Tại cuộc họp, đại diện Viện Chiến lược & Phát triển GTVT đã trình bày báo cáo Đề án Nâng cao chất lượng VTHKCC bằng xe buýt. Theo đó, loại hình VTHKCC bằng xe buýt là phương thức vận tải công cộng chủ đạo tại các đô thị trong nước, hiện có 57/63 tỉnh thành có hoạt động VTHKCC bằng xe buýt, góp phần kiềm chế tai nạn giao thông, ùn tắc giao thông và giảm phát thải khí nhà kính tại các đô thị lớn.
Trong những năm qua Chính phủ, Bộ GTVT đã ban hành một số giải pháp, chính sách nhằm đẩy mạnh phát triển VTHKCC bằng xe buýt trên toàn quốc. Tuy nhiên, việc triển kahi các giải pháp của Trung ương tại các địa phương chưa được thực hiện đầy đủ và chưa đi sâu vào các giải pháp cụ thể nhằm nâng cao chất lượng mạng lưới (khả năng kết nối, tiếp cận,…) và dịch vụ (phương tiện, công nghệ)…
Việc nghiên cứu Đề án Nâng cao chất lượng VTHKCC bằng xe buýt nhằm xây dựng các giải pháp, chỉ tiêu cụ thể về chất lượng của hoạt động VTHKCC bằng xe buýt là hết sức cần thiết.
Đại diện Viện Chiến lược & Phát triển GTVT trình bày báo cáo Đề án
Đề án nêu ra các tiêu chí đánh giá chất lượng VTHKCC bằng xe buýt gồm: Mạng lưới tuyến, kết cấu hạ tầng và phương tiện; các nhóm yếu tố chính ảnh hưởng đến chất lượng của VTHKCC bằng xe buýt gồm: Kết cấu hạ tầng, nhân lực, kỹ thuật và các yếu tố khác.
Về hiện trạng hoạt động VTHKCC bằng xe buýt, báo cáo nêu rõ về khối lượng vận chuyển, đạt khoảng 1.06 tỷ lượt HK trên toàn quốc, trong đó Hà Nội và TP Hồ Chí Minh chiếm đến 76% tổng khối lượng với 803,4 triệu lượt HK; Hải Phòng, Đà Nẵng và Cần Thơ chiếm 4%; nhóm các tỉnh có đô thị loại I cấp tỉnh chiếm 11% và các địa phương còn lại chiếm 9%. Thị phần đảm nhận của VTHKCC bằng xe buýt còn rất thấp: Tại Hà Nội chỉ đáp ứng khoảng 8,58%, TP Hồ Chí Minh khoảng 7%, Hải Phòng, Đà Nẵng và Cần Thơ khoảng 1% và các địa phương còn lại đều ở dưới mức 1%. Về tần suất hoạt động, chỉ có tại Hà Nội và TP Hồ Chí Minh hiện bố trí tần suất hoạt động của xe buýt trong giờ cao điểm đạt 5 phút/chuyến. Các địa phương khác đều có thời gian giãn cách chạy xe rất dài do không đạt lượng hành khách khai thác dẫn đến tính hấp dẫn của xe buýt ngày càng giảm.
Mục tiêu cụ thể của Đề án nhằm nâng cao chất lượng VTHKCC bằng xe buýt theo hướng tiện nghi, an toàn, nhanh chóng với chi phí hợp lý, xây dựng hình ảnh xe buýt văn minh, thân thiện, góp phần giảm ùn tắc giao thông, hạn chế phương tiện cá nhân và bảo vệ môi trường.
Báo cáo cũng nêu rõ mục tiêu cụ thể của Đề án về mức độ sẵn có của dịch vụ VTHKCC bằng xe buýt, tăng cường khả năng tiếp cận của hệ thống VTHKCC bằng xe buýt, thông tin hệ thống VTHKCC bằng xe buýt, thời gian của hoạt động VTHKCC bằng xe buýt, dịch vụ về giá vé xe buýt, nâng cao tính tiện nghi của dịch vụ VTHKCC bằng xe buýt và tăng cường công tác đảm bảo an ninh, an toàn giao thông.
Đại diện Viện Chiến lược & Phát triển GTVT đã trình bày 08 giải pháp nhằm nâng cao chất lượng dịch vụ VTHKCC bằng xe buýt gồm: Cơ chế chính sách tăng cường mức độ sẵn có của dịch vụ VTHKCC bằng xe buýt, tăng cường khả năng tiếp cận của hệ thống VTHKCC, tăng cường thông tin hệ thống VTHKCC bằng xe buýt, tăng cường vận tốc khai thác của hệ thống, giải pháp về giá vé, nâng cao tính tiện nghi của dịch vụ, đào tạo và phát triển nguồn nhân lực và các giải pháp khác.
Thành phố Hà Nội đang tìm giải pháp đẩy mạnh phát triển VTHKCC bằng xe buýt
(Ảnh: Báo Giao thông)
Sau khi nghe đại diện các đơn vị trao đổi, thảo luận, bổ sung vào dự thảo Đề án, kết luận cuộc họp, Thứ trưởng Lê Đình Thọ cho biết, dù Chính phủ, Bộ GTVT đã ban hành một số cơ chế, chính sách nhằm đẩy mạnh phát triển VTHKCC bằng xe buýt nhưng hiện nay vẫn chưa có cơ quan nào quan tâm, triển khai đến lĩnh vực này. Các địa phương đang nỗ lực đẩy mạnh phát triển mạng lưới VTHKCC bằng xe buýt trong khi Bộ GTVT chưa có định hướng lớn.
"Phát triển VTHKCC bằng xe buýt được coi là một trong những giải pháp quan trọng nhằm đảm bảo ATGT, nâng cao chất lượng phục vụ đối với người dân, chống ùn tắc ở các thành phố lớn. Do đó, Đề án cần đánh giá được kết quả đã đạt được trong lĩnh vực VTHKCC bằng xe buýt đến thời điểm hiện nay, kiến nghị mục tiêu phát triển đồng thời đưa ra các nhiệm vụ và giải pháp cụ thể đến năm 2020", Thứ trưởng Lê Đình Thọ nhấn mạnh.
Thứ trưởng yêu cầu Đề án cần góp phần nâng cao chất lượng dịch vụ VTHKCC bằng xe buýt, đáp ứng tốt nhất sự đi lại của người dân; bố trí lại mạng lưới xe buýt để giảm ùn tắc giao thông; góp phần đảm bảo TTATGT.
Thứ trưởng chỉ đạo Viện Chiến lược & Phát triển GTVT trong nội dung Đề án cần phân loại được loại hình xe buýt nội đô và ngoại đô; rà soát lại quy hoạch và tính toán lại các loại phương tiện; quy hoạch hệ thống điểm dừng và đưa vào đầu tư xây dựng; các điểm kết nối với các loại hình vận tải khác; nâng cao chất lượng đội ngũ lái xe; ứng dụng KHCN vào quản lý như bán vé điện tử, vé tháng, vé quý…
KC