Tại buổi Họp báo, thay mặt Lãnh đạo Bộ, Thứ trưởng Nguyễn Hồng Trường đã thông báo nhanh tới các nhà báo kết quả hoạt động của Ngành GTVT trong Quý I năm 2017.
Theo đó, ngay trong những ngày đầu năm 2017, lãnh đạo Bộ đã trực tiếp kiểm tra, đôn đốc tiến độ một số dự án trọng điểm của ngành như dự án đường sắt đô thị Hà Nội tuyến Cát Linh - Hà Đông; đường cao tốc Bến Lức - Long Thành, Đà Nẵng - Quảng Ngãi; cầu Hưng Hà, Cao Lãnh, Vàm Cống; Cảng hàng không Cam Ranh, Vân Đồn...
Bộ cũng đã hoàn thành xây dựng, trình Thủ tướng Chính phủ báo cáo nghiên cứu tiền khả thi Dự án đầu tư xây dựng công trình đường bộ cao tốc Bắc - Nam; về các nội dung liên quan đến báo cáo nghiên cứu khả thi CHKQT Long Thành như kết quả thi tuyển kiến trúc Nhà ga hành khách, về việc tách tiểu dự án GPMB trước khi Quốc hội phê duyệt; hoàn chỉnh phương án điều chỉnh quy hoạch CHKQT Tân Sơn Nhất báo cáo Thường trực Chính phủ; phê duyệt Đề cương - Dự toán và phê duyệt Kế hoạch đấu thầu thực hiện nhiệm vụ rà soát, hoàn thiện báo cáo nghiên cứu tiền khả thi dự án Đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc - Nam... Đã tổ chức nghiên cứu, sửa đổi quy định về nhiệm vụ, quyền hạn của Ban QLDA đối với các dự án PPP do Bộ quản lý; về giao nhiệm vụ và ủy quyền cho Ban QLDA trong quản lý đầu tư xây dựng đối với các dự án do Bộ làm chủ đầu tư. Đôn đốc UBND TP. Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh đề xuất cơ chế đặc thù về quản lý, thực hiện đầu tư các nút giao thông quan trọng trên địa bàn. Báo cáo, đề xuất Thủ tướng Chính phủ về việc hỗ trợ đền bù nứt nhà dân do thi công các dự án cải tạo, nâng cấp QL1; phối hợp báo cáo Đoàn công tác của Ủy ban Tài chính - Ngân sách Quốc hội khóa XIV liên quan đến việc quản lý và sử dụng vốn vay ODA...
Thứ trưởng Nguyễn Hồng Trường chủ trì buổi Họp báo
“3 tháng đầu năm 2017, Bộ đã lập, trình quyết toán 22 dự án với giá trị trên 10.301 tỷ đồng, đạt 19% kế hoạch cả năm; đã hoàn thành thẩm tra, phê duyệt quyết toán 21 dự án với giá trị duyệt trên 7.239 tỷ đồng, đạt 17% kế hoạch cả năm. Đã tiến hành rà soát, tổng hợp gửi Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính về kết quả thực hiện, giải ngân năm 2016 và kéo dài thời gian thực hiện, giải ngân kế hoạch năm 2016, kế hoạch còn lại các năm 2011-2015 sang năm 2017. Đối với nguồn vốn được giao năm 2017, kết quả giải ngân ước đạt gần 11.500 tỷ đồng, đạt 22,42% kế hoạch”, Thứ trưởng Nguyễn Hồng Trường cho biết.
Bên cạnh đó, Thứ trưởng Nguyễn Hồng Trường cũng thông báo tới đông đảo đại diện các cơ quan thông tấn báo chí về công tác quản lý, khai thác kết cấu hạ tầng giao thông; Về công tác sắp xếp, đổi mới, cổ phần hóa và nâng cao hiệu quả hoạt động các doanh nghiệp nhà nước.
Về công tác cải cách hành chính, cải cách TTHC, đã ban hành và triển khai kế hoạch CCHC, kế hoạch kiểm soát TTHC năm 2017; tổng hợp, xây dựng báo cáo chấm điểm chỉ số CCHC năm 2016, tổng kết thực hiện Nghị quyết số 17-NQ/TW Hội nghị lần thứ 5, Trung ương Khóa X về đẩy mạnh CCHC, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý bộ máy nhà nước (giai đoạn 2007-2016); tổ chức tập huấn điều tra xã hội học và lấy ý kiến đánh giá chỉ số CCHC năm 2016.
“Từ ngày 01/01/2017, đã chính thức mở rộng hệ thống dịch vụ công trực tuyến cấp, đổi giấy phép kinh doanh vận tải; cấp, đổi biển hiệu, phù hiệu xe ô tô đến 63 Sở GTVT. Đã báo cáo Chính phủ danh sách 145 dịch vụ công ưu tiên thực hiện trong năm 2017; từ đầu năm đến nay, đã hoàn thành và đưa vào thử nghiệm 55 dịch vụ công trực tuyến; đã ban hành và tổ chức thực hiện Kế hoạch triển khai Cơ chế một cửa quốc gia và Cơ chế một cửa ASEAN của Bộ đến năm 2020”, Thứ trưởng Nguyễn Hồng Trường chia sẻ.
