Thứ trưởng Lê Đình Thọ làm việc với Cục Đường thủy nội địa Việt Nam

Thứ ba, 28/06/2016 13:55

Sáng 28/6, tại Bộ GTVT, Thứ trưởng Lê Đình Thọ đã chủ trì buổi làm việc với Cục Đường thủy nội địa (ĐTNĐ) Việt Nam và các đơn vị liên quan về bố trí nguồn vốn ngân sách, kêu gọi đầu tư cho đổi mới và thúc đẩy phát triển lĩnh vực đường thủy nội địa.

Theo Phó Cục trưởng Cục ĐTNĐ Việt Nam Trần Đức Hải, hiện tại hệ thống cảng, bến thủy nội địa phát triển nhanh nhưng thiếu các cảng đầu mối, khai thác không hiệu quả trong khi nhu cầu bốc xếp hàng hóa gia tăng. Bên cạnh đó, số lượng cảng, bến tạm, bến không cho phép tăng lên qúa nhiều. Chất lượng đầu tư thấp, quy mô nhỏ, tổ chức khai thác không chuyên nghiệp, thiếu các trang thiết bị bốc xếp chuyên dụng đã gây nhiều khó khăn cho công tác quản lý nhà nước, nguy cơ mất an toàn giao thông cao ảnh hưởng xấu đến môi trường phát triển.

Phó Cục trưởng Cục ĐTNĐ Việt Nam Trần Đức Hải trình bày báo cáo

Do những hạn chế về thiết bị bốc dỡ, dịch vụ sau cảng, thời gian lưu thông hàng hóa dài, thiếu độ tin cậy nên dẫn đến giá vận tải thủy cao hơn so với thực tế, tồn tại nhiều loại phụ phí, chi phí không chính thức liên quan... Sự dư thừa phương tiện giao thông đường bộ trong những năm gần đây dẫn đến giá nhiên liệu giảm sâu, sự phát triển của hệ thống đường bộ cũng đưa giá vận tải đường bộ cạnh tranh cao với giá vận tải thủy.

Mục tiêu đề ra đến năm 2020, sản lượng hàng hóa liên tỉnh trên đường thủy nội địa đạt 356 triệu tấn/năm, thị phần vận tải chiếm 32,38%; vận tải hành khách liên tỉnh đạt khoảng 0,17% khối lượng vận tải toàn ngành. Phấn đấu đến năm 2020 có khoảng 160 cảng hàng hóa đưa vào khai thác, sản lượng hàng hóa đạt khoảng 92 triệu tấn, có hơn 30 cảng hành khách đưa vào hoạt động, đạt trên 30 triệu lượt khách/năm.

Về hạ tầng luồng tuyến, khu vực phía Bắc đến nay mới cải tạo, nâng cấp được 7/17 tuyến với chiều dài 949,5km trên tổng số chiều dài cần nâng cấp là 2.265,5km (41%). Miền Trung mới cải tạo, nâng cấp được 1/10 tuyến, 63,5km trên tổng số chiều dài cần nâng cấp là 480,5km (13%). Khu vực phía Nam mới cải tạo được 9/18 tuyến với chiều dài 2.303,9 km trên tổng số 3.426,4 km (67%).

Mục tiêu phát triển kết cấu hạ tầng đến năm 2020, xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ, tập trung cải tạo, nâng cấp các tuyến chính, ưu tiên hoàn thành nâng cấp các tuyến kết nối, tăng cường đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng ĐTNĐ. Đồng thời, hoàn thành 253km hành lang đường thủy qua Đồng Tháp Mười và Tứ giác Long Xuyên, 148km hành lang duyên hải phía Nam Đồng bằng sông Cửu Long, 250km hành lang đường thủy Quảng Ninh - Việt Trì qua sông Đuống, 180km hành lang đường thủy qua sông Ninh Cơ. Tiến hành cải tạo, nâng cấp 6 tuyến vận tải thủy gồm: Tuyến vùng hồ Sơn La, tuyến Vũng Tàu - Thị Vải -  Sài Gòn - Mỹ Tho - Cần Thơ, tuyến sông Đồng Nai, tuyến Kênh Chợ Gạo giai đoạn II, sông Hàm Luông, sông Sài Gòn đoạn từ cầu đường sắt Bình Lợi đến cảng Bến Súc.

Sau khi nghe đại diện các đơn vị cùng trao đổi, thảo luận các vấn đề liên quan, kết luận buổi làm việc, Thứ trưởng Lê Đình Thọ đề nghị Ban lãnh đạo Cục ĐTNĐ cùng lãnh đạo các Phòng, Ban phải chịu trách nhiệm về công tác tái cơ cấu Cục ĐTNĐ Việt Nam, phải thảo luận kỹ lưỡng, đạt được sự đồng thuận trong các giải pháp thực hiện từ nay đến 2020.

Tàu vận tải hàng hóa trên tuyến hành lang đường thủy nội địa số 2
(Ảnh: Báo Giao thông)

Trên cơ sở các ý kiến của các Vụ, Cục, Thứ trưởng yêu cầu Cục ĐTNĐ cần tiếp thu, lồng ghép vào xây dựng kế hoạch, nhiệm vụ phát triển của Cục trong thời gian tới. Đồng thời, các Vụ, cơ quan tham mưu tiếp tục hỗ trợ cho Cục ĐTNĐ về vấn đề tái cơ cấu và đổi mới tư duy, cách thức thực hiện nhiệm vụ.

Thứ trưởng cũng yêu cầu lãnh đạo Cục chuẩn bị lại những nội dung cụ thể, đi vào thực tiễn; rà soát lại cách làm hiện tại, đánh giá lại vì sao về KCHT, phương tiện, tổ chức con người hiện có mà đường thủy nội địa không phát huy được lợi thế. Hiện tại, Thứ trưởng đánh giá Cục ĐTNĐ Việt Nam đang đối mặt với 02 điểm nghẽn cụ thể là thủ tục hành chính và quy chế phối hợp của các cơ quan.

Thứ trưởng cho rằng, Cục ĐTNĐ cần hạn chế các quy hoạch chi tiết. Sau khi ban hành các Quy hoạch tổng thể, cần quy định cụ thể nhiệm vụ của Cục làm gì, địa phương làm gì, tránh làm nhiều quy hoạch không cần thiết. Thứ trưởng đề nghị Cục hình thành một Tổ xây dựng cơ chế chính sách để huy động các nguồn lực đầu tư cho ĐTNĐ trên cơ sở đặc thù của ĐTNĐ và các cơ chế hiện có. Cục cũng cần rà lại kế hoạch, lựa chọn một số dự án trọng điểm, có danh mục cụ thể đối chiếu với cơ chế chính sách nói trên để triển khai thực hiện…


KC

Tìm theo ngày :

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)
  
Khách online:209141
Lượt truy cập: 176.376.063