Các tuyến buýt đường thủy được điều hành bởi Cơ quan quá cảnh New Jersey và Cơ quan du lịch buýt đường thủy New York, với các điểm dừng chính dọc sông Hudson (New York), nối với các con phố trung tâm như: Wall, Vesey… Các tuyến buýt đường thủy gồm: 156R, 158 và 159R, giúp rút ngắn thời gian di chuyển giữa New Jersey và New York. Giám đốc Cơ quan đường thủy New York cho rằng, đây là sự hợp tác chiến lược mang tầm nhìn xa giữa New York và New Jersey, giúp cư dân không bị mắc kẹt trong các giờ giao thông cao điểm.
Thay vì mất ít nhất 1 giờ đồng hồ di chuyển bằng xe hơi hoặc xe buýt thông thường trong giờ cao điểm trên những tuyến phố sầm uất ở New York, với tuyến buýt đường thủy, du khách chỉ mất khoảng 22-25 phút. Vé tháng cho một tuyến buýt đường thủy ở New York từ 191-229 USD nếu cập Bến West 39th Street và 254-273 USD nếu cập bến Lower Manhattan.
Tại Thái Lan, xe buýt đường thủy từng có “thâm niên” hoạt động hàng chục năm trên sông Chaopraya, rất thuận tiện cho hoạt động đi lại của người dân lẫn du khách tham quan, giá vé loại xe buýt này rẻ hơn so với các phương tiện khác, lại linh hoạt theo từng chặng, tuyến đường.
Toàn bộ tuyến buýt đường thủy này có hơn 30 bến đỗ dọc hai bên bờ sông. Các bến có tên riêng và ký hiệu bằng số thứ tự, ví dụ: Nonthaburi (N30) là bến tên Nonthaburi, số 30, hướng Bắc; Wat Rajsingkorn (S3) là bến tên Wat Rajsingkorn số 3 hướng Nam. Các bến xe buýt đường thủy được thiết kế nổi theo mực nước, đồng bộ với thân tàu, các xe buýt cũng cập/rời bến rất nhanh, thuận tiện không kém xe buýt đường bộ.
Ngoài ra, các nước trên thế giới như: Hà Lan, Hàn Quốc còn đưa loại hình dịch vụ “Wonder Bus” (xe buýt chạy dưới nước) vào hoạt động, loại xe này có thể vừa chạy trên đường bộ, vừa chạy dưới nước, trên xe có đầy đủ thiết bị và dịch vụ như: vệ sinh, TV hay phục vụ ăn uống… Năm 2010, một công ty tại bang California (Mỹ) chế tạo chiếc WaterCar. Nó trở thành chiếc Amphibious nhanh nhất thế giới với tốc độ trên cạn đạt 204 km/h, dưới nước đạt 96 km/h.