Bộ trưởng Trương Quang Nghĩa yêu cầu trước ngày 1/1/2017 phải bỏ Trạm thu phí Đại Xuyên
Theo báo cáo của Tổng công ty Đầu tư phát triển đường cao tốc Việt Nam (VEC), tuyến đường cao tốc Cầu Giẽ - Ninh Bình được khởi công ngày 07/01/2006 và thông xe toàn tuyến (giai đoạn 1) ngày 30/6/2012. Tính đến 3/2016, tuyến cao tốc này đã phục vụ khoảng 26 triệu lượt phương tiện đảm bảo an toàn, hiệu quả, giao thông thông suốt.
Trên tuyến có 4 trạm thu phí: Đại Xuyên, Vực Vòng, Liêm Tuyền và Cao Bồ. Trong đó, Trạm thu phí Đại Xuyên là trạm thu phí “yết hầu” trên tuyến, vào những ngày nghỉ, ngày Lễ, Tết… mật độ phương tiện lưu thông qua đây rất lớn nên mặc dù đã được mở tới 11 cửa thu phí nhưng tại đây thường xuyên xảy ra ùn ứ phương tiện giao thông.
Kể từ ngày 30/9/2013, VEC đã đưa thẻ điện tử (thẻ RFID) vào sử dụng tại tất cả các trạm thu phí trên toàn tuyến cao tốc Cầu Giẽ - Ninh Bình. Tuy nhiên, do Trạm thu phí Đại Xuyên là trạm thu phí dùng chung giữa hai đơn vị là Công ty CP BOT Pháp Vân - Cầu Giẽ (vẫn sử dụng vé giấy thông thường) và VEC nên quy trình thu phí ở đây qua nhiều công đoạn khiến phương tiện phải dừng tại trạm lâu hơn, kéo theo dồn ứ phương tiện giao thông vào những ngày nghỉ, ngày lễ, tết…
Để giải quyết cơ bản vấn đề này, trước mắt, VEC đã đề xuất với Bộ GTVT bỏ Trạm thu phí Đại Xuyên bằng giải pháp thu phí liên thông giữa hai tuyến cao tốc Pháp Vân - Cầu Giẽ và Cầu Giẽ - Ninh Bình. Về lâu dài, VEC cũng đã đề xuất Bộ GTVT triển khai dự án thu phí tự động không dừng theo công nghệ RFID trên các tuyến cao tốc Cầu Giẽ - Ninh Bình và Nội Bài - Lào Cai theo mô hình xã hội hóa.
Trạm thu phí Đại Xuyên. Ảnh Báo Đầu tư
Về phương án xử lý Trạm thu phí Đại Xuyên, ông Phạm Văn Khôi - Tổng giám đốc Công ty CP BOT Pháp Vân - Cầu Giẽ đề xuất hai phương án xử lý: Mở thông Trạm thu phí Đại Xuyên và Duy trì Trạm thu phí Đại Xuyên. Với phương án 1, các xe lưu thông trên tuyến không phải dừng lại để trả phí sử dụng đường bộ cao tốc tại Trạm thu phí Đại Xuyên; phương án 2, sẽ lắp đặt bổ sung các cửa thu phí ETC tại trạm cho cả hai chiều, tối thiểu mỗi chiều 3 làn ETC, nâng cấp thiết bị.
Ông Nguyễn Văn Huyện - Tổng cục trưởng Tổng cục Đường bộ Việt Nam cho biết, sau khi làm việc với các bên, Tổng cục đã đề xuất Bộ phương án xử lý Trạm thu phí Đại Xuyên; đồng thời yêu cầu Nhà đầu tư thực hiện quyết toán đối với Trạm thu phí Đại Xuyên, tháo bỏ barie thu phí, các thiết bị còn lại được tháo dỡ để điều chuyển, bổ sung cho các trạm thu phí khác; đồng thời đề xuất Bộ cho phép xây dựng phương án giám sát thu phí tập trung.
Thứ trưởng Nguyễn Hồng Trường cho biết, trước khi cuộc họp này diễn ra, Thứ trưởng đã chủ trì nhiều cuộc họp về phương án xử lý Trạm thu phí Đại Xuyên, tuy nhiên, tiến độ triển khai thực hiện chậm, một phần là do lãnh đạo các cơ quan, đơn vị chưa quyết liệt.
Thứ trưởng cũng cho biết đã giao Tổng cục Đường bộ Việt Nam chủ trì phối hợp với hai Nhà đầu tư và các bên liên quan xây dựng phương án xử lý Trạm thu phí Đại Xuyên để trình Bộ xem xét, quyết định; trong đó yêu cầu trong quá trình xây dựng phải tính toán cụ thể chi phí của từng phương án để Bộ xem xét, quyết định.
Phát biểu chỉ đạo tại cuộc họp, Bộ trưởng Trương Quang Nghĩa yêu cầu hai Nhà đầu tư VEC và Công ty CP BOT Pháp Vân - Cầu Giẽ phải kiên quyết bỏ Trạm thu phí Đại Xuyên trước ngày 1/1/2017; đồng thời hai Nhà đầu tư phải thống nhất với nhau về tổ chức thu phí và phân chia doanh thu lợi nhuận.
Bộ trưởng cũng yêu cầu Công ty Cổ phần Phần mềm - Tự động hóa - Điều khiển (CadPro) khẩn trương xây dựng phương án kỹ thuật thu phí trên tuyến để báo cáo Bộ, sớm triển khai thực hiện, bảo đảm lợi ích cho Nhà đầu tư và người tham gia giao thông.
“Trước ngày 1/1/2017, phải bỏ Trạm thu phí Đại Xuyên, Tổng cục Đường bộ Việt Nam lên lịch chi tiết để triển khai thực hiện theo đúng tiến độ... Đây là một trong những mục tiêu mà yêu cầu của xã hội đối với Bộ GTVT trong công tác quản lý nhà nước, phải đưa ra phương thức quản lý làm sao cho tốt, đảm bảo tính công khai, minh bạch và phải bảo đảm lợi ích của người dân và doanh nghiệp” - Bộ trưởng nhấn mạnh.
Xuân Nguyên