Vietnam Airlines lên kế hoạch niêm yết trên HoSE hoặc HNX

Thứ tư, 21/06/2017 13:52

Thông tin trên được Tổng công ty Hàng không Việt Nam - CTCP (Vietnam Airlines) đưa ra tại Đại hội cổ đông thường niên của Tổng công ty diễn ra sáng 20/6. Thứ trưởng Lê Đình Thọ đã đến dự và phát biểu tại Đại hội.

Thứ trưởng Lê Đình Thọ phát biểu tại Đại hội cổ đông thường niên của Tổng công ty Hàng không Việt Nam - CTCP

Thứ trưởng Lê Đình Thọ phát biểu tại Đại hội cổ đông
thường niên của Tổng công ty Hàng không Việt Nam - CTCP

Tăng vốn điều lệ để mua thêm tàu bay

Tại đại hội, các cổ đông đã thông qua phương án phát hành thêm hơn 191 triệu cổ phiếu mệnh giá 10.000 đồng cho các cổ đông hiện hữu theo phương pháp thực hiện quyền mua cổ phiếu phát hành thêm. Thời gian dự kiến phát hành vào Quý IV/2017 hoặc một thời điểm khác theo quyết định của HĐQT được Đại hội đồng cổ đông ủy quyền. Tỷ lệ thực hiện quyền mua cổ phiếu phát hành thêm là 15,5753%.

Tổng số tiền dự kiến thu được từ đợt phát hành sẽ là hơn 1.911 tỉ đồng, dùng để thực hiện các dự án mua máy bay Boeing 787-9, Airbus A350-900 XWB và thanh toán các dịch vụ phục vụ hoạt động sản xuất kinh doanh. Được biết, năm 2017, Vietnam Airlines đầu tư hơn 2.111 tỉ đồng để cho 2 dự án mua 10 chiếc A350-900XWB và 8 chiếc Boeing 787-9.

Đại hội cổ đông Vietnam Airlines đã thông qua phương án phát hành thêm hơn 191 triệu cổ phiếu mệnh giá 10.000 đồng cho các cổ đông hiện hữu

Đại hội cổ đông Vietnam Airlines đã thông qua phương án phát hành
thêm hơn 191 triệu cổ phiếu mệnh giá 10.000 đồng cho các cổ đông hiện hữu

Về kế hoạch sản xuất kinh doanh năm 2017 được Đại hội cổ đông thông qua, Vietnam Airlines phấn đấu đạt tổng sản lượng vận chuyển khách hơn 22,5 triệu lượt khách; doanh thu hợp nhất là 87.900 tỷ đồng, trong đó công ty mẹ đạt 66.872 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế hợp nhất toàn Tổng công ty đạt 1.638 tỷ đồng, trong đó công ty mẹ đạt 1.256 tỷ đồng. Tổng công ty sẽ tập trung các giải pháp nhằm đảm bảo an toàn, ổn định và phát triển bền vững, phục vụ ngày một tốt hơn nhu cầu của khách hàng và đảm bảo tối đa lợi ích cho các cổ đông.

Không ngại minh bạch thông tin

Liên quan đến thắc mắc của cổ đông về việc minh bạch thông tin cũng như kế hoạch chuyển sàn niêm yết, Kế toán trưởng Vietnam Airlines Trần Thanh Hiền khẳng định, Vietnam Airlines niêm yết trên sàn UPCoM không phải vì không minh bạch. Cũng không phải bây giờ Vietnam Airlines mới thực hiện minh bạch thông tin mà ngay từ năm 2001, khi tham gia vào thị trường quốc tế.

“Chúng tôi đã tham dự vào thị trường tài chính tài chính quốc tế với dư nợ hàng tỷ USD từ rất lâu rồi và các tổ chức tài chính thế giới còn đỏi hỏi sự minh bạch cao hơn rất nhiều so với yêu cầu của thị trường chứng khoán Việt Nam”, ông Hiền nói và cho biết thêm: Để niêm yết trên các sàn giao dịch chính thức, sau khi hoàn tất phương án phát hành thông qua tại Đại hội này, bổ sung cổ phiếu tăng vốn, hoàn tất phê duyệt kế hoạch, Vietnam Airlines đã đủ điều kiện niêm yết. Dự kiến, cuối năm nay và đầu năm sau sẽ niêm yết trên sàn chính thức HoSE hoặc HNX.

Một trong những vấn đề được cổ đông quan tâm là giá cổ phiếu HVN của Vietnam Airlines, đặc biệt khi cổ phiếu này đang ở mức thấp hơn rất nhiều so với cổ phiếu của doanh nghiệp cùng ngành trên sàn, Kế toán trưởng của VNA cho rằng, giá cổ phiếu phụ thuộc đầu tiên vào chất lượng kinh doanh, hiệu quả và chiến lược kinh doanh, kế đó là yếu tố thị trường và tính thanh khoản.

“Trong nhiều trường hợp, tỷ lệ trôi nổi của cổ phiếu quá thấp khiến cho giá cổ phiếu không đại diện cho giá trị thực của cổ phiếu”, ông Hiền nói và cho biết thêm: Đối với cổ phiếu HVN, khi cổ phần hóa, Tổng công ty đã thuê các tổ chức tư vấn để định giá theo tiêu chuẩn quốc tế. Tại thời điểm đó, các tổ chức định giá HVN là 22.300 đồng/cổ phiếu. Đến tháng 1/2017, một lần nữa cổ phiếu HVN được các tổ chức tài chính quốc tế đánh giá lại và chào sàn giá 28.000 đồng.

