Ông Nguyễn Viết Huy, Phó Vụ trưởng - Phó trưởng Ban PPP cho biết, Dự án xây dựng hầm đường bộ qua Đèo Cả đầu tư theo hình thức BOT, BT đã được Bộ GTVT và Công ty cổ phần đầu tư Đèo Cả (Nhà đầu tư) thực hiện từ năm 2012 với tổng mức đầu tư hơn 15.600 tỷ đồng. Trong quá trình triển khai thực hiện, do điều chỉnh phương án thiết kế về tuyến, kết cấu hầm... với nguyên tắc không làm thay đổi quy mô ban đầu, tổng mức đầu tư của Dự án giảm khoảng 4.225 tỷ đồng.
Thứ trưởng Lê Đình Thọ yêu cầu các cơ quan hoàn chỉnh phương án
tài chính tổng thể Dự án để trình Bộ trong tuần sau (trước ngày 25/9/2016).
Trên cơ sở đó, Bộ GTVT đã báo cáo và được Thủ tướng Chính phủ chấp thuận bổ sung hạng mục hầm Cù Mông và hầm Hải Vân vào Dự án. Đến nay, Bộ GTVT đã phê duyệt điều chỉnh tổng mức đầu tư xây dựng hầm đường bộ Đèo Cả với kinh phí hơn 11.300 tỷ đồng và phê duyệt bổ sung hầm Cù Mông vào Dự án với kinh phí hơn 3.900 tỷ đồng, đồng thời bổ sung hầm Hải Vân với kinh phí gần 7.300 tỷ đồng.
Theo phương án tài chính tổng thể của Dự án do Công ty cổ phần đầu tư Đèo Cả trình ngày 6/9/2016, tổng vốn đầu tư hơn 23.900 tỷ đồng, đầu tư theo hình thức BOT có sự tham gia vốn đầu tư của Nhà nước; gồm 7 trạm thu phí đã được Thủ tướng Chính phủ chấp thuận (Ninh An, Bàn Thạch, Đèo Cả, Cù Mông, Nam Hải Vân, La Sơn - Túy Loan, Phước Tượng - Phú Gia); tính toán vốn chủ sở hữu theo quy định tại Nghị định 15/2015/NĐ-CP của Chính phủ; Nhà đầu tư trình tỷ suất lợi nhuận đối với phần vốn CSH của Nhà đầu tư đối với hầm Đèo Cả, hầm Cù Mông và Hải Vân là 11,5%.
Thứ trưởng Lê Đình Thọ thăm, động viên đơn vị thi công, nhà thầu tại công trường Đèo Cả (7/2016).
Tại cuộc họp, Thứ trưởng Lê Đình Thọ cho biết, thực hiện Văn bản số 70/TTg-KTN ngày 12/01/2016 của Thủ tướng Chính phủ về phương án tài chính tổng thể và kế hoạch sử dụng vốn trái phiếu Chính phủ của Dự án hầm đường bộ qua Đèo Cả, để đẩy nhanh tiến độ thực hiện và giải ngân kế hoạch vốn đầu tư công năm 2016, Bộ GTVT đã xây dựng kế hoạch vốn thanh toán và giải ngân (đến cuối năm 2015 là hơn 300 tỷ đồng, dự kiến năm 2016 khoảng 5.680 tỷ đồng và năm 2017 khoảng 1.066 tỷ đồng).
Để có cơ sở thực hiện, Bộ GTVT đã có văn bản đề nghị Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính thống nhất kế hoạch sử dụng, giải ngân vốn trái phiếu Chính phủ bố trí cho Dự án và hướng dẫn việc giải ngân và thanh, quyết toán phần vốn trái phiếu Chính phủ của Dự án.
Về phương án tài chính, Thứ trưởng cơ bản đồng ý với phương án tài chính tổng thể Dự án xây dựng hầm đường bộ qua Đèo Cả; đồng thời sẽ trình Thủ tướng Chính phủ một số nội dung liên quan đến lãi suất vốn vay theo cơ chế của các dự án đầu tư QL1, QL14 đã được Thủ tướng Chính phủ cho phép tại Văn bản số 979/TTg-KTN ngày 05/7/2013; cho phép sử dụng vốn dư còn lại hỗ trợ ngân sách theo hình thức BOT.
Xuân Nguyên