Thông tư có hiệu lực kể từ ngày 30/7/2017, thay thế Thông tư số 62/2013/TT-BGTVT ngày 31/12/2013 về việc ban hành Định mức kinh tế - kỹ thuật khảo sát bảo đảm an toàn hàng hải và Thông tư số 23/2015/TT-BGTVT ngày 15 tháng 6 năm 2015 ban hành Định mức kinh tế - kỹ thuật khảo sát đo sâu lập bình đồ dưới nước bằng phương pháp RTK. Trường hợp các văn bản quy phạm pháp luật làm căn cứ, được dẫn chiếu tại Định mức ban hành kèm theo Thông tư này có sửa đổi, bổ sung hoặc thay thế thì áp dụng theo các văn bản quy phạm pháp luật đã được sửa đổi bổ sung hoặc thay thế.
Định mức Kinh tế - Kỹ thuật khảo sát đo sâu được xây dựng áp dụng cho công tác khảo sát đo sâu các công trình trong lĩnh vực hàng hải thuộc Bộ GTVT:
Định mức Kinh tế - Kỹ thuật khảo sát đo sâu bao gồm các thành phần sau: Mức hao phí vật liệu trực tiếp: Là số lượng vật liệu chính, vật liệu phụ trực tiếp cần thiết để hoàn thành một đơn vị khối lượng công tác khảo sát chuyên ngành hàng hải; Mức hao phí lao động trực tiếp: Là số lượng ngày công lao động của kỹ sư, công nhân trực tiếp cần thiết để thực hiện và hoàn thành một đơn vị khối lượng công tác khảo sát chuyên ngành hàng hải; Mức hao phí máy thi công trực tiếp: Là số lượng ca sử dụng máy thi công trực tiếp để hoàn thành một đơn vị khối lượng công tác khảo sát chuyên ngành hàng hải.
Định mức được trình bày theo nhóm, loại công tác và được mã hóa, bao gồm 10 chương và 5 phụ lục: Chương 1: Quy định chung; Chương 2: Định mức Kinh tế - Kỹ thuật công tác đo lưới khống chế mặt bằng; Chương 3: Định mức Kinh tế - Kỹ thuật công tác đo lưới khống chế độ cao; Chương 4: Định mức Kinh tế - Kỹ thuật công tác định vị điểm đặc trưng dưới nước; Chương 5: Định mức Kinh tế - Kỹ thuật công tác khảo sát, lập bình đồ độ sâu bằng máy đo sâu đơn tia sử dụng phương pháp định vị DGPS; Chương 6: Định mức Kinh tế - Kỹ thuật công tác khảo sát, lập bình đồ độ sâu bằng máy đo sâu đơn tia sử dụng phương pháp định vị RTK; Chương 7: Định mức Kinh tế - Kỹ thuật công tác khảo sát, lập bình đồ độ sâu bằng máy đo sâu đa tia sử dụng phương pháp định vị DGPS; Chương 8: Định mức Kinh tế - Kỹ thuật công tác khảo sát, lập bình đồ độ sâu bằng máy đo sâu đa tia sử dụng phương pháp định vị RTK; Chương 9: Định mức Kinh tế - Kỹ thuật công tác thành lập hải đồ giấy vùng nước cảng biển và luồng hàng hải; Chương 10: Định mức Kinh tế - Kỹ thuật công tác thành lập hải đồ điện tử vùng nước cảng biển và luồng hàng hải; Các Phụ lục.
Mỗi loại định mức được trình bày tóm tắt: Thành phần công việc, điều kiện kỹ thuật, điều kiện thi công, biện pháp thi công và được xác định theo đơn vị tính phù hợp để thực hiện công tác khảo sát chuyên ngành hàng hải. Các thành phần hao phí trong Định mức Kinh tế - Kỹ thuật khảo sát đo sâu được xác định theo nguyên tắc sau: Mức hao phí vật liệu chính được tính bằng số lượng phù hợp với đơn vị tính của vật liệu. Mức hao phí vật liệu phụ khác được tính bằng tỷ lệ % so với chi phí vật liệu chính. Mức hao phí lao động được tính bằng số ngày công theo cấp bậc bình quân của công nhân, kỹ sư trực tiếp thực hiện công tác khảo sát. Mức hao phí máy thi công được tính bằng số lượng ca máy sử dụng. Mức hao phí máy thi công khác được tính bằng tỷ lệ % so với chi phí sử dụng máy chính.
Định mức Kinh tế - Kỹ thuật khảo sát đo sâu được áp dụng để xác định đơn giá khảo sát, làm cơ sở lập dự toán chi phí các công trình khảo sát đo sâu trong lĩnh vực hàng hải thuộc Bộ Giao thông vận tải; Định mức Kinh tế - Kỹ thuật khảo sát đo sâu chưa bao gồm công tác di chuyển nhân công, thiết bị, phương tiện đến vị trí khảo sát; Căn cứ vào đặc thù của từng phương pháp đo sâu và trên cơ sở tính toán đến hiệu quả Kinh tế - Kỹ thuật, phạm vi áp dụng từng phương pháp đo sâu thực hiện như sau: Khảo sát đo sâu bằng máy đo sâu đơn tia sử dụng phương pháp định vị DGPS: Áp dụng đối với tất cả các loại đối tượng vùng nước cảng biển và luồng hàng hải. Khảo sát đo sâu bằng máy đo sâu đơn tia sử dụng phương pháp định vị RTK: Áp dụng cho khảo sát bàn giao mặt bằng và nghiệm thu các công trình nạo vét duy tu vùng nước cảng biển và luồng hàng hải có phạm vi khảo sát nhỏ, bán kính dưới 5 km. Phương pháp đo sâu bằng máy đo sâu đa tia: Áp dụng đối với các vùng nước cảng biển và luồng hàng hải có độ sâu lớn hơn 10 m, phạm vi khảo sát lớn. Đặc biệt với các vùng nước cảng biển và luồng hàng hải lần đầu khảo sát công bố thông báo hàng hải.
Nội dung Định mức Kinh tế - Kỹ thuật khảo sát đo sâu xem tại đây.
X.N