao thông vận tải, giúp giảm thời gian lưu thông từ Hà Nội đi Lào Cai xuống còn 3,5 tiếng so với 7 tiếng như trước đây, mở ra cơ hội phát triển kinh tế - xã hội cho các địa phương ở khu vực Tây Bắc, là đòn bẩy tăng trưởng GDP cho các tỉnh khi giao thương được thuận tiện và nhanh chóng, thúc đẩy phát triển du lịch, giảm áp lực giao thông và tai nạn giao thông trên Quốc lộ 2, Quốc lộ 2B, Quốc lộ 32C, Quốc lộ 4E và Quốc lộ 70, kết nối đến các khu công nghiệp, giải trí, khu du lịch tâm linh và rút ngắn thời gian đến các tỉnh Tuyên Quang, Hà Giang với thời gian giảm hơn một nửa so với lưu thông trên tuyến đường hiện hữu.

Kết cấu hạ tầng giao thông tại các đô thị lớn và các trung tâm kinh tế quan trọng được tập trung đầu tư, tình trạng ùn tắc giao thông tại Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh dần được khắc phục; tai nạn giao thông giảm cả 3 tiêu chí về số vụ, số người chết, số người bị thương, đặc biệt lần đầu tiên sau nhiều năm đã giảm số người chết do tai nạn giao thông xuống dưới 9.000 người; hệ thống giao thông nông thôn có bước phát triển mạnh mẽ, tạo nên kết nối hiệu quả hơn giữa hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông trung ương và địa phương.

Việc tập trung đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng giao thông có trọng tâm, trọng điểm đã góp phần tái cơ cấu hợp lý lĩnh vực vận tải, kết nối hài hoà các phương thức vận tải, phát huy thế mạnh của từng phương thức (Theo hướng tăng thị phần vận tải đường sắt, đường biển, đường thủy nội địa và giảm thị phần vận tải đường bộ), làm giảm chi phí vận tải, nâng cao hiệu quả, chất lượng dịch vụ vận tải, qua đó nâng cao năng lực cạnh tranh của nền kinh tế. Các báo cáo của Diễn đàn Kinh tế thế giới (WEF) cho thấy, mức hữu dụng và chất lượng cơ sở hạ tầng giao thông của Việt Nam năm 2015 đứng ở vị trí 67, tăng 36 bậc trong 5 năm qua (năm 2010 ở vị trí thứ 103).

Cao tốc Nội Bài - Lào Cai và nhiều công trình giao thông lớn, hiện đại đã được đưa vào khai thác,
 góp phần giảm thiểu tai nạn giao thông và bảo đảm trật tự an toàn giao thông. Ảnh Xuân Nguyên

Công tác đầu tư phát triển đồng bộ kết cấu hạ tầng giao thông được gắn liền với công tác tái cơ cấu, sắp xếp đổi mới doanh nghiệp nhà nước, tạo điều kiện tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho các doanh nghiệp; nâng cao một bước về năng lực quản lý, điều hành và tổ chức sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp tham gia thi công; giúp cho các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh có hiệu quả; trong thi công, công tác bảo vệ môi trường cũng có những bước cải thiện đáng kể.

Để tiếp tục thực hiện mục tiêu Nghị quyết đã đề ra, Bộ Giao thông vận tải xác định những nhiệm vụ trọng tâm trong phát triển kết cấu hạ tầng giao thông giai đoạn từ nay tới năm 2020 tập trung đầu tư phát triển trên tất cả các lĩnh vực đường bộ, đường sắt, hàng không, hàng hải, đường thủy nội địa, giao thông địa phương...

Trong lĩnh vực đường bộ, song song với việc khai thác hiệu quả các tuyến cao tốc đã có, tiếp tục triển  khai cũng như chuẩn bị các thủ tục cần thiết để đầu tư xây dựng các dự án đường cao tốc nhằm mục tiêu đến năm 2020 có trên 2.000 km đường cao tốc; cơ bản nối thông tuyến đường Hồ Chí Minh; nâng cấp các quốc lộ thuộc hệ thống vành đai phía Bắc, phía Tây Nam, tuyến nối các cảng biển Việt Nam với các nước láng giềng; tiếp tục đầu tư đường ven biển, đường hành lang và đường tuần tra biên giới.

Tập trung nâng cấp các tuyến đường sắt hiện có; cải tạo, nâng cấp để nâng cao năng lực, chất lượng vận tải các tuyến đường sắt phía Bắc; từng bước xóa bỏ các giao cắt đồng mức giữa đường bộ và đường sắt, ưu tiên xây dựng nút giao khác mức tại nơi có lưu lượng giao thông lớn. Nghiên cứu phương án xây dựng mới đường sắt đôi tốc độ cao trên trục bắc - nam, khổ 1.435 mm, điện khí hóa, giai đoạn đầu khai thác với tốc độ 160 - 200 km/h. Chuẩn bị các điều kiện cần thiết để xây dựng trước những đoạn tuyến có nhu cầu vận tải lớn, như đoạn Hà Nội - Vinh, TP. Hồ Chí Minh - Nha Trang, Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng.

Cùng với đó, tập trung đầu tư nâng cấp đồng bộ, hiện đại các cảng hàng không quốc tế; xây dựng các công trình để khai thác an toàn, có hiệu quả các cảng hàng không khác, đưa tổng năng lực thông qua tại các cảng hàng không đạt khoảng 100 triệu hành khách/năm (tăng khoảng 1,5 lần so với năm 2015). Triển khai đầu tư Cảng hàng không quốc tế Long Thành, phấn đấu hoàn thành vào năm 2023 sớm hơn 2 năm so với mục tiêu Nghị quyết Quốc hội đề ra.

Trật tự an toàn giao thông được bảo đảm, thông suốt

Anh

Phó Thủ tướng, Chủ tịch Ủy ban ATGT Quốc gia Nguyễn Xuân Phúc chủ trì  Hội nghị tổng kết 5 năm công tác
 bảo đảm trật tự ATGT giai đoạn 2011 - 2015 và định hướng nhiệm vụ giai đoạn 2016 – 2020. Ảnh Xuân Nguyên

Sau 5 năm triển khai các giải pháp bảo đảm trật tự, an toàn giao thông và 4 năm thực hiện Nghị quyết số 88-NQ/CP ngày 24/8/2011 của Chính phủ, được sự quan tâm chỉ đạo của Ban Bí thư, sự giám sát thường xuyên của Quốc hội, các Ủy ban của Quốc hội, sự chỉ đạo quyết liệt của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và nỗ lực của các bộ, ngành, các cấp chính quyền địa phương, sự tham gia tích cực của các tổ chức chính trị - xã hội, đoàn thể trong việc thực hiện các giải pháp trọng tâm bảo đảm trật tự, an toàn giao thông và chống ùn tắc giao thông nên công tác bảo đảm trật tự, an toàn giao thông đã có sự chuyển biến mạnh mẽ, ý thức tự giác chấp hành pháp luật của người tham gia giao thông có nhiều chuyến biến tốt, trách nhiệm của lực lượng thực thi công vụ được nâng cao, bước đầu thiết lập lại trật tự, kỷ cương trong công tác bảo đảm trật tự, an toàn giao thông trên phạm vi cả nước và chống ùn tắc giao thông ở hai thành phố Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh.

Tình hình trật tự, an toàn giao thông đã được kiềm chế, tai nạn giao thông giảm liên tục cả 3 tiêu chí số vụ, số người chết, bị thương so với giai đoạn trước; đặc biệt năm 2014 là năm đầu tiên trong vòng 14 năm trở lại đây số người thiệt mạng tai nạn giao thông giảm xuống dưới 9.000 người. Trong kỳ, tính từ 2011 đến 2015, tai nạn giao thông giảm trên 50% số vụ (-19,5%/năm), 23,7% số người chết (-7%/năm), 60% người bị thương (-25%/năm), trong điều kiện dân số, nhu cầu đi lại và phương tiện cơ giới gia tăng nhanh (ô tô tăng 9,4% /năm và mô tô tăng 7,14%/năm).

Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc trao tặng Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ   cho các cá nhân đã có thành tích trong công tác bảo đảm trật tự ATGT từ năm 2010 - 2015,

Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc trao tặng Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ cho các
 cá nhân đã có thành tích trong công tác bảo đảm trật tự ATGT từ năm 2010 - 2015Ảnh Xuân Nguyên

Đặc biệt, năm 2015, là năm thứ hai Chính phủ xác định chủ đề của năm là “Siết chặt quản lý kinh doanh vận tải và kiểm soát tải trọng phương tiện" với mục tiêu "Tính mạng con người là trên hết”, do vậy, các giải pháp trọng tâm mà các bộ, ngành, địa phương thực hiện đã tập trung vào nguyên nhân gốc của tai nạn giao thông đó là hoạt động vận tải, qua đó số vụ, số người chết và số người bị thương vì tai nạn giao thông trong năm 2015 tiếp tục giảm, đặc biệt, số vụ tai nạn giao thông đặc biệt nghiêm trọng liên quan đến xe khách, xe tải nặng được kiềm chế, đồng thời, vi phạm về chở hàng hoá quá tải trọng trên đường bộ đã giảm mạnh.

Điều đó khẳng định các giải pháp mà Chính phủ đã ban hành, nhất là các giải pháp trọng tâm trong Chỉ thị 18-CT/TW ngày 04/9/2012 của Ban Chấp hành Trung ương về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác bảo đảm trật tự, an toàn giao thông đường bộ, đường sắt, đường thủy nội địa và khắc phục ùn tắc giao thông và Nghị quyết số 88-NQ/CP ngày 24/8/2011 của Chính phủ về tăng cường thực hiện các giải pháp trọng tâm bảo đảm trật tự, an toàn giao thông được triển khai thực hiện là phù hợp với thực tiễn, mang tính khả thi cao cần phải tiếp tục thực hiện mạnh mẽ, đồng bộ hơn trong các năm tiếp theo.

Xuân Nguyên

Tìm theo ngày :

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)
  
Khách online:312375
Lượt truy cập: 176.091.705