Thứ trưởng Nguyễn Ngọc Đông biểu dương nỗ lực của đơn vị tài trợ,
đại diện chủ đầu tư, các nhà thầu thi công và địa phương đã phối hợp tốt để đẩy nhanh tiến độ dự án
Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Ngọc Đông khẳng định, dự án có nhiều công nghệ mới lần đầu tiên được áp dụng trong xây dựng cầu đường sắt như ray hàn liền, bê tông dự ứng lực áp dụng trong xây cầu đường sắt... Dự án rút ngắn khoảng 80 phút hành trình đường sắt Bắc Nam, có ý nghĩa rất lớn đối với vận tải cả nước.
Thứ trưởng gửi lời cảm ơn JICA, UBND các tỉnh có dự án đi qua đã giúp đỡ, phối hợp chặt chẽ trong quá trình thực hiện dự án.
Các đại biểu cắt băng khánh thành dự án 44 cầu
Dự án Nâng cao an toàn cầu đường sắt trên tuyến Hà Nội - TP Hồ Chí Minh (gọi tắt là dự án 44 cầu) do Bộ GTVT là chủ đầu tư, Ban QLDA đường sắt là đại diện Chủ đầu tư sử dụng vốn vay ODA của Cơ quan Hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA) và nguồn vốn đối ứng của Chính phủ Việt Nam.
Dự án có tổng mức đầu tư là 37,153 tỷ Yên Nhật và 1.054 tỷ đồng (tương đương 9.284 tỷ đồng) với quy mô bao gồm khôi phục 44 cầu (với tổng chiều dài là 6.553m cầu) và 45.078km đường sắt hai đầu cầu; nâng cấp, cải tạo, làm mới 22 đường ngang; xây mới 3 cầu chui và 24 cống hộp chui dân sinh; nâng cấp, cải tạo, làm mới 15 đường chui dưới cầu; xây mới 2 cầu vượt tại phía Nam ga Ninh Bình và phía Nam cầu Đò Lèn; xây dựng mới ga Ninh Bình; mua sắm 12 chủng loại máy móc, thiết bị phục vụ duy tu, bảo dưỡng cầu, đường sắt.
Bộ GTVT cũng đã trao tặng Kỷ niệm chương vì sự nghiệp phát triển GTVT Việt Nam
cho ông Teruo Uehara - Trưởng đại diện công ty Rinkai Construction
và 11 tập thể, 10 cá nhân có thành tích xuất sắc trong quá trình thực hiện dự án
Ông Teruo Uehara -– Trưởng đại diện công ty Rinkai Construction cho biết, dự án này có ý nghĩa an sinh xã hội rất lớn. Người dân có thể qua lại sông an toàn bằng các đường hành lang trên cầu và hầm chui qua đường sắt. Hơn nữa công nghệ hiện đại và kinh nghiệm trong xây dựng các công trình đường sắt cũng được chuyển giao, tạo dựng sự tin tưởng của nhà thầu Nhật Bản để thực hiện các dự án tiếp theo.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên Huế Đinh Khắc Đính cho biết, tỉnh đã làm tốt công tác GPMB cho dự án. Dự án hoàn thành vượt tiến độ khiến người dân địa phương rất vui mừng. UBND tỉnh sẽ tiếp tục ủng hộ trong quản lý, vận hành khai thác đảm bảo an ninh và bảo vệ công trình tuyến cầu đường sắt đi qua tỉnh nhà.
Những cây cầu đường sắt mới sẽ giúp nâng cao tốc độ tàu, nâng cao năng lực
cho ngành đường sắt, hơn nữa, triệt tiêu được nhiều đường ngang dân sinh bằng các hầm chui qua đường sắt
Dự án có 12 gói thầu sử dụng vốn ODA, trong đó bao gồm 9 gói thầu xây lắp, 2 gói thầu Tư vấn và 1 gói thầu mua sắm hàng hóa. Các gói thầu sử dụng vốn đối ứng là các công tác phục vụ thi công các hạng mục xây lắp chính của dự án như giải phóng mặt bằng, rà phá bom mìn, di dời hệ thống thông tin tín hiệu đường sắt và bảo hiểm công trình.
Việc hoàn thành dự án 44 cầu trước kế hoạch 8 tháng là hoạt động thiết thực chào mừng Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XII và xuân Bính Thân 2016. Sau khi đưa các công trình của dự án vào khai thác, dự án góp phần nâng cao an toàn chạy tàu của ngành đường sắt, nâng cao tải trọng và tốc độ chạy tàu (tốc độ thiết kế 120km/h cho tàu khách, 80km/h cho tàu hàng) và rút ngắn hành trình các đoàn tàu trên tuyến. Đồng thời, một số nút giao đồng mức cũng được xoá bỏ, đảm bảo an toàn trong quá trình đi lại hai bên đường sắt của người dân địa phương.