Thứ trưởng Nguyễn Văn Công kiểm tra thực tế lại cảng Nghi Sơn.
Cảng biển Nghi Sơn được Bộ GTVT phê duyệt với tổng diện tích quy hoạch khoảng 2.020 ha, trong đó, vùng đất là 916,8 ha; vùng nước 1.103,2 ha; đáp ứng cỡ tàu từ 30.000 đến 50.000 tấn; công suất dự kiến đến năm 2030 khoảng 75 triệu tấn/năm. Bao gồm 49 bến và khu bến, khu dịch vụ cảng, khu phát triển đường sắt, các khu phát triển hậu cần (logistic), nhà máy đóng tàu và khu vực cây xanh, quảng trường. Cảng biển Nghi Sơn được xác định là cảng tổng hợp quốc gia, đầu mối khu vực Bắc Trung Bộ (Loại I).
Đến nay, Khu bến tổng hợp gồm 20 bến, đã được chấp thuận đầu tư, trong đó có 5 bến đã hoàn thành và đang khai thác kinh doanh; 3 bến đang xây dựng; 12 bến chưa triển khai xây dựng do chưa có kế hoạch nạo vét luồng vào. Khu bến cảng Lọc hóa dầu đang triển khai xây dựng, tổng khối lượng thi công đạt 80% và một số bến đã hoàn thành đưa vào khai thác bốc xếp vật liệu xây dựng phục vụ thi công dự án. Khu bến Nhà máy nhiệt điện Nghi Sơn I và Nghi Sơn II tổng chiều dài 890m đã hoàn thành đầu tư xây dựng và đưa vào khai thác bến Nhà máy nhiệt điện Nghi Sơn I với chiều dài 590m từ năm 2012; bến Nhà máy nhiệt điện Nghi Sơn II chưa thực hiện xây dựng. Khu bến chuyên dụng gồm 5 bến, đã chấp thuận cho Công ty CP xi măng Công Thanh đầu tư xây dựng 4 bến.
Khu bến nội địa, du lịch và dịch vụ hậu cần cảng theo quy hoạch gồm 3 bến ở khu vực trung tâm của xã Hải Thượng. Khu bến Container gồm 10 bến theo quy hoạch, Ban Quản lý Khu Kinh tế Nghi Sơn đang kêu gọi các doanh nghiệp đầu tư xây dựng, khai thác kinh doanh... Các khu chức năng khác cũng đang được các nhà đầu tư triển khai xây dựng. Các cảng tổng hợp địa phương (loại II) như cảng Quảng Châu và Quảng Nham chưa được đầu tư xây dựng. Hiện chỉ có cảng Lễ Môn đang được khai thác hoạt động với công suất 500.000 tấn/năm...
Sau đi kiểm tra thực tế tại Cảng Nghi Sơn, các bến cảng đang đầu tư xây dựng của Công ty CP Gang thép Nghi Sơn và lắng nghe ý kiến của các ngành, nhà thầu về những thuận lợi, khó khăn trong công tác đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng cảng biển. Đồng chí Nguyễn Văn Công, Thứ trưởng Bộ GTVT đánh giá cao sự nỗ lực của tỉnh Thanh Hóa trong thu hút đầu tư xây dựng các bến cảng. Nhờ đó, hàng hóa thông qua cảng thuận tiện hơn và là một trong những địa phương có mức tăng trưởng hàng hóa thông qua cảng biển cao trong cả nước.
Trong thời gian tới, do nhu cầu phát triển của Khu Kinh tế Nghi Sơn và tỉnh Thanh Hóa nên tốc độ hàng hóa thông qua cảng tăng trưởng mạnh, đồng chí Thứ trưởng Bộ GTVT đề nghị tỉnh Thanh Hóa sớm đầu tư xây dựng hoàn thiện đường vào cảng Nghi Sơn; các doanh nghiệp khai thác cảng biển đầu tư công nghệ hiện đại phục vụ bốc xếp hàng hóa; các doanh nghiệp đầu tư triển khai nạo vẹt luồng lạch phải thực hiện theo cam kết; Sở GTVT, Cảng vụ Hàng hải kiểm soát chặt chẽ tải trọng hàng hóa ra vào cảng. Tỉnh Thanh Hóa và các nhà đầu tư cần phối hợp với các bộ ngành lập dự án, quy mô, phạm vi thực hiện cho các bến cảng chưa có chủ trương đầu tư để xin chấp thuận đầu tư. UBND tỉnh phải tổ chức quy hoạch xây dựng bến cá cho ngư dân neo đậu, bảo đảm an toàn hàng hải khu vực cảng Nghi Sơn. Đồng chí Thứ trưởng Bộ GTVT cũng chấp thuận ý kiến của UBND tỉnh Thanh Hóa về điều chỉnh quy hoạch tổng thể cảng Lễ Môn đến năm 2020, định hướng đến năm 2030.