Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Văn Ninh, Bộ trưởng Đinh La Thăng và
các đồng chí đại biểu cắt băng khánh thành cầu Tân Phong
Tham dự lễ khánh thành có các đồng chí: Nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Văn An; Ủy viên BCH Trung ương Đảng, Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Văn Ninh; Bộ trưởng Bộ GTVT Đinh La Thăng; Bí thư Tỉnh ủy Nam Định Đoàn Hồng Phong; các đồng chí lãnh đạo, nguyên lãnh đạo qua các thời kỳ của Tỉnh ủy - UBND - HĐND tỉnh Nam Định; ngài Công sứ Đại sứ quán Nhật Bản tại Việt Nam Katsuro Nagai; Trưởng đại diện Cơ quan hợp tác quốc tế Nhật Bản Mutsuya Mori; đại diện lãnh đạo Văn phòng Chính phủ, Bộ Khoa học Công nghệ, Bộ GTVT, tỉnh Nam Định và đông đảo bà con nhân dân địa phương trong vùng dự án.
Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Văn Ninh tuyên bố khánh thành cầu Tân Phong
Công trình cầu Tân Phong nằm trên QL21B, lý trình Km101+506, nối địa phận 02 xã Mỹ Tân (huyện Mỹ Lộc) và xã Nam Phong (thành phố Nam Định), tỉnh Nam Định, được Bộ GTVT phê duyệt và làm chủ đầu tư tại Quyết định số 1523/QĐ-BGTVT ngày 04/5/2015; đại diện chủ đầu tư là Ban Quản lý dự án 6. Tổng mức đầu tư hơn 463,141 tỷ đồng, sử dụng vốn ODA của Chính phủ Nhật Bản và vốn đối ứng của Chính phủ Việt Nam.
Tổng Giám đốc Ban QLDA 6 báo cáo tóm tắt quá trình triển khai dự án
Theo ông Phạm Tuấn Anh - Tổng Giám đốc Ban QLDA 6, dự án gồm 03 gói thầu; trong đó, gói thầu số B3-29 - Xây dựng cầu dẫn và đường dẫn phía Bắc cầu Tân Phong, nhà thầu thi công là Liên danh Công ty Cổ phần Phát triển & Thương mại Thuận An và Công ty cổ phần cầu 11 Thăng Long; Nhà thầu phụ: Công ty cổ phần Trung Thành Việt Nam; gói thầu số B3-30 - Xây dựng phần cầu chính cầu Tân Phong (phần đúc hẫng), nhà thầu thi công là Liên danh Tổng công ty Thăng Long - Công ty Cổ phần Cầu 14; gói thầu số B3-31 - Xây dựng cầu dẫn và đường dẫn phía Nam cầu Tân Phong, nhà thầu thi công là Liên danh Tổng công ty Xây dựng công trình giao thông 4 - CTCP và Công ty Cổ phần TASCO.
Tổng chiều dài công trình là 2.148,18m bao gồm: Phần cầu dài 684m, được thiết kế vĩnh cửu bằng bê tông cốt thép và bê tông cốt thép dự ứng lực; bề rộng cầu là 12 m; khổ thông thuyền là 50x9,5 m; tĩnh không đường Thái Bình là 4,75m; đường tránh đê bối Hồng Long là 4mx3m.
Phần đường dài 1.464,28km, vận tốc thiết kế là 60km/h; đoạn từ đầu tuyến đến 50m sau mố A14 được thiết kế theo tiêu chuẩn đường cấp III đồng bằng, bề rộng nền đường là 12m; đoạn từ 50m sau mố A14 đến giao với đê Hữu Hồng được thiết kế theo tiêu chuẩn đường cấp IV đồng bằng bề rộng nền đường là 9m;
“Công trình cầu Tân Phong được khởi công ngày 14/6/2015. Sau hơn 6 tháng, cầu Tân Phong đã hoàn thành xây dựng vào ngày 31/12/2015, đạt yêu cầu về chất lượng, tiến độ và chính thức đưa vào khai thác sử dụng vào ngày 09/01/2016” - Tổng Giám đốc Ban QLDA 6 Phạm Tuấn Anh cho biết.
Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UNBD tỉnh Nam Định Phạm Đình Nghị đánh giá tầm quan trọng của công trình
Tại lễ khánh thành, đồng chí Phạm Đình Nghị, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UNBD tỉnh Nam Định khẳng định: Việc hoàn thành, đưa vào khai thác cầu Tân Phong sẽ nối liền đường vành đai thành phố Nam Định nâng cao hiệu quả khai thác của tuyến đường vành đai, góp phần cải thiện mạng lưới giao thông đường bộ, tạo tiền đề và là động lực phát triển kinh tế, xã hội của tỉnh Nam Định nói riêng và các tỉnh khu vực Đồng bằng Bắc bộ nói chung. Góp phần tạo điều kiện thuận lợi cho các phương tiện giao thông di chuyển theo hướng từ các huyện Nam Trực, Cổ Lễ, Xuân Trường, Hải Hậu đi Thái Bình, Hải Phòng và theo chiều ngược lại sẽ rút ngắn được 10km so với hiện nay. Đồng thời, giảm tải lưu lượng giao thông trên cầu Đò Quan và tăng cường phát huy hiệu quả khai thác tuyến Quốc lộ 10, Quốc lộ 21 và hệ thống giao thông liên vùng, đảm bảo an ninh quốc phòng và phòng chống lụt bão trên địa bàn tỉnh.
Cầu Tân Phong đã hoàn thành, đưa vào khai thác chính thức từ ngày 9/1/2016,
sau hơn 6 tháng thi công. Ảnh: Báo Giao thông
Dự án Tín dụng ngành GTVT để cải tạo mạng lưới đường quốc gia lần thứ 2 là dự án tiến hành sửa chữa và xây mới 76 cây cầu yếu trên các quốc lộ, tỉnh lộ của các tỉnh, thành, địa phương trên khắp cả nước Việt Nam thông qua viện trợ vốn vay của Chính phủ Nhật Bản. Tất cả các công trình thuộc dự án này đều là những công trình quan trọng tạo nên mạng lưới giao thông đường bộ cơ bản của Việt nam và góp phần cho sự phát triển kinh tế - xã hội của các địa phương.
Cầu Tân Phong là công trình có quy mô lớn nhất trong số 76 cây cầu thuộc dự án. Việc kết nối QL10 và QL21 được kỳ vọng sẽ giúp giao thông trở nên thuận tiện hơn.
|
Phát biểu tại lễ khánh thành, Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Văn Ninh nhấn mạnh, bằng nguồn vốn ODA của Chính phủ Nhật Bản, Bộ GTVT đã phối hợp với chính quyền các địa phương triển khai dự án Tín dụng ngành giao thông vận tải để cải tạo mạng lưới đường quốc gia lần thứ 2, đến nay đã hoàn thành, thay thế 192 cầu yếu trên toàn quốc, bao gồm 144 cầu trong giai đoạn 1 và 48 cầu giai đoạn 2.
Thay mặt Chính phủ, Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh đánh giá cao sự nỗ lực của Bộ GTVT, sự phối hợp chặt chẽ của chính quyền và nhân dân tỉnh Nam Định, Ban QLDA 6, các đơn vị tư vấn thiết kế, giám sát, nhà thầu đã nỗ lực sáng tạo, vượt qua mọi khó khăn để hoàn thành xây dựng cầu Tân Phong đảm bảo yêu cầu về tiến độ, chất lượng, sớm đưa vào khai thác sử dụng, đáp ứng lòng mong mỏi của chính quyền và nhân dân địa phương.
Để đưa công trình vào khai thác hiệu quả, Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh đề nghị Bộ GTVT tiếp tục phối hợp tỉnh Nam Định chỉ đạo các cơ quan chức năng thực hiện tốt công tác quản lý, khai thác, góp phần vào sự phát triển kinh tế-xã hội của địa phương và khu vực.
Nhân dịp này, Bộ trưởng Bộ GTVT Đinh La Thăng đã trao tặng Kỷ niệm chương “Vì sự phát triển GTVT Việt Nam” cho 09 đồng chí lãnh đạo, nguyên lãnh đạo tỉnh Nam Định có công lao đóng góp cho sự nghiệp xây dựng và phát triển GTVT VN trong những năm qua. Ngoài ra, Bộ trưởng Bộ GTVT, Chủ tịch UBND tỉnh Nam Định đã trao tặng Bằng khen cho nhiều tập thể, cá nhân có nhiều thành tích trong quá trình tham gia thực hiện công trình cầu Tân Phong.
VH