Các dự án BOT, BT mà Bộ GTVT yêu cầu kiểm tra, rà soát gồm: Dự án mở rộng QL1 của ngõ phía Bắc thị xã Bạc Liêu; Dự án cải tạo, nâng cấp luồng sông Sài Gòn từ cầu Bình Lợi đến cảng Bến Súc; Dự án đường Hồ Chí Minh đoạn từ QL2 đến Hương Nộn và nâng cấp, mở rộng QL32 đoạn từ Cổ Tiết đến cầu Trung Hà; Dự án đường cao tốc La Sơn - Túy Loan; Dự án QL38 từ nút giao Vực Vòng đến cầu Yên Lệnh; Dự án cầu Thái Hà; Dự án đường cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận; Dự án tuyến tránh Sóc Trăng; Dự án nâng cấp tuyến Pháp Vân - Càu Giẽ; Dự án tuyến Thái Nguyên - Chợ Mới và Dự án tuyến tránh Phủ Lý.
Thứ trưởng Nguyễn Ngọc Đông chủ trì cuộc họp
Tại cuộc họp, ông Dương Viết Roãn - Phó Cục trưởng Cục QLXD&CLCTGT cho biết, kết quả rà soát các thủ tục đầu tư, về cơ bản các thủ tục đầu tư của các dự án đều có chung vướng mắc là tuy chưa cấp Giấy chứng nhận đầu tư (GCNĐT) nhưng Nhà đầu tư (NĐT) đã tiến hành một số công tác thực hiện dự án; trong quá trình triển khai dự án, các NĐT thường tiến hành lựa chọn nhà thầu thực hiện một số công việc như tư vấn, bảo hiểm… khi chưa phê duyệt đề cương và chi phí thực hiện. Các nội dung này chưa tuân thủ đúng quy định về quản lý đầu tư xây dựng.
Một số dự án đã lựa chọn nhà thầu và triển khai thi công ngoài hiện trường trong khi chưa duyệt dự toán chi phí xây dựng làm cơ sở để thực hiện là hợp đồng nguyên tắc giữa NĐT và nhà thầu; NĐT, doanh nghiệp dự án chưa “ban hành quy chế lựa chọn nhà thầu tư vấn, cung cấp hàng hóa, xây lắp và nhà thầu khác trên cơ sở bảo đảm công bằng, minh bạch, hiệu quả kinh tế để áp dụng thống nhất trong quá trình thực hiện dự án”.
Về kết quả rà soát dự toán, do các dự án thuộc danh mục rà soát đa phần là dự án mới triển khai thực hiện, một số dự án vẫn chưa được cấp GCNĐT; các dự án khác có GCNĐT nhưng mới chỉ hoàn thành công tác phê duyệt thiết kế, chưa thẩm định, phê duyệt dự toán nên các Nhóm giúp việc chưa triển khai công tác rà soát dự toán xây dựng công trình.
Phát biểu chỉ đạo tại cuộc họp, Thứ trưởng yêu cầu các cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền (các Ban QLDA) và NĐT dự án cần tăng cường phối hợp chặt chẽ hơn nữa trong công tác thông tin, quản lý văn bản. Đồng thời, các Ban QLDA cũng cần phát huy vai trò là đơn vị quản lý nhà nước có thẩm quyền tại các dự án thực hiện theo hình thức BOT, hướng dẫn NĐT tiến hành quản lý dự án đảm bảo tuân thủ quy định.
Đối với công tác rà soát dự toán công trình, các dự án mà NĐT phê duyệt dự án sau khi Nghị định 59/2015/NĐ-CP ngày 18/6/2015 của Chính phủ về quản lý dự án đầu tư xây dựng có hiệu lực thì các cơ quan chuyên môn về xây dựng của Bộ sẽ thẩm định dự toán xây dựng công trình, doanh nghiệp dự án phê duyệt. Các dự án mà NĐT phê duyệt dự án trước khi Nghị định 59/2015/NĐ-CP có hiệu lực sẽ không triển khai rà soát dự toán công trình của các dự án chưa hoàn thành công tác thẩm định, phê duyệt (do dự toán xây dựng công trình của các dự án này theo quy định sẽ do Cục QLXD&CLCTGT kiểm tra, rà soát, thẩm định làm cơ sở để NĐT phê duyệt).
Phùng Trọng