Bộ trưởng Trương Quang Nghĩa phát biểu tại buổi làm việc
Ông Dương Văn Thắng, Phó chủ tịch UBND tỉnh Tây Ninh kiến nghị Bộ GTVT sớm triển khai nâng cấp QL22B vì tuyến đường này đã xuống cấp nghiêm trọng. Hình thức thực hiện dự án này là BOT. Sau khi kết thúc thời hạn thực hiện dự án BOT, đề nghị Bộ ủy thác cho tỉnh Tây Ninh quản lý, khai thác, quản lý, bảo trì.
Trong thời gian chờ lập các thủ tục đầu tư tuyến đường này, tỉnh Tây Ninh đề nghị Bộ GTVT tiến hành sửa chữa hư hỏng mặt đường để đảm bảo ATGT. Gia cường nâng tải trọng cầu Cần Đăng (thị trấn Tân Biên) do cầu này chỉ có tải trọng 25 tấn, không đáp ứng nhu cầu vận tải hàng hóa từ Việt Nam đi Campuchia (qua cửa khẩu Xa Mát và Chàng Riệc) và ngược lại.
Để đáp ứng nhu cầu vận tải đường bộ tiếp tục tăng cao trong thời gian tới, UBND tỉnh cũng đề nghị Bộ GTVT sớm đầu tư Dự án cao tốc TP.HCM-Mộc Bài. Đây là tuyến đường huyết mạch kết nối TP.HCM với thủ đô Phnom-Penh của Campuchia và các nước trên hành lang Xuyên Á. Hiện nay Chính phủ Campuchia đang cắm mốc, chuẩn bị đầu tư đường cao tốc đến biên giới hai nước.
Lãnh đạo tỉnh Tây Ninh kiến nghị Bộ GTVT tiếp tục đầu tư Dự án QL22B
có điểm đầu tại ngã ba Gò Dầu đến cửa khẩu Xa Mát.
Ngoài ra, tỉnh cũng đề nghị bổ sung vào quy hoạch phát triển mạng lưới cao tốc Việt Nam đến năm 2020 và định hướng đến năm 2030 tuyến đường cao tốc Gò Dầu-TP. Tây Ninh-Xa Mát. Kết nối với tuyến cao tốc TP.HCM-Mộc Bài tại Gò Dầu. Sớm triển khai thi công hoàn chỉnh giai đoạn 1 Dự án đường Hồ Chí Minh.
Riêng tuyến giao thông thủy trên sông Sài Gòn, UNBD tỉnh Tây Ninh đề nghị Bộ GTVT có giải pháp nâng cao tĩnh không thông thuyền cầu Bến Lức (tĩnh không thuyền 4m) trên QL1 (cầu cũ) để tăng năng lực vận tải đường thủy đoạn Sài Gòn-Bến Kéo. Cải tạo lại “điểm đen” nút giao thông tại Km 38+650 QL22 (đường Xuyên Á).
Kết luận tại buổi làm việc, Bộ trưởng Bộ GTVT Trương Quang Nghĩa đánh giá cao những nỗ lực và thành quả kinh tế-xã hội của tỉnh Tây Ninh trong những năm qua. Thống nhất và đồng tình với UBND tỉnh Tây Ninh về xây dựng Dự án tuyến cao tốc Gò Dầu-Xa Mát, Bộ trưởng cho biết Bộ sẽ kiến nghị Thủ tướng Chính phủ bổ sung vào quy hoạch. Đối với Dự án nâng cấp cải tạo QL22B, tỉnh Tây Ninh cần bố trí vốn sửa chữa, nâng cấp tải trọng cầu Cần Đăng, sau đó, Bộ GTVT bố trí hoàn vốn trả lại cho địa phương.
"Tuyến QL22B xuống cấp gây khó khăn cho việc đi lại của người dân trong khi ngân sách của tỉnh còn khó khăn thì đầu tư BOT là một trong những giải pháp. Tuy nhiên, tuyến đường này đã xuống cấp cần đại tu sửa chữa chứ không trải lại mặt đường theo hình thức BOT", Bộ trưởng Trương Quang Nghĩa nói.
Lý giải về việc không đầu tư tuyến QL22B theo hình thức BOT, Bộ trưởng Trương Quang Nghĩa cho biết qua đánh giá 5 năm đầu tư các dự án BOT, bên cạnh những hiệu quả tích cực thì vẫn còn tồn tại nhiều vấn đề cần rút kinh nghiệm. Trong đó có việc không nên đầu tư BOT với các tuyến đường độc đạo vì người dân không có sự lựa chọn khác ngoài việc bắt buộc phải đi đường trả phí.
Bộ trưởng Bộ GTVT Trương Quang Nghĩa cho biết thời gian tới Bộ sẽ tiếp tục thực hiện các dự án BOT.
Bộ trưởng Trương Quang Nghĩa khẳng định trong thời gian tới, Bộ GTVT tiếp tục thực hiện các dự án đầu tư BOT. Tuy nhiên BOT phải đảm bảo các vấn đề về tính cấp bách đem lại hiệu quả kinh tế, xã hội, các dự án BOT phải là đường mới, không ảnh hưởng đến sự lựa chọn của người dân. Quá trình đầu tư phải minh bạch trong sự lựa chọn nhà đầu tư, giám sát dự án, minh bạch trong thu phí...
Đối với các kiến nghị còn lại, Bộ trưởng Trương Quang Nghĩa giao các Cục, Vụ, Tổng cục Đường bộ VN, Cục Đường thuỷ nội địa VN xem xét để có hướng xử lý thích hợp.
Tại cuộc họp, ông Khuất Việt Hùng, Phó chủ tịch chuyên trách Ủy ban ATGT Quốc gia đánh giá cao công tác kéo giảm TNGT trên địa bàn tỉnh Tây Ninh. Một trong những giải pháp quan trọng khiến tình hình TNGT được kéo giảm là do cơ quan chức năng tỉnh Tây Ninh đã thực hiện tốt công tác kiểm tra phát hiện và xử lý người tham gia giao thông uống rượu bia khi lái xe.