Theo Thứ trưởng Lê Đình Thọ, ngay khi nhận được tâm nguyện của Ban liên lạc tiểu đoàn, thân nhân các AHLS, Bộ GTVT - trực tiếp đồng chí Đinh La Thăng, Ủy viên Bộ Chính Trị, Bí thư Thành ủy Hồ Chí Minh, Bộ trưởng Bộ GTVT đã chỉ đạo các đơn vị của Bộ phối hợp Lữ đoàn 384 - đơn vị nhà thầu thi công các dự án giao thông, QL1 trọng điểm trên địa bàn Quảng Trị - thiết kế, thi công công trình Bia tưởng niệm này.
Công trình sớm hoàn thành giai đoạn 1 sau những tháng triển khai tích cực, vượt mọi khó khăn về điều kiện địa hình, thời tiết. “Đây là tình cảm, sự tri ân của cán bộ, nhân viên ngành GTVT, Lữ đoàn 384... đối với anh linh các AHLS. Công trình là địa chỉ đỏ để giáo dục về tấm gương anh dũng, kiên cường, bảo vệ, xây dựng Tổ quốc cho mọi người, đặc biệt là các thế hệ trẻ để cùng phấn đấu phát triển, bảo vệ quê hương, đất nước”, Thứ trưởng Thọ nhấn mạnh.
Trên đỉnh cao 689 lộng gió, tấm bia tưởng niệm lừng lững sơn son, thiếp vàng, đề khắc trang trọng dòng chữ “Tổ quốc ghi công”, in đậm chiến công cán bộ, chiến sỹ Tiểu đoàn 3, Trung đoàn 246, Đoàn Tân Trào, Quân khu Việt Bắc (nay thuộc Sư đoàn 346, Quân khu 1). Sau 11 ngày đêm giao tranh quyết liệt, tối 7, rạng sáng ngày 8/7/1968, Tiểu đoàn 3 đánh trận quyết định, tiêu diệt toàn bộ quân địch trên mỏm A, Điểm cao 689.
Thành kính tri ân, tưởng niệm các AHLS tại Điểm cao 689
Toàn bộ quân địch lúc cao điểm lên đến 1.200 quân, bị đánh bật, buộc phải rút lui khỏi các điểm cao 689. Là cờ Giải phóng tung bay trên đỉnh cao nhất ngay sáng ngày 8/7/1968, đánh dấu chiến thắng quật cường, dũng cảm của Tiểu đoàn 3, góp phần quan trọng vào chiến thắng trong chiến dịch Đường 9-Khe Sanh và giải phóng Hướng Hóa năm 1968.
Anh hùng vũ trang Nguyễn Hữu Quyền (73 tuổi, quê Phú Thọ) nguyên là Trung đội phó (quyền Trung đội trưởng Trung đội 3, Đại đội 10, Tiểu đoàn 3) trong Điểm cao 689 gần 50 năm trước, nghẹn ngào: Hàng trăm cán bộ, chiến sỹ của Tiểu đoàn đã được phong tặng danh hiệu “Dũng sỹ diệt Mỹ”, cùng 2 đồng chí được Đảng, Nhà nước phong tặng danh hiệu AHLLVTND (trong đó có ông Quyền). Từng tấc đất, cây cỏ ở Điểm cao 689 đều thấm xương máu của gần 200 cán bộ, chiến sỹ Tiểu đoàn 3 anh dũng hy sinh... để giành chiến thắng cuối cùng.
Tận tay sờ nắn bia tưởng niệm trang trọng, ông Nguyễn Văn Hợi (70 tuổi, quê Vĩnh Phúc), Trưởng Ban liên lạc Tiểu đoàn K3 Tam Đảo, xúc động: “Đã rất lâu rồi chúng tôi luôn trăn trở về việc chưa thể quy tập hài cốt các Liệt sỹ Tiểu đoàn 3, Trung đoàn 246 hi sinh trong trận Điểm cao 689 về với quê hương, về với gia đình. Giờ thì tâm nguyện này đã thành hiện thực”.
Anh hùng LLVTND Nguyễn Hữu Quyền ôn lại truyền thống hào hùng,
bản hùng ca bất diệt của các cán bộ, chiến sỹ Tiểu đoàn 3 trong trận đánh 11 ngày đêm Cao điểm 689.
Từng cái ôm, cái bắt tay thật chặt của các đồng đội, cựu binh Tiểu đoàn 3 bên nén tâm nhang nghi ngút rực cháy trước bia tưởng niệm. “Các đồng đội tôi giờ đã có nhà rồi. Anh linh, hương hỏa các anh sẽ sáng mái nơi Cao điểm 689 này”, giọng ông Hợi nghẹn lại, khiến cả hội trường rưng rưng xúc động.
Đại diện lãnh đạo tỉnh Quảng Trị, Vĩnh Phúc, Nam Định... cùng bày tỏ sự tri ân, tự hào đối với những người con quê hương, các AHLS, cán bộ chiến sĩ hi sinh quên mình, làm lên bản hùng ca bất diệt tại Điểm cao 689; góp phần quan trọng vào công cuộc đấu tranh, giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước.
Trực tiếp bàn giao Bia tưởng niệm AHLS Điểm cao 689 cho các đơn vị địa phương quản lý, Thứ trưởng Thọ bày tỏ: Bia tưởng niệm sẽ là địa chỉ tâm linh để cùng cầu mong cho các anh linh anh hùng liệt sĩ và các đồng bào trận vong luôn được siêu thoát. Hơn 40 năm chiến tranh đã lùi xa, đất nước bước vào giai đoạn phát triển, hội nhập. Truyền thống đạo lý “Uống nước nhớ nguồn” luôn được phát huy cùng với tinh thần Nhân đạo quốc tế cao cả.
Một số hình ảnh của đoàn công tác tại điểm cao: