Bộ trưởng Trương Quang Nghĩa cùng Lãnh đạo Bộ GTVT, UBATGTQG tại buổi làm việc vớiLãnh đạo tỉnh Hà Tĩnh
Báo cáo tóm tắt về tình hình kinh tế xã hội, công tác quản lý nhà nước lĩnh vực GTVT của UBND tỉnh Hà Tĩnh trong giai đoạn 2011- 2015, đại diện lãnh đạo tỉnh Hà Tĩnh cho biết địa phương đã đạt được nhiều kết quả khả quan. Tăng trưởng kinh tế của tỉnh đạt tốc độ cao, bình quân 17,2%/năm.
Chủ tịch UBND tỉnh Hà Tĩnh Đặng Quốc Khánh nêu những kiến nghị của địa phương
Trong công tác quản lý nhà nước lĩnh vực GTVT, Hà Tĩnh cũng đã nỗ lực hoàn thành tốt các nhiệm vụ từ công tác cải cách hành chính, quy hoạch, quản lý quy hoạch hạ tầng giao thông, phát triển dịch vụ vận tải... Tuy nhiên, trong lĩnh vực đảm bảo trật tự ATGT, sau 5 năm liền kéo giảm sâu TNGT, từ năm 2015 đến nay, TNGT ở Hà Tĩnh có chiều hướng gia tăng và diễn biến phức tạp. Thống kê cho thấy 9 tháng năm 2016 xảy ra 153 vụ TNGT làm chết 122 người, bị thương 80 người, so với cùng kỳ năm trước đã tăng 19,5% về số vụ, tăng 11,9% về số người chết, đây là một vấn đề đáng lo ngại đối với địa phương.
Tại cuộc họp, Phó chủ tịch UBND tỉnh Hà Tĩnh, ông Đặng Quốc Vinh đã nêu ra 9 kiến nghị với đoàn công tác Bộ GTVT, như đề nghị Bộ GTVT cho phép xây dựng cầu Cửa Hội bắc qua sông Lam theo phương án cầu dây văng; Cho phép xây dựng QL1 đoạn tránh Đèo Con theo tiêu chuẩn đường cấp III, hoặc sớm xúc tiến đầu tư đường cao tốc Bắc Nam qua đoạn này; Ưu tiên bố trí vốn đầu tư xây dựng hoàn thành đoạn Km37-Km85 QL8A; đưa dự án QL12C đoạn cảng Vũng Áng - tuyến tránh QL1 vào kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016-2020; Ưu tiên đầu tư trước đường cao tốc Bắc Nam đoạn qua Hà Tĩnh; Bố trí kinh phí để quản lý, bảo trì đường tỉnh, sửa chữa một số cầu bị hư hỏng do lụt bão và các “điểm đen” TNGT trên địa bàn...
Trả lời kiến nghị của địa phương về dự án QL8A, QL12C đoạn cảng Vũng Áng - tuyến tránh QL1, ông Nguyễn Hoằng, Vụ trưởng vụ Kế hoạch đầu tư, Bộ GTVT cho biết, với dự án đường QL8A, Bộ GTVT đã tổng hợp nhu cầu đầu tư hoàn thành dự án vào danh mục các dự án sử dụng vốn ngân sách nhà nước trong Kế hoạch đầu tư công, trung hạn giai đoạn 2016-2020 và báo cáo Thủ tướng Chính phủ. Còn dự án QL12C, Bộ GTVT đã có văn bản đề nghị Bộ KH&ĐT, Bộ Tài chính thẩm định và nhận được ý kiến từ các Bộ, cho thấy việc xem xét đầu tư dự án này trong giai đoạn 2016-2020 là hết sức khó khăn. Đường cao tốc Bắc Nam đoạn qua Hà Tĩnh đã được Bộ GTVT nghiên cứu, xây dựng phương án, trong đó có đoạn Bãi Vọt - Vũng Áng đã trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt...
Về dự án cầu Cửa Hội, phía Bộ GTVT cho biết, hiện Ban QLDA 6 đã cơ bản hoàn thiện đề xuất dự án, tuy nhiên chưa thống nhất được với địa phương (Nghệ An và Hà Tĩnh) về quy mô xây dựng cầu. Phương án cầu dây văng có lợi thế hơn về mặt mỹ quan, song kinh phí đầu tư, duy tu, bảo dưỡng sau này lớn. Phương án cầu đúc hẫng có kinh phí đầu tư thấp hơn, trong quá trình triển khai thực hiện có thể áp dụng một số giải pháp nhằm nâng cao kiến trúc mỹ quan cho công trình; phù hợp với điều kiện khai thác và phát triển du lịch.
Bổ sung, Thứ trưởng Bộ GTVT Lê Đình Thọ nhấn mạnh quá trình nghiên cứu tính khả thi, Bộ GTVT nghiêng về phương án đầu tư xây dựng dự án theo hình thức PPP, tức là nhà nước sẽ hỗ trợ một phần và nâng bề rộng mặt cầu lên 16m. Với phương án bề rộng mặt cầu 16m thì xây cầu đúc hẫng, tổng mức đầu tư dự án khoảng 1.200 tỷ đồng, trong đó nhà đầu tư góp vốn khoảng 700 tỷ đồng và hoàn vốn bằng việc thu phí; Nhà nước sẽ hỗ trợ phần còn lại bằng việc sử dụng vốn dư từ dự án cải tạo, nâng cấp QL1.
Lãnh đạo tỉnh Hà Tĩnh kiến nghị xây dựng cầu Cửa Hội theo mô hình cầu dây văng để tạo điểm nhấn về kiến trúc
“Còn xây dựng cầu theo phương án cầu dây văng thì tổng mức sẽ tăng thêm khoảng 500 tỷ đồng, nếu 2 tỉnh Nghệ An và Hà Tĩnh cam kết hỗ trợ bằng ngân sách của địa phương thì Bộ có thể cân nhắc tới phương án này”, Thứ trưởng Thọ nói.
Về dự án xây dựng QL1 đoạn tránh Đèo Con, Bộ GTVT cho biết hiện Bộ KH&ĐT đã trình Thủ tướng Chính phủ bố trí 390 tỷ đồng cho dự án, tương ứng với phương án đầu tư theo quy mô đường cấp IV và sẽ tận dụng làm đường gom cho đường cao tốc Bắc Nam.
Cùng với việc ghi nhận những cố gắng của Hà Tĩnh trong việc phát triển kinh tế xã hội, phát triển hạ tầng giao thông trên địa bàn cũng như các hoạt động vận tải trong thời gian qua, Bộ trưởng Trương Quang Nghĩa đã lưu ý đến 2 dự án trọng điểm của địa phương. Bộ trưởng cho biết đối với cầu Cửa Hội, đây là dự án giao thông quan trọng, cần quan tâm đến tính biểu tượng kiến trúc của cây cầu đối với 2 tỉnh Nghệ An và Hà Tĩnh. Trên cơ sở đó, Bộ sẽ giao cơ quan chuyên môn xây dựng đồng thời 2 phương án cầu bê tông đúc hẫng hoặc cầu dây văng dựa trên cơ sở nguồn vốn và nội lực của địa phương để trình Chính phủ.
Với dự án đường tránh Đèo Con, Bộ trưởng cho rằng cần nghiên cứu phương án đường cao tốc. Việc làm này sẽ góp phần nâng cao hiệu quả đầu tư, giải quyết được nguy cơ tắc nghẽn giao thông khi có sự cố, đồng thời đảm bảo phù hợp với quy mô lớn hơn sau này.
Kết luận buổi làm việc, Bộ trưởng Trương Quang Nghĩa cho rằng Hà Tĩnh là nơi có nhiều dự án lớn sắp triển khai nên địa phương cần quan tâm phát triển toàn diện các phương thức vận tải trên địa bàn, cần chú trọng các phương thức kết nối vận tải đường thủy nhằm giảm tải cho vận tải đường bộ, đồng thời chú trọng công tác đảm bảo trật tự ATGT.