Thứ trưởng Lê Đình Thọ nghe báo cáo về công nghệ cào bóc tái chế tại hiện trường
Theo đại diện lãnh đạo Vụ KHCN Bộ GTVT cho biết, hiện nay hệ thống giao thông đường bộ Việt Nam có tổng chiều dài khoảng 280.000 km. Trong đó đường cao tốc có chiều dài khoảng 700 km, quốc lộ có chiều dài gần 17.000 km và đường tỉnh trên 25.000km. Do đó, hàng năm cần nguồn vốn đầu tư rất lớn để duy tu, bảo trì. Tuy nhiên, thực tế hiện nay do khả năng nguồn vốn ngân sách đầu tư còn hạn hẹp (chỉ đáp ứng được khoảng 40% yêu cầu) nên nhiều tuyến đường không được duy tu, bảo trì kịp thời đã bị xuống cấp nhanh chóng.
Thực hiện chủ trương hiện đại hóa hệ thống kết cấu hạ tầng GTVT, trong những năm qua, Lãnh đạo Bộ GTVT đã chỉ đạo các cơ quan, đơn vị có liên quan tập trung nghiên cứu, ứng dụng thành công nhiều công nghệ mới, vật liệu mới của nước ngoài vào trong xây dựng, duy tu bảo trì các công trình giao thông ở Việt Nam đem lại hiệu quả về kinh tế - kỹ thuật.
Thứ trưởng Lê Đình Thọ kiểm tra việc thi công cào bóc tái sinh nguội các lớp kết cấu áo đường
“Công nghệ cào bóc tái sinh nguội các lớp kết cấu áo đường là một trong những công nghệ hiện đại, cơ giới hóa cao, đã được áp dụng phổ biến trong các dự án sửa chữa, nâng cấp các công trình đường bộ trên thế giới. Thời gian qua, Bộ GTVT đã chỉ đạo nghiên cứu, triển khai áp dụng thí điểm một số công nghệ tái sinh nguội mặt đường, trong đó có công nghệ của hãng Writgen (Đức), hãng HallBrother (Mỹ) và của hãng Sakai (Nhật Bản)”, đại diện Vụ KHCN Bộ GTVT cho biết.
Đại diện Vụ KHCN cũng cho biết thêm, ngày 12/11/2012, Bộ trưởng Bộ GTVT đã có Quyết định thành lập Ban Chỉ đạo thí điểm ứng dụng công nghệ cào bóc tái sinh nguội. Ban Chỉ đạo có trách nhiệm chỉ đạo toàn diện các nội dung có liên quan đến việc triển khai ứng dụng thí điểm trên diện rộng công nghệ cào bóc tái sinh nguội tại dự án cải tạo, khôi phục mặt đường Quốc lộ 5 thành công và đáp ứng các yêu cầu đề ra bằng áp dụng 2 công nghệ của hãng Writgen (Đức), hãng HallBrother (Mỹ).
Trên cơ sở tổng kết đánh giá kết quả đạt được tại dự án, Bộ GTVT đã ban hành Quyết định số 3552/QĐ-BGTVT ngày 22/9/2014 ban hành chính thức Quy định kỹ thuật thiết kế, thi công và nghiệm thu lớp tái sinh nguội tại chỗ bằng bitum bọt và xi măng trong kết cấu đường ô tô (theo công nghệ của hãng Writgen – CHLB.Đức). Bên cạnh đó, Bộ GTVT đã phối hợp với Bộ Xây dựng ban hành cơ chế chính sách và định mức đơn giá để làm cơ sở áp dụng rộng rãi các công nghệ này trong cải tạo, nâng cấp hệ thống đường bộ ở Việt Nam.
Công nghệ tái sinhnguooij tại chỗ bằng bitum bọt và xi măng được triển khai tại nhiều Dự án giao thông
Đến nay, Công nghệ tái sinh nguội tại chỗ bằng bitum bọt và xi măng trong kết cấu đường ô tô (theo công nghệ của hãng Writgen – CHLB.Đức) đã được Bộ GTVT cho phép triển khai áp dụng và đã hoàn thành đưa vào khai thác tại nhiều dự án như: Dự án sửa chữa QL5 – thành phố Hải Phòng; dự án sửa chữa QL38 – tỉnh Hà Nam; dự án sửa chữa QL1 thuộc địa bàn thành phố HCM; dự án đầu tư xây dựng mở rộng QL1 đoạn qua địa bàn tỉnh Phú Yên, Bình Định và Ninh Thuận; dự án đầu tư xây dựng QL48; dự án sửa chữa QL4E, tỉnh Lào Cai; Quốc lộ 1 đoạn tuyến tránh Vinh…
Bên cạnh đó, hiện nay đã có một số đơn vị sở hữu, nắm bắt và làm chủ dây chuyền công nghệ tái sinh nguội tại chỗ mặt đường do hãng Writgen chuyển giao (CIENCO 4, Công ty TNHH Infrasol, Công ty TNHH Công trình giao thông Sài Gòn, Công ty Cổ phần ROADCO…).
