Bộ trưởng Trương Quang Nghĩa cùng lãnh đạo tỉnh Hà Giang kiểm tra thực tế giao thông trên QL279
Chiều 22/12 và sáng 23/12, Bộ trưởng GTVT Trương Quang Nghĩa dẫn đầu đoàn công tác Bộ GTVT đã đi kiểm tra hạ tầng giao thông tại Hà Giang. Bộ trưởng đã thị sát QL279 đoạn Việt Vinh - Nghĩa Đô, cầu Yên Biên, bến xe mới, đoạn đầu QL2 cửa ngõ thành phố.
Sau đó, đoàn công tác Bộ GTVT và lãnh đạo tỉnh Hà Giang đã có buổi làm việc về các vấn đề liên quan đến GTVT và ATGT trên địa bàn. Tại buổi làm việc, ông Nguyễn Văn Sơn, Chủ tịch UBND tỉnh Hà Giang kiến nghị Bộ GTVT quan tâm, đề nghị Thủ tướng Chính phủ cho ý kiến chỉ đạo, sớm phê duyệt Dự án đầu tư cải tạo QL4C từ Hà Giang đi Mèo Vạc; Chỉ đạo đẩy nhanh tiến độ triển khai Dự án đường nối Hà Giang với cao tốc Hà Nội – Lào Cai; Thực hiện đầu tư và hoàn thành Dự án QL4; Cho phép đầu tư thảm lại mặt đường, bổ sung hoàn thiện hệ thống thoát nước QL2 đoạn qua Tp. Hà Giang; Cho phép sửa chữa, cải tạo nền và mặt đường cột cờ Lũng Cú; Ưu tiên bố trí vốn cho Dự án đầu tư, nâng cấp QL279 đoạn Việt Vinh – Nghĩa Đô…
Chiều tối 22/12, Bộ trưởng Trương Quang Nghĩa cùng đoàn công tác kiểm tra cầu sông Bạc trên QL279
Với đề xuất của Hà Giang xin tiếp tục thực hiện đầu tư và hoàn thành Dự án QL4 (đoạn nối QL4C và QL4D), ông Nguyễn Hoằng - Vụ trưởng Vụ Kế hoạch đầu tư (Bộ GTVT) cho hay, đây là dự án thuộc diện phải đình hoãn, giãn tiến độ sau năm 2015. Hiện đã bố trí đủ vốn để triển khai các hạng mục cấp bách đảm bảo ATGT, Bộ GTVT đang xây dựng phương án phân bổ vốn giai đoạn để báo cáo Thủ tướng Chính phủ và cân nhắc việc đưa Dự án này vào danh mục các dự án sử dụng vốn Trái phiếu Chính phủ giai đoạn 2017 - 2020. Còn cầu Yên Biên mới hiện đã hoàn thành công tác đấu thầu, dự kiến khởi công trong tháng 2/2017.
Bộ trưởng Nghĩa cùng đoàn công tác giải đáp nhiều thắc mắc, kiến nghị của tỉnh Hà Giang về lĩnh vực GTVT và ATGT
Theo ông Hoằng, Dự án đầu tư cải tạo QL4C từ Hà Giang đi Mèo Vạc (Km12 - Km166) do các nguồn vốn ngân sách rất khó khăn nên chưa thể tiếp tục triển khai. Bổ sung vấn đề này, ông Nguyễn Văn Huyện, Tổng cục trưởng Tổng cục Đường bộ VN cho biết, trong khi Dự án chưa triển khai, Tổng cục đã bố trí vốn để sửa chữa, đảm bảo ATGT cho QL4C , năm 2015 là 126,716 tỷ đồng; năm 2016: 115,23 tỷ đồng; năm 2017 đã phê duyệt kế hoạch bảo trì 79 tỷ đồng.
Đoàn công tác Bộ GTVT kiểm tra bến xe mới Tp. Hà Giang
Bộ trưởng Trương Quang Nghĩa chia sẻ với những khó khăn của Hà Giang trong phát triển cơ sở hạ tầng, đảm bảo ATGT. Bộ trưởng cho biết, những đề xuất của Hà Giang về ATGT không còn mới mẻ, nhưng do vẫn có dự án rơi vào tình trạng đầu tư, dừng vốn, dang dở, gây khó khăn và mất ATGT. “Trong bối cảnh ngân sách đang khó khăn này, Bộ GTVT phải phối hợp chặt chẽ với địa phương phải chọn cái gì để tập trung đầu tư dứt điểm, thì mới cho hiệu quả tốt”, Bộ trưởng nói.
Bộ trưởng đồng ý việc mở rộng đầu tuyến QL2 vào Tp. Hà Giang từ nguồn dư của Dự án Quản lý tài sản đường bộ Việt Nam (VRAMP). Bộ trưởng giao Tổng cục Đường bộ Việt Nam phối hợp cùng tỉnh Hà Giang làm việc với Ngân hàng Thế giới để sớm có thể triển khai Dự án. Bộ trưởng lưu ý ngay khi được Ngân hàng Thế giới đồng ý triển khai Dự án, Hà Giang phải tập trung giải quyết nhanh gọn GPMB, sau đó khởi công ngay Dự án.
Với tuyến QL279, Bộ trưởng nhìn nhận là tuyến đường hết sức quan trọng kết nối từ Quảng Ninh sang đến Điện Biên, và tuyến đường đang xuống cấp trầm trọng đoạn Việt Vinh – Nghĩa Đô. Bộ GTVT đã phê duyệt Dự án cải tạo nâng cấp QL279 với tổng mức đầu tư 728 tỷ đồng, Dự án đã được Thủ tướng Chính phủ cho phép đầu tư vào giai đoạn 2013 - 2015, đến nay đã được bố trí 156/728 tỷ đồng. Hiện Bộ GTVT đang báo cáo Thủ tướng Chính phủ kế hoạch vốn cho Dự án giai đoạn 2016 - 2020. Sau khi được giao vốn, Bộ sẽ chỉ đạo triển khai cụ thể. Quan điểm của Bộ là cần ưu tiên, dành dụm để làm đến trung tâm huyện Quang Bình trước.
Về tuyến đường cột cờ Quốc gia Lũng Cú, Bộ trưởng cho biết, nếu mở rộng đường như đề xuất của Hà Giang sẽ là đẽo vào núi và như vậy, có tiền cũng khó làm. “Trong điều kiện ngân sách khó khăn như hiện nay, chỉ nên tăng cường mở rộng, gia cố lề, rào chắn, hộ lan để đảm bảo ATGT và mở đường tránh ở những đoạn có thể. Hiện Bộ GTVT cho biết đã chấp thuận cho phép sửa chữa đoạn từ Km9+00 - Km23+00 với kinh phí 30 tỷ đồng nhằm giảm ùn tắc giao thông và đảm bảo ATGT và trước mắt, Tổng cục Đường bộ VN đã cho phép sửa chữa đột xuất bổ sung hệ thống ATGT trên tuyến với kinh phí 3 tỷ đồng.
"Năm 2015, 2016, Hà Giang đã kéo giảm TNGT. Tuy nhiên, Hà Giang có những hạn chế về hạ tầng do đường sá quanh co, đèo dốc, tỷ lệ đường nhựa hóa còn rất thấp, ý thức và kiến thức pháp luật TTATGT của người dân còn hạn chế... Thời gian tới, Hà Giang cần tăng cường làm tốt hơn vấn đề vận tải khách, xe hết niên hạn sử dụng, các giải pháp tuyên truyền, đảm bảo ATGT để có kết quả kéo giảm TNGT tốt và bền vững hơn”, Bộ trưởng nói.