Bộ trưởng Trương Quang Nghĩa chủ trì cuộc họp.
Báo cáo của Cục Quản lý xây dựng và Chất lượng công trình giao thông cho biết trên toàn tuyến QL1 đoạn Thanh Hóa - Cần Thơ được Bộ GTVT triển khai trong giai đoạn từ năm 2013 đến nay gồm có 39 dự án, trong đó: 19 dự án đầu tư theo hình thức Họp đồng BOT (không bao gồm Dự án hầm đường bộ qua Đèo Cả, tỉnh Phú Yên và Khánh Hòa); 20 dự án đầu tư từ nguồn vốn TPCP. Hiện nay, 39/39 dự án đã hoàn thành, đưa vào khai thác, sử dụng.
Đối với Dự án đường Hồ Chí Minh qua Tây Nguyên và tỉnh Bình Phước được Bộ GTVT triển khai trong giai đoạn từ năm 2013 đến nay gồm có 11 dự án, trong đó: 05 dự án đầu tư theo hình thức Hợp đồng BOT; 06 dự án đầu tư từ nguồn vốn TPCP. Hiện nay, 11/11 dự án cũng đã hoàn thành, đưa vào khai thác, sử dụng.
Tuy nhiên, theo Cục QLXD & CLCTGT, đến nay vẫn còn một số vướng mắc nhỏ tại 13 dự án (10 dự án mở rộng QL1 và 3 dự án đường Hồ Chí Minh) trong đó có 3 dự án vướng mắc GPMB các cửa xả và hạ lưu cống, 4 dự án vướng mặt bằng rải rác tại một vài điểm, 2 dự án vướng mặt bằng trạm thu phí và 4 dự án vướng mắc về tái định cư. Ngoài ra còn một số vướng mắc kinh phí đền bù do thi công làm nứt nhà dân nằm ngoài trách nhiệm của bảo hiểm, việc hoàn trả đường địa phương sử dụng làm đường công vụ cũng như hư hỏng mặt đường tại một số điểm trên hai tuyến đường trên.
Phó cục trưởng Cục QLXD & CLCTGT Dương Viết Roãn báo cáo những tồn tại của dự án
Để giải quyết những tồn tại trên, Cục QLXD & CLCTGT cũng kiến nghị lãnh đạo Bộ GTVT làm việc cụ thể với UBND các tỉnh còn vướng mắc trong công tác GPMB đối với các dự án mở rộng QL1 và đường Hồ Chí Minh qua Tây Nguyên để giải quyết dứt điểm các vướng mắc về công tác GPMB trong tháng 9/2016 cũng như kiến nghị Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo Bộ Tài chính sớm ban hành Thông tư hướng dẫn Nghị định 119/2015/NĐ-CP để áp dụng trong thực tiễn quản lý, trong đó hướng dẫn cụ thể việc bồi thường trách nhiệm dân sự đối với bên thứ ba trong quá trình thi công xây dựng (gồm lún, nứt, đổ nhà ở, công trình của người dân nằm ngoài phạm vi GPMB dự án), đồng thời cho phép sử dụng nguồn kinh phí giải phóng mặt bằng của dự án (được tính trong tổng mức đầu tư) để chi trả đền bù, hỗ trợ cho các hộ dân bị ảnh hưởng trong quá trình thi công (ngoài phần thuộc trách nhiệm của bảo hiểm).
Tại cuộc họp, các đại biểu đã phân tích làm rõ trách nhiệm đối với những tồn tại đã được nêu ra, đồng thời kiến nghị thêm các giải pháp để giải quyết dứt diểm những vấn đề này.
Phát biểu kết luận cuộc họp, Bộ trưởng Trương Quang Nghĩa yêu cầu các Thứ trưởng cũng với các ban QLDA tập trung làm việc với các địa phương để giải quyết dứt điểm vấn đề GPMB thống nhất chốt văn bản cuối cùng để quyết toán số liệu vào ngày 30/9. Đối với vấn đề một số vướng mắc kinh phí đền bù do thi công làm nứt nhà dân Bộ tiếp tục báo cáo Chính phủ để tiếp tục xử lý. Bộ trưởng Trương Quang Nghĩa cũng đề nghị Tổng cục Đường bộ Việt Nam đánh giá trong quá trình khai thác kịp thời yêu cầu các Ban QLDA, các nhà đầu tư có trách nhiệm xử lý vấn đề chất lượng các tuyến đường trong thời kỳ bảo hành. Đối với các dự án BOT cần thực hiện theo đúng hợp đồng đã ký kết, đối với các dự án sử dụng vốn trái phiếu Chính phủ các Ban QLDA, các nhà thầu phải có trách nhiệm chính trong đảm bảo chất lượng tuyến đường trong thời gian bảo hành cũng như hoàn trả các tuyến đường địa phương được sử dụng làm đường công vụ. Trong trường hợp nhà thầu không tự nguyện sửa chữa, Ban QLDA sử dụng các nguồn tài chính mà Ban QLDA đang giữ của nhà thầu, không chỉ là phần tiền bảo hành, để sửa chữa tuyến đường và đưa các nhà thầu không có trách nhiệm đó vào danh sách cấm tham gia các dự án giao thông trong một thời gian.
Bộ trưởng cũng đề nghị các địa phương chia sẻ, phối hợp với các đơn vị của Bộ trong quá trình thực hiện các dự án.
DT