Ngay cả ở bệnh viện là nơi vấn đề sức khỏe và tính mạng con người luôn được đặt lên hàng đầu và đã được gắn biển “Cấm hút thuốc lá” nhưng vẫn bắt gặp cảnh người nhà thăm nuôi bệnh nhân hút thuốc lá ngoài hành lang, thậm chí có cả bệnh nhân hút thuốc lá dù biết rằng “hút thuốc lá có hại cho sức khỏe”.
Tổ chức Y tế Thế giới đã khuyến cáo trong thuốc lá chứa 7.000 chất độc, trong đó có hàng trăm chất cực độc và ít nhất 40 chất có thể gây ung thư. Trên thực tế, có một số người nghiện thuốc lá tới mức, hễ ăn xong là phải có một điếu “thuốc lá thơm” mới đã miệng. Theo giải thích của một số người nghiện thuốc lá thì có người nghiện thuốc do sinh lý, do nhu cầu cơ thể, hút vào thấy cảm giác “ngon”; nhưng cũng có người hút thuốc do tâm lý, theo phong trào, không thấy cảm giác gì nhưng vẫn hút. Ở một số cơ quan, công sở, cứ mỗi buổi họp là phòng họp lại ngột ngạt, đặc quánh khói thuốc lá. Mặc dù, quy ước xây dựng gia đình, công sở văn hóa có đề cập đến chuyện không hút thuốc lá, nhưng xem ra điều này thật khó thực hiện triệt để.
Khói thuốc lá vẫn vô tư bay ở nơi công cộng
Luật Phòng-chống tác hại của thuốc lá tại Khoản 1, Điều 12 quy định “Địa điểm cấm hút thuốc lá trong nhà nhưng được phép có nơi dành riêng cho người hút thuốc lá bao gồm: Khu vực cách ly của sân bay; quán bar, karaoke, vũ trường, khách sạn và cơ sở lưu trú du lịch; phương tiện giao thông công cộng là tàu thủy, tàu hỏa”. Tại Điều 13 của luật này cũng quy định đối với người hút thuốc lá là: “Không hút thuốc lá tại địa điểm có quy định cấm hút thuốc lá; không hút thuốc lá trong nhà khi có trẻ em, phụ nữ mang thai, người bệnh, người cao tuổi”.
Tại một số địa phương, mặc dù luật quy định người đứng đầu chính quyền phường, xã; ngành Y tế và ngành Công an chịu trách nhiệm tổ chức giám sát, xử phạt vi phạm hành chính về hút thuốc lá. Thế nhưng, nhiều địa phương vẫn chưa có cơ quan nào đứng ra xử phạt và gần như chưa có ai bị phạt vì hút thuốc lá không đúng nơi quy định. Vì thế, khói thuốc lá vẫn vô tư bay ở nơi công cộng.
(Sưu tầm)