Trong 1 tháng nay, giá cổ phiếu cũng giao động trong khoảng giá 25-29.000, sát với chuẩn mực của một hãng hàng không mang tính chuẩn mực cao có các chỉ tiêu sinh lời, chỉ tiêu chất lượng dịch vụ, các yếu tố nội tại đều tốt và giá cổ phiếu ổn định.Cho rằng giá cổ phiếu của Vietnam Airlines đang mức hợp lý, ông Hiền nói thêm: Giá trị vốn hóa của Vietnam Airlines hiện tại là 1,4 tỷ USD và Thái Airway là 1,17 tỷ… Nhà đầu tư, cổ đông có thể nhìn vào các hãng hàng không truyền thống mang tầm quốc tế để đánh giá và đưa ra quyết định của mình.

Khách hàng thường xuyên là giá trị lớn và cơ bản nhất

Khẳng định giá trị lớn nhất của Vietnam Airlines là khách hàng thường xuyên, Tổng giám đốc Vietnam Airlines Dương Trí Thành cho biết, đây là giá trị cơ bản nhất mà không một hãng hàng không nào có thể có được trong ngày một ngày hai. Xác định điều này, từ tháng 10/2016, Vietnam Airlines tách trung tâm Bông sen vàng hoạt động độc lập.

Cũng theo ông Thành, Vietnam Airlines đang thực hiện các bước đi cụ thể để cơ cấu hoạt động kinh doanh và kết quả sẽ thấy trong dài hạn, không phải ngắn hạn. "Vietnam Airlines không phải là công ty thấy người ta làm cái gì thì làm theo. Chúng tôi có định hướng chiến lược lâu dài, bền vững để giữ vị thế trên thị trường. Chiến lược của VNA tại Việt Nam là giữ quy mô hợp lý và hiệu quả, không đi vào chỉ tiêu thị phần ngắn hạn”, Chủ tịch HĐQT của Vietnam Airlines Phạm Ngọc Minh bổ sung thêm.

Phát biểu tại Đại hội, Thứ trưởng Bộ GTVT Lê Đình Thọ cho biết: “Bộ GTVT đánh giá rất cao những thành tích mà Tổng công ty Hàng không VN đạt được trong thời gian qua, đặc biệt trong năm 2016 là năm thứ hai thực hiện quá trình cổ phần hóa và tái cơ cấu. Bộ GTVT cũng đánh giá cao vai trò dẫn đầu của Hãng hàng không quốc gia luôn hoàn thành tốt nhiệm vụ kinh doanh và chính trị, bảo toàn vốn và tăng trưởng ổn định, bền vững. Đại hội ngày hôm nay thể hiện sự công khai, minh bạch, có sự giám sát chặt chẽ của các cổ đông, và thực hiện theo Luật Doanh nghiệp. Tất cả các cổ đông đều có trách nhiệm đối với chiến lược phát triển của TCT, tham gia đóng góp, hoạch định chiến lược kinh doanh; cùng với nhà nước duy trì, bảo tồn vốn và phát triển bền vững”.

Thời gian tới, Thứ trưởng lưu ý Vietnam Airlines cần nhận thức rõ những khó khăn có thể ảnh hưởng đến kế hoạch sản xuất kinh doanh của TCT, cụ thể là việc kinh tế tài chính và chính trị thế giới biến động khó lường; áp lực cạnh tranh trên thế giới và trong nước ngày càng gia tăng, thể hiện rõ nhất ở xu hướng sử dụng hình thức bay giá rẻ…

Cũng theo Thứ trưởng, tình hình hoạt động sản xuất kinh doanh của Vietnam Airlines dù đã được cải thiện nhưng vẫn còn một số vấn đề cần giải quyết như cơ cấu nguồn vốn chưa hợp lý, cơ sở hạ tầng, dịch vụ hỗ trợ vẫn thiếu; nguồn nhân lực, đặc biệt là phi công hay thợ kỹ thuật tàu bay chưa đáp ứng kịp với sự gia tăng nhanh chóng của các đội tàu bay…

Yêu cầu Vietnam Airlines phải nỗ lực tối đa để có thể lọt top hãng hàng không được ưa chuộng nhấ khu vực Châu Á – Thái Bình Dương, Thứ trưởng Thọ cho rằng: Vietnam Airlines phải tiếp tục quyết liệt thực hiện đề án tái cơ cấu đã được phê duyệt nhằm khai thác hiệu quả đội tàu bay; nâng cao hiệu quả khai thác toàn mạng đường bay; nâng năng lực quản trị doanh nghiệp, chất lượng công tác điều hành; tăng năng suất lao động, giảm chi phí, qua đó tăng cường năng lực cạnh tranh trên thị trường trong nước và quốc tế.

Vietnam Airlines cũng cần triển khai hiệu quả phương án tăng vốn điều lệ nhằm gia tăng nguồn vốn chủ sở hữu, bổ sung dòng tiền, giảm tỷ lệ vốn vay đồng thời sớm xây dựng kế hoạch niêm yết trên sàn giao dịch chứng khoán HCM, tiến tới thị trường chứng khoán quốc tế. “Đây là điều kiện rất tốt để Vietnam Airlines có thể huy động vốn cho đầu tư phát triển và thu hút nhà đầu tư chiến lược”, Thứ trưởng nói.
 

Nguồn: Báo Giao thông

Tìm theo ngày :

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)
  
Khách online:108572
Lượt truy cập: 176.165.434