
Cần tăng cường công tác quản lý, bảo đảm ATGT tại các đường ngang giao cắt với đường sắt.
Theo thống kê chưa đầy đủ, trong Quý 1 năm 2017, trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa đã xảy ra gần 10 vụ TNGT đường sắt, làm chết ít nhất 6 người, bị thương 2 người, trong đó chỉ tính riêng trong hai tháng 2 và 3/2017 đã có ít nhất 6 vụ TNGT làm chết 6 người. So với cùng kỳ quý 1 năm 2016, tình hình TNGT đường sắt diễn biến phức tạp hơn, số vụ, số người chết và bị thương tăng đột biến. Quý 1/2016, không xảy ra vụ tai nạn nào và cả năm 2016 chỉ xảy ra 8 vụ làm chết 8 người.
Theo lãnh đạo Phòng Cảnh sát giao thông đường bộ - đường sắt, Công an tỉnh Thanh Hóa: Hầu hết các vụ TNGT từ đầu năm 2017 đến nay đều xảy ra tại khu vực các đường ngang giao cắt với đường sắt, trong đó bao gồm cả các điểm có gác chắn, đường ngang dân sinh và có nguyên nhân từ ý thức kém, sự bất cẩn của nhiều người dân khi đi qua khu vực đường sắt. Ngay trong đầu tháng 3, trên địa bàn huyện Hoằng Hóa và thị xã Bỉm Sơn đã xảy ra hai vụ TNGT đường sắt nghiêm trọng làm 2 người thiệt mạng.
Trước đó, trong tháng 2/2017, cũng xảy ra 3 vụ TNGT đường sắt làm 3 người thiệt mạng. Cả ba vụ đều có điểm chung là xảy ra với người đi bộ có ý thức kém khi băng qua đường sắt trong tình trạng nghe điện thoại, đi bộ ngay trên đường sắt không chú ý... Cá biệt, tình trạng nhiều xe khách chạy trên tuyến Quốc lộ 1A còn dừng, đỗ ngay sát đường sắt để cho hành khách trèo qua hàng rào, băng qua đường sắt đi vệ sinh, gây mất an toàn giao thông và xảy ra tai nạn... Điển hình nhất là vào ngày 22/1, xe ô tô khách mang biển kiểm soát 81B – 006.13 lưu thông trên Quốc lộ 1A theo hướng Bắc – Nam, khi đi đến khu vực cầu Cừ, thuộc xã Hà Yên (Hà Trung) thì dừng lại bên đường cho hành khách đi vệ sinh. Trong lúc đi vệ sinh, một nữ hành khách do không quan sát khi băng qua đường ray đã bị đoàn tàu khách lưu thông theo hướng Nam – Bắc lao tới đâm trực diện, khiến nạn nhân tử vong tại chỗ.
Những con số nói trên đã cho thấy nhiều thách thức không nhỏ đối với các cơ quan chức năng và chính quyền các địa phương trong công tác bảo đảm trật tự ATGT đường sắt hiện nay. Một số địa bàn xảy ra nhiều vụ TNGT đường sắt thời gian qua có thể kể ra như: Hoằng Hóa, Hà Trung, Hậu Lộc, Nông Cống.
Cũng theo đánh giá của các cơ quan chức năng, sở dĩ TNGT đường sắt tăng đột biến so với cùng kỳ còn do tình trạng vi phạm về hành lang an toàn đường sắt, tình trạng người tham gia giao thông vi phạm tại các đường ngang, các đường dân sinh. Trong quá trình thực hiện công tác bảo đảm ATGT đường sắt, một số địa phương, đơn vị thực hiện chưa quyết liệt, chưa thường xuyên nên hiệu quả xử lý vi phạm thấp, có đơn vị không xử lý được trường hợp vi phạm nào.
Như: Công an huyện Hậu Lộc xử lý 2 trường hợp; công an 2 huyện Đông Sơn, Nông Cống không xử lý được trường hợp vi phạm nào... Công tác tuyên truyền vẫn chưa được các địa phương quan tâm, triển khai, nhất là đối với các khu dân cư, nơi có tuyến đường sắt chạy qua, có nhiều đường ngang giao cắt... Công tác phối hợp kiểm tra, kiểm soát của các cơ quan chức năng cấp huyện còn nhiều bất cập, hiệu quả thấp, thậm chí có thời điểm còn lơ là... Con số 47 trường hợp vi phạm trật tự ATGT đường sắt bị xử phạt (với tổng số tiền 14,4 triệu đồng), 66 hộ dân bị xử phạt vì vi phạm, trật tự và hành lang ATGT đường sắt... mà các đơn vị chức năng trên địa bàn toàn tỉnh đã thực hiện chưa phản ánh hết tình hình phức tạp hiện nay.
Thiếu tá Lê Hồng Thái, Phó trưởng Phòng Cảnh sát giao thông đường bộ - đường sắt, Công an tỉnh Thanh Hóa, cho biết: Phòng đã tham mưu, xây dựng các giải pháp nhằm tăng cường công tác bảo đảm ATGT đường sắt trên địa bàn tỉnh. Trong đó, công tác tuyên truyền được chú trọng với nhiều hình thức. Phối hợp với các địa phương tăng cường kiểm tra công tác bảo đảm ATGT tại các ga, các gác chắn, các đường ngang, đường dân sinh trên địa bàn; xử lý nghiêm các trường hợp người và phương tiện tham gia giao thông vi phạm quy định về ATGT tại các đường ngang, đường dân sinh có cảnh báo tự động, không để vi phạm nổi cộm.
Ngoài ra, phòng và ngành đường sắt cùng phối hợp rà soát lại các đường ngang, đường dân sinh tại các huyện Hoằng Hóa, Hậu Lộc, Hà Trung để bổ sung đầy đủ hệ thống tín hiệu, chuông cảnh báo, biển báo; lắp đặt tấm đan bê tông và gác chắn tại km 192+370 giao cắt với đường liên xã Minh Nghĩa - Hoàng Giang (Nông Cống); lắp đặt gác chắn tại km 201+750 giao cắt với đường tỉnh 525B. Xây dựng đường ngang có người gác hoặc đường gom tại km 187+370, km 187+650 thôn Yên Thái, xã Hoàng Giang (Nông Cống); tổ chức cảnh giới tại km 207+160 và km 207+675 (huyện Tĩnh Gia)...
Tính đến thời điểm hiện tại, toàn tỉnh có 193 đường ngang dân sinh, trong đó chỉ có 72 đường ngang hợp pháp, còn lại đều là bất hợp pháp. Việc xóa bỏ các đường ngang dân sinh bất hợp pháp là không hề đơn giản, do đó để công tác bảo đảm ATGT đường sắt trên địa bàn tỉnh được thực hiện có hiệu quả, giảm thiểu TNGT, bên cạnh sự quyết liệt của ngành giao thông, công an, cần có sự vào cuộc với trách nhiệm cao của các cấp chính quyền, đồng thời nâng cao ý thức tự giác chấp hành nghiêm chỉnh luật của mỗi người dân.