Nâng cao chất lượng xây dựng quy hoạch phát triển giao thông vận tải đường thủy nội địa

Thứ sáu, 08/07/2016 10:35

Sáng 8/7, Thứ trưởng Lê Đình Thọ đã làm việc với Cục Đường thủy nội địa (ĐTNĐ) Việt Nam và các đơn vị liên quan nhằm đánh giá hiện trạng quy hoạch phát triển giao thông vận tải đường thủy nội địa.

Lãnh đạo Cục ĐTNĐ Việt Nam cho biết, trong những năm qua Cục đã lập và điều chỉnh Quy hoạch tổng thể phát triển giao thông vận tải đường thủy nội địa đến năm 2020, định hướng đến năm 2030. Cụ thể, Quy hoạch này được phê duyệt lần đầu tại Quyết định số 16/2000/QĐ-TTg ngày 03/02/2000. Sau đó được điều chỉnh, bổ sung lần lượt vào năm 2008, 2013 và 2015.

Đại diện Cục ĐTNĐ Việt Nam trình bày báo cáo tại buổi làm việc

Các quy hoạch chi tiết phát triển các lĩnh vực gồm: Quy hoạch chi tiết Hệ thống cảng thủy nội địa từng khu vực phía Bắc; Quy hoạch phát triển đội tàu vận tải thủy nội địa; Quy hoạch phát triển các cửa sông phục vụ vận tải thủy nội địa; Quy hoạch vị trí neo đậu phương tiện thủy nội địa chờ ra, vào cảng, bến thủy nội địa.

Các mục tiêu phát triển cụ thể đến năm 2020 của quy hoạch đã được phê duyệt gồm: Về phát triển vận tải, sản lượng hàng hóa vận tải trên đường thủy nội địa đến năm 2020 hàng hóa liên tỉnh đạt 356 triệu tấn/năm, thị phần vận tải chiếm 32,38%; vận tải hành khách liên tỉnh đạt khoảng 0,17% khối lượng vận tải toàn ngành; nâng cao chất lượng dịch vụ vận tải và giảm chi phí vận tải.

Đến năm 2020, tổng trọng tải đội tàu hàng là 20-22 triệu tấn và tàu chở khách là 780 nghìn ghế. Phát triển phương tiện thủy nội địa theo hướng cơ cấu hợp lý: đội tàu lai dắt chiếm khoảng 30%, đội tàu tự hành chiếm khoảng 70%, ưu tiên phát triển đội tàu chở công ten nơ. Phát triển vận tải sông pha biển (VR-SB): đến năm 2020 tổng khối lượng vận chuyển hàng hóa trên tuyến ven biển là 17,1 triệu tấn...

Tính đến nay, Cục đã đầu tư nâng cấp hệ thống các tuyến vận tải chính. Cụ thể: Khu vực phía Bắc đã cải tạo, nâng cấp được 7/17 tuyến với chiều dài 949,5km trên tổng số chiều dài cần nâng cấp là 2.265,5km (41%). Miền Trung cải tạo, nâng cấp được 1/10 tuyến, 63,5km trên tổng số chiều dài cần nâng cấp là 480,5km (13%). Khu vực phía Nam cải tạo được 9/18 tuyến với chiều dài 2.303,9 km trên tổng số 3.426,4 km (67%).

Nguồn vốn bảo trì từ năm 2010-2015 mới đáp ứng được 60% nhu cầu . Hệ thống cảng khu vực phía Bắc mới đạt được 64% quy hoạch, năng lực hàng hóa thông qua cảng mới đạt 54% so với quy hoạch. Khu vực phía Nam số cảng được đầu tư xây dựng mới đạt 56%, năng lực hàng hóa thông qua đạt 88% so với quy hoạch.

Cục ĐTNĐ cũng đưa ra kế hoạch xây dựng quy hoạch phát triển GTVT Đường thủy nội địa. Cụ thể, giai đoạn 2016-2017, hoàn thành điều chỉnh quy hoạch chi tiết các lĩnh vực cảng bến thủy nội địa, quy hoạch khai thác cửa sông, quy hoạch neo đậu tàu ra vào cảng, tránh bão lũ. Giai đoạn 2017-2018, hoàn thành quy hoạch tổng thể phát triển GTVT ĐTNĐ đến năm 2020, định hướng đến năm 2030. Năm 2018-2020 triển khai đầu tư giai đoạn I các dự án mang tính đột phá về sơ sở hạ tầng giao thông ĐTNĐ, hiện đại hóa trong công tác quản lý ngành.

Sau khi nghe các đơn vị, cơ quan tham mưu cùng trao đổi, thảo luận những vấn đề liên quan đến các quy hoạch GTVT ĐTNĐ, kết luận buổi làm việc, Thứ trưởng Lê Đình Thọ nhấn mạnh sự cần thiết phải lập Quy hoạch phát triển Kết cấu hạ tầng (KCHT) ĐTNĐ một cách khoa học, chi tiết, phù hợp với điều kiện mới. Thứ trưởng giao Công ty Cổ phần tư vấn thiết kế xây dựng Giao thông thủy (TEDI WECCO)  chủ trì phối hợp với Viện Chiến lược và Phát triển GTVT cùng các đơn vị tư vấn liên quan cùng xây dựng và hoàn thiện.

Thứ trưởng Lê Đình Thọ đề nghị Cục ĐTNĐ cần xây dựng quy hoạch chất lượng, mang tính chiến lược

"Trong quá trình xây dựng Quy hoạch phát triển KCHT ĐTNĐ phải chi tiết, rõ ràng, rành mạch, coi đây là cây gậy để ĐTNĐ phát triển trong thời gian tới, để xây dựng các kế hoạch ngắn hạn, trung hạn dài hạn cũng như việc chấp thuận các chủ trương đầu tư dự án sau này", Thứ trưởng Lê Đình Thọ yêu cầu.

Thứ trưởng giao Vụ Kế hoạch đầu tư làm tờ trình đưa Quy hoạch trên vào kế hoạch chương trình xây dựng văn bản QPPL năm 2017, báo cáo Thủ tướng Chính phủ phê duyệt trong Quý I/2017.

Thứ trưởng lưu ý các đơn vị cần rà soát kỹ đề cương chi tiết, đề cương dự toán liên quan đến kết cấu hạ tầng, phương tiện, dự báo hàng hóa, cân nhắc quy hoạch hệ thống thủy điện, luồng tuyến vận tải lòng hồ, vấn đề kết nối khu vực...

"Trên cơ sở nghiên cứu thật kỹ các quy hoạch phát triển của ngành GTVT, quy hoạch phát triển kinh tế xã hội của đất nước và các quy hoạch của các địa phương, TEDI WECCO cần phối hợp, thảo luận với các đơn vị liên quan xây dựng được quy hoạch chất lượng, mang tính chiến lược, nêu cụ thể từng nhóm giải pháp để tổ chức triển khai gồm con người, khoa học công nghệ, cơ chế chính sách để huy động nguồn lực và đặc biệt là phải có các báo cáo đầy đủ về mô hình đầu tư theo hình thức hợp tác công tư (PPP) trong lĩnh vực đường thủy nội địa", Thứ trưởng Lê Đình Thọ yêu cầu.

KC

Tìm theo ngày :

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)
  
Khách online:184180
Lượt truy cập: 176.252.269