Đoàn công tác nghe báo cáo tại hiện trường
Được biết, Dự án này đã bắt đầu được đưa vào chương trình chuẩn bị cho nghiên cứu khả thi từ năm 2015. Sau đó, Tổng công ty Tư vấn thiết kế GTVT (Tedi) đã lập báo cáo nghiên cứu tiền khả thi dự án đường cao tốc Viêng Chăn - Hà Nội dài khoảng 760 km, đi theo lộ trình thủ đô Viêng Chăn – Pắc San – Thanh Thủy (Nghệ An) – Hà Nội.
Đề án kết nối GTVT Việt Nam - Lào bao gồm cả đường cao tốc từ Viêng Chăn đến Hà Nội có thể kết nối thông qua 6 cặp cửa khẩu gồm: Lóng Sập – Pa Háng; Na Mèo – Nậm Xôi; Khẹo – Ta Lấu; Nậm Căn – Nặm Cắn; Thanh Thủy – Nậm On; Cầu Treo – Nậm Phao.
Để hình thành tuyến đường ngắn nhất theo tiêu chuẩn đường cao tốc, qua xem xét các phương án kết nối qua các cửa khẩu được đề xuất, sau khi khảo sát, hai Bên cho rằng cần tập trung nghiên cứu hướng kết nối từ Viêng Chăn đến Hà Nội qua cặp cửa khẩu Thanh Thủy (tỉnh Nghệ An) - Nậm On (tỉnh BolyKhămxay).
Trên cơ sở hướng tuyến đã thống nhất, dự án sẽ được nghiên cứu khả thi và phân kỳ đầu tư cho phù hợp. Dự kiến, sau khi thống nhất được hướng tuyến với phía Lào, Bộ GTVT Việt Nam sẽ phối hợp với Bộ CC&VT Lào để thực hiện các công việc tiếp theo.
Cao tốc Viêng Chăn – Hà Nội khi hoàn thành sẽ đóng góp vào sự vận chuyển hàng hóa và con người qua lại giữa biên giới Việt Nam – Lào và đóng góp vào kết nối thuận lợi với các thủ đô Bangkok của Thái Lan và Naypydaw của Myanmar.
Dự kiến, Đoàn công tác sẽ tiếp tục các ngày làm việc tại Nghệ An, Hà Tĩnh về các nội dung như: khảo sát Hướng tuyến đường cao tốc và phân kỳ đầu tư cụ thể cho các đoạn cả trên lãnh thổ Lào và Việt Nam; Tìm hiểu khó khăn, giải pháp tạo thuận lợi cho hàng hóa quá cảnh qua cảng Vũng Áng...
Vụ HTQT