Diễn viên nổi tiếng của Bollywood Shah Rukh Khan chụp ảnh bên chiếc xe điện
Điện hóa ô tô trong 15 năm
Kế hoạch sản xuất ô tô điện được thể hiện trong báo cáo dài 90 trang với tiêu đề “Giải pháp vận tải cải tiến” do cơ quan tư vấn quy hoạch Niti Aayog và Viện Nghiên cứu Rocky Mountain của Mỹ phối hợp thực hiện, vừa được hãng tin Reuters công bố ngày 8/5. Cơ quan cố vấn quy hoạch Niti Aayog do Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi đứng đầu, có sức ảnh hưởng nhất tới Chính phủ. Báo cáo đã phác thảo kế hoạch điện hóa ô tô 15 năm, chia thành 3 giai đoạn, bắt đầu từ năm 2017.
Kế hoạch này đặt mục tiêu đến năm 2032 sẽ điện hóa toàn bộ phương tiện tại Ấn Độ và gần như định hình lại chính sách vận tải mới - các nguồn tin từ Chính phủ và ngành giao thông cho biết. Trong đó, Niti Aayog cố vấn Chính phủ giảm thuế, tỉ lệ lãi suất của các khoản vay đối với xe điện, hạn chế doanh số ô tô thường. Ngoài ra, cơ quan này cũng đề xuất Chính phủ mở một nhà máy sản xuất pin quy mô lớn vào cuối năm 2018. Kế hoạch cũng đề xuất tận dụng lợi nhuận từ doanh số bán các phương tiện diesel và xăng, dầu thông thường để xây dựng các trạm sạc cho xe điện.
Một số đề xuất khác được nêu trong kế hoạch bao gồm khuyến khích sử dụng xe điện làm taxi, hạ thấp thuế và lãi suất đối với các khoản vay để mua xe điện, thuế điện cho các hãng sản xuất, khai thác xe năng lượng sạch. Ngoài ra, kế hoạch còn nêu phương án hạn chế đăng ký xe ô tô thường thông qua quay chọn số và dành ưu tiên đăng ký cho xe điện, tương tự như những gì Trung Quốc đang thực hiện.
Bản báo cáo tập trung vào duy nhất mục tiêu xe điện cho thấy, sự chuyển hướng so với chính sách hiện nay của Chính phủ là hỗ trợ cho cả xe điện và xe lai điện (hybrid). Ông Puneet Gupta, nhà điều hành khu vực Nam Á thuộc Công ty Tư vấn IHS Markit cho biết, Chính phủ Ấn Độ cần thực hiện chính sách khuyến khích xe điện một cách phóng khoáng mới mong đạt được mục tiêu tham vọng trên. “Đây là một trong những thay đổi quyết liệt mà Chính phủ Ấn Độ đang nhắm đến”, ông Gupta nói.
“Nhảy cóc”, bỏ qua xe lai điện
Kế hoạch trên thể hiện tham vọng của Ấn Độ muốn “nhảy cóc”, bỏ qua bước xe lai điện và tiến thẳng tới xe điện, “nối gót” Trung Quốc. Vừa mới đây, Trung Quốc thông báo chiến lược hành động để tăng doanh số bán xe điện như trợ cấp, nghiên cứu và thay đổi quy định để khuyến khích bỏ xe chạy bằng xăng tại các thành phố lớn.
Động thái này cũng đánh dấu động thái tích cực của Ấn Độ để hiện thực hóa mục tiêu cắt giảm kim ngạch nhập khẩu dầu xuống một nửa tính đến năm 2030 và giảm phát thải là một phần trong thỏa thuận chống biến đổi khí hậu Paris.
Song, bản thân giới chức Ấn Độ cũng hiểu kế hoạch này đối mặt với rất nhiều thách thức. Chi phí sản xuất pin cao kéo theo giá sản xuất ô tô tăng vọt. Bên cạnh đó, là vấn đề hạn chế trạm sạc điện và các cơ sở hạ tầng khác. “Nếu chúng tôi tăng tốc phát triển xe điện, kế hoạch này có thể gây ra gián đoạn ngành sản xuất ô tô hiện nay, đồng thời đòi hỏi đầu tư mạnh. Nhưng nếu chúng tôi không nhanh chóng bắt kịp xu hướng thì nguy cơ cao chúng tôi phải nhập khẩu pin ô tô”, một nguồn tin của Chính phủ chia sẻ về kế hoạch ưu tiên xe điện.
“Các nhà sản xuất ô tô vẫn đang lưỡng lự”, nguồn tin trên cho biết. Phần lớn các hãng ô tô Ấn Độ hiện nay đều sản xuất xe lai điện (hybrid). Nhà sản xuất ô tô có doanh số hàng đầu Ấn Độ Maruti Suzuki đang đầu tư vào công nghệ được gọi là “Mild hybrid” (chiếc xe, nhờ bộ đề đặc biệt, có khả năng tắt máy khi xe phanh, xuống dốc hoặc dừng lại, và sau đó tự khởi động lại). Với công nghệ này, xe sẽ sử dụng năng lượng điện ít hơn xe hybrid toàn phần (khái niệm dùng cho xe chỉ có duy nhất bản hybrid). Trong khi đó, Tập đoàn sản xuất ô tô Toyota đang bán xe sedan Camry hybrid hạng sang. Chỉ có duy nhất hãng Mahindra & Mahindra sản xuất xe chạy hoàn toàn bằng điện tại Ấn Độ.
Thực tế, từ năm 2015, Ấn Độ đã triển khai chương trình “Thúc đẩy thông qua và sản xuất xe lai điện (hybrid) và xe điện”, trong đó đưa ra các gói khuyến khích ô tô sử dụng công nghệ năng lượng sạch nhằm thúc đẩy doanh số bán hai dòng xe này lên 7 triệu chiếc, tính đến năm 2020.
Dù khoản trợ cấp lên tới 140.000 rupee (tương đương 2.175 USD)/xe, nhưng doanh số bán hai loại ô tô này không nhúc nhích là mấy, chỉ chiếm 1 phần trong doanh số 3 triệu phương tiện được bán trong năm 2016 trên thị trường Ấn Độ. Chương trình trợ giá này đã hết hạn vào ngày 31/3 vừa qua, đang được mở rộng thêm 6 tháng. Nhận định về lý do chính sách này hoạt động không hiệu quả, một quan chức cho biết, do Chính phủ thiếu minh bạch dẫn đến chậm trễ đầu tư vào ngành ô tô.