Tại buổi họp báo, các nhà báo cũng gửi nhiều câu hỏi đến đồng chí Thứ trưởng và lãnh đạo các cơ quan của Bộ GTVT xung quanh các lĩnh vực của Ngành GTVT như: cải tạo luồng tuyến đường thuỷ nội địa; tai nạn hàng hải tại Vũng Tàu; việc xây dựng Nghị định thay thế Nghị định 86; nguồn tiền vốn cho Dự án đường sắt trên cao Cát Linh – Hà Đông; quan điểm của Bộ về việc đề xuất của các hãng hàng không trong việc áp giá vé trần và sàn…
Với tinh thần cởi mở, không né tránh, Thứ trưởng Nguyễn Hồng Trường và các đồng chí lãnh đạo các cơ quan của Bộ đã giải đáp những ý kiến thắc mắc của đại diện các cơ quan thông tấn.
Cục trưởng Cục Hàng không Việt Nam Lại Xuân Thanh cho biết, giá trần và giá sàn vé hàng không là một vấn đề có ảnh hưởng lớn đến vận chuyển hàng không, đặc biệt là người dân với tư cách là hành khách.
“Đây không phải đề xuất của cơ quan quản lý Nhà nước mà là một hãng hàng không. Tuy nhiên, cơ quan quản lý Nhà nước phải có trách nhiệm trả lời, nghiên cứu đánh giá của hãng hàng không về nâng giá trần và bổ sung giá sàn”;
Cùng quan điểm với Cục trưởng Cục Hàng không VN, Thứ trưởng Nguyễn Hồng Trường khẳng định: “Bộ GTVT không bao giờ đặt lợi ích cho 1 hãng hàng không nào. Mà trước hết phải là lợi ích của người dân, quan trọng nhất là đưa ra cơ chế phù hợp đảm bảo tính cạnh tranh, lợi nhuận đi đôi với chất lượng dịch vụ”.
“Cơ quan quản lý Nhà nước phải tính đến bài toán kinh tế vừa tăng cường dịch vụ để người dân đi lại nhưng cũng tạo điều kiện cho các hãng hàng không tồn tại và phát triển. Cơ quan quản lý Nhà nước không bảo hộ cho một hãng hàng không”, Thứ trưởng Nguyễn Hồng Trường khẳng định.
Trả lời các phóng viên, báo chí liên quan đến việc giảm giá vé các dự án BOT, Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Hồng Trường cho biết, Bộ GTVT sẽ đáp ứng tối đa nguyện vọng của người dân trên cơ sở đề xuất của địa phương.
Theo Thứ trưởng Nguyễn Hồng Trường, vấn đề giá qua trạm thu phí, nhà đầu tư và các cơ quan chức năng đã tính đến việc người dân đi quan trạm nhiều lần trong ngày bằng cách bán vé quý, vé tháng, vé năm. Trên thực tế, các dự án đều có sự ưu đãi nhất định đối với người dân vì vé tháng, vé quý đã giảm mức phí nhiều so với vé ngày. Một số địa phương như: Bắc Kạn, Hòa Bình, người dân có thu nhập không cao, trên cơ sở đề xuất của địa phương, nhà đầu tư đã giảm tối đa cho người dân hai xã gần trạm thu phí với mức giảm ít nhất 50% đối xe ô tô 4 chỗ, 7 chỗ.
“Riêng trạm thu phí cầu Bến Thuỷ, người dân nhiều lần cản trở không cho thu phí, gây ách tắc giao thông tại trạm thu phí, Bộ GTVT đã chỉ đạo nhà đầu tư tạm thời có chính sách hợp lý với người dân đi qua trạm nhiều lần trong ngày không có vé quý, vé tháng, thì áp dụng giá 20.000. Với xe 7 chỗ trở xuống, đưa giá vé vê giảm ở mức 50% khoảng 22,5 nghìn đồng về thành 20 nghìn đồng”, Thứ trưởng Nguyễn Hồng Trường cho biết.
Thứ trưởng Nguyễn Hồng Trường cũng cho biết, Bộ GTVT đã đề nghị HĐND các tỉnh họp, có kiến nghị thống nhất trước khi gửi về Bộ GTVT chấp thuận để tránh vướng mắc phát sinh. Bộ GTVT đã nhận được đề xuất của các địa phương về giảm giá tối đa cho đối tượng nêu trên. Hiện Bộ GTVT đang tập hợp đề xuất của địa phương để có kết nối chung với tinh thần giảm giá vé thì phải điều chỉnh thời gian thu phí cho nhà đầu tư và thống nhất với ngân hàng cho vay vốn. Bộ GTVT cố gắng đáp ứng tối đa nguyện vọng của người dân trên cơ sở đề xuất của địa phương…
P.V