Bộ trưởng Trương Quang Nghĩa chủ trì cuộc họp.
Theo ông Vũ Anh Minh, Vụ trưởng Vụ Quản lý doanh nghiệp, 02 phương án về tổ chức, quản lý, cơ chế hoạt động của lực lượng kiểm soát an ninh hàng không (ANHK) do Cục Hàng không Việt Nam xây dựng bao gồm phương án 1: Thành lập Công ty TNHH một thành viên Bảo đảm an ninh hàng không thuộc Bộ GTVT; Phương án 2: Phương án rút toàn bộ nguồn lực của Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam - CTCP về an ninh hàng không bao gồm: tài sản, thiết bị, bộ máy điều hành và trên 2.000 người để thành lập mới Công ty TNHH MTV hoặc chuyển về Cảng vụ hàng không theo đề xuất của Cục Hàng không Việt Nam không phù hợp với quy định của Luật Hàng không dân dụng, Luật Doanh nghiệp và các quyết định của Thủ tướng Chính phủ, có thể gây ảnh hưởng tiêu cực đến hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp, đi ngược lại chủ trương tách bạch chức năng quản lý nhà nước với việc cung cấp các dịch vụ công mà Chính phủ và Bộ đang triến khai thực hiện, ảnh hưởng tới quá trình đàm phán bán cổ phần cho đối tác chiến lược hiện nay. Đồng thời phát sinh bộ máy, tăng chi phí ngân sách, làm mất sự ổn định của doanh nghiệp. Do vậy Vụ Quản lý doanh nghiệp cho rằng giữ nguyên lực lượng an ninh hàng không tại ACV theo quy định và kiến nghị của doanh nghiệp, sẽ tạo điều kiện cho ACV ổn định, tiếp tục phát triển sau cổ phần hóa để thực hiện mục tiêu xây dựng kết cấu hạ tầng hàng không đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế xã hội.
Tuần tra đảm bảo an ninh hàng không tại Cảng hàng không Tân Sơn Nhất.
Tuy nhiên ông Lại Xuân Thanh, Cục trưởng Cục Hàng không Việt Nam, cho rằng bảo đảm ANHK gắn liền với đảm bảo an ninh quốc gia, đồng thời theo quy định của ICAO, lực lượng an ninh hàng không phải là lực lượng độc lập, chuyên trách. Do vậy, nếu lực lượng ANHK tiếp tục thuộc ACV sau khi cổ phần hóa công việc này sẽ bị xé lẻ và phụ thuộc vào các nhà đầu tư. Mặt khác an ninh hàng không là một lực lượng bán vũ trang chứ không như các lực lượng bảo vệ thông thường, ngoài nhiệm vụ đảm bảo an ninh trật tự, lực lượng này còn đảm trách cả công tác phòng chống khủng bố trong lĩnh vực hàng không. Với nguồn thu ổn định cho ANHK hiện nay đảm bảo cho lực lượng hoạt động khi chuyển về các cảng vụ hàng không hoặc thành lập một công ty độc lập.
Thứ trưởng Nguyễn Nhật phát biểu tại cuộc họp.
Tại cuộc họp, ngoài hai luồng ý kiến hoặc ủng hộ quan điểm của Vụ Quản lý doanh nghiệp hoặc ủng hộ quan điểm của Cục Hàng không Việt Nam bằng văn bản của các đơn vị thuộc Bộ do Văn phòng Bộ tổng hợp, các ý kiến của các Bộ, ngành do Vụ Vận tải tổng hợp và đại diện ACV, Tổng công ty Quản lý bay, Tổng công ty Hàng không Việt Nam dự cuộc họp đều khẳng định ANHK là một công tác hết sức quan trọng và phải do nhà nước nắm giữ.
Phát biểu tại cuộc họp, Thứ trưởng Nguyễn Nhật nhấn mạnh tất cả các nước trên thế giới lực lượng an ninh hàng không đều do nhà nước nắm giữ và quản lý, hơn nữa, Luật Hàng không dân dụng Việt Nam và Nghị định số 92/2015/NĐ-CP ngày 13/10/2015 của Chính phủ đã nêu rõ: "Lực lượng kiểm soát an ninh hàng không được Bộ Giao thông vận tải chỉ đạo tổ chức để thực hiện các biện pháp bảo đảm an ninh hàng không trong phạm vi trách nhiệm của Bộ Giao thông vận tải" và "Dịch vụ bảo đảm an ninh hàng không là dịch vụ công ích, do Bộ Giao thông vận tải tổ chức cung cấp". Do vậy, Thứ trưởng không thống nhất với các phương án do Cục Hàng không Việt Nam đưa ra cũng như phương án của Vụ Quản lý doanh nghiệp. Thứ trưởng đề nghị thành lập một tổ chức chuyên nghiệp thống nhất trong toàn ngành, bộ máy này phải không làm tăng biên chế, không tăng chi phí nhà nước. Tổ chức này được hình thành dưới dạng công ty TNHH một thành viên 100% vốn nhà nước quản lý thống nhất lĩnh vực ANHK. Sau khi triển khai sẽ xem xét đánh giá xem thuộc ACV hay Cục Hàng không Việt Nam.
Bộ trưởng Trương Quang Nghĩa phát biểu kết luận cuộc họp.
Phát biểu kết luận cuộc họp, Bộ trưởng Trương Quang Nghĩa giao Cục Hàng không Việt Nam, Vụ Quản lý doanh nghiệp phối hợp với Văn phòng Ban cán sự đảng Bộ chuẩn bị lại nội dung để thảo luận, lấy ý kiến trong phiên họp Ban cán sự sắp tới. Trong đó nội dung có đề cập các phương án của Vụ QLDN, phương án của Cục Hàng không Việt Nam, phương án trực thuộc Tổng công ty Quản lý bay Việt Nam. Dù phương án nào cũng phải đảm bảo an ninh hàng không, phù hợp với các nguyên tắc chung của quốc tế và có tính hệ thống cao, chuyên nghiệp.
Bộ trưởng cũng lưu ý các đơn vị trách nhiệm đối với doanh nghiệp vừa phải đảm bảo nguyên tắc bình đẳng giữa các doanh nghiệp, tạo điều kiện cho doanh nghiệp hoạt động kinh doanh trong tất cả các lĩnh vực mà luật không cấm nhưng vẫn thực hiện tốt công tác quản lý nhà nước.
Bộ trưởng cũng đề nghị Tổng công ty Quản lý bay, ACV cũng xem xét có ý kiến về các nội dung này trước phiên họp tháng 9 của Ban Cán sự đảng Bộ.
DT