Qua kết quả đạt được tại các dự án đã được triển khai áp dụng công nghệ tái sinh nguội tại chỗ mặt đường nêu trên, chúng ta có thể thấy rằng công nghệ này có nhiều ưu điểm như xử lý sâu và triệt để hư hỏng mặt đường cũ. Sau tái sinh, cường độ mặt đường (mô đun đàn hồi) trên mặt đường đạt rất cao; Giá thành giảm so với phương án truyền thống; Hạn chế nâng cao độ mặt đường; Tiến độ thi công nhanh hơn rất nhiều so với phương án truyền thống; Thân thiện với môi trường…
Đại diện Tập đoàn Trường Thịnh nhận chiếc chìa khóa
biểu tượng của công nghệ do đại diện Hãng Writgen chuyển giao
“Đặc biệt, trong thời gian vừa qua, Bộ GTVT đã cho phép triển khai thí điểm áp dụng trong công tác sửa chữa, khắc phục hư hỏng hằn lún vệt bánh xe mặt đường BTN, bước đầu đã được kết quả rất tốt”, đại diện Vụ KHCN cho biết.
Phát biểu chỉ đạo tại buổi Lễ, Thứ trưởng Lê Đình Thọ đánh giá cao việc chuyển giao công nghệ cào bóc tái sinh nguội mặt đường giữa Tập đoàn Trường Thịnh và Hãng Writgen (CHLB Đức).
“Điều này, cho thấy Tập đoàn Trường Thịnh đã rất chú trọng trong việc ứng dụng khoa học công nghệ vào trong sản xuất, nhằm nâng cao năng lực sản xuất, nâng cao hiệu quả sản xuất của doanh nghiệp và giảm giá thành sản phẩm, đem lại nhiều lợi ích cho quá trình phát triển của doanh nghiệp và ngành GTVT. Đồng thời, Tập đoàn Trường Thịnh và Hãng Writgen (CHLB Đức) cũng đã góp phần vào việc triển khai thực hiện thành công “Chiến lược phát triển khoa học công nghệ ngành GTVT giai đoạn 2014-20120 và định hướng đến năm 2030” và “Đề án Tăng cường ứng dụng khoa học công nghệ trong công tác quản lý chất lượng xây dựng, khai thác và bảo trì kết cấu hạ tầng giao thông giai đoạn 2013-2202” của Bộ GTVT ban hành”, Thứ trưởng Lê Đình Thọ nhấn mạnh.
Thứ trưởng chỉ đạo tại Lễ chuyển giao
Qua đó, Thứ trưởng Lê Đình Thọ cũng yêu cầu Hãng Writgen tạo điều kiện hỗ trợ tối đa về mọi mặt cho Tập đoàn Trường Thịnh trong quá trình chuyển giao công nghệ cào bóc tái sinh nguội mặt đường, đặc biệt cử các chuyên gia giàu kinh nghiệm, có trình độ chuyên sâu sang Việt Nam để đào tạo, phối hợp với cán bộ, công nhân kỹ thuật của Tập đoàn Trường Thịnh trong quá trình chuyển giao công nghệ, đảm bảo trong thời gian ngắn nhất các cán bộ, công nhân kỹ thuật của Tập đoàn Trường Thịnh tiếp nhận, nắm bắt và làm chủ hoàn toàn dây truyền công nghệ do Hãng Writgen chuyển giao, từ đó có thể chủ động triển khai thi công công nghệ cào bóc tái sinh nguội mặt đường độc lập tại các dự án ở Việt Nam.
Thứ trưởng Lê Đình Thọ cũng giao nhiệm vụ cho Vụ KHCN, Tổng cục Đường bộ Việt Nam, Cục Quản lý xây dựng và CLCLGT, Viện KH&CN GTVT và các cơ quan, đơn vị có liên quan phối hợp và hỗ trợ Tập đoàn Trường Thịnh và Hãng Writgen trong quá trình thực hiện chuyển giao công nghệ; tiếp tục xây dựng hoàn thiện hệ thống tiêu chuẩn, quy định kỹ thuật, cơ chế chính sách và định mức đơn giá để làm cơ sở áp dụng rộng rãi hơn nữa công nghệ này trong công tác xây dựng, cải tạo, nâng cấp hệ thống đường bộ ở Việt Nam.
H.L