Đường sắt quản trị “online”, khách được lợi gì?

Thứ sáu, 08/09/2017 08:09

Đường sắt đang nỗ lực nâng chất lượng dịch vụ ở tất cả các lĩnh vực bằng việc áp dụng công nghệ thông tin và quản trị minh bạch.

Hành khách chỉ cần cung cấp thông tin cá nhân, mã vé tàu qua màn hình smartphone
cho nhân viên đường sắt là có thể lên tàu

Dịch vụ, vận tải đường sắt dần tự động hóa

Cách đây 2 năm, khi đường sắt chính thức vận hành hệ thống bán vé tàu điện tử, không chỉ CBCNV đường sắt mà nhiều người dân và hành khách đều ngỡ ngàng. Mọi người bất ngờ với một ngành luôn gắn với cái “mác” cũ kĩ, lạc hậu và cửa quyền lại có thể nhanh chóng đưa ra một phương thức bán vé thuận tiện như vậy chỉ sau vài tháng triển khai.

Thay vì phải ra ga “xin” cô nhân viên bán cho tấm vé hoặc phải xếp hàng dài dằng dặc, nay hành khách đã có thể chọn mua ở bất kỳ đâu, bất cứ thời gian nào. Thậm chí, hành khách có thể mua vé ngay tại nhà và chỉ cần vài thao tác đơn giản trên máy tính có kết nối internet hay trên một chiếc smartphone. Khách cũng không phải ra ga lấy vé mà có thể tự in thẻ lên tàu tại nhà hoặc đơn giản cung cấp mã thẻ từ màn hình điện thoại smartphone cho nhân viên đường sắt là có thể lên tàu.

Phó Tổng giám đốc Tổng công ty Đường sắt VN Phan Quốc Anh cho biết, không chỉ việc bán vé, đường sắt còn ứng dụng công nghệ thông tin vào dịch vụ vận tải hàng hóa. Đường sắt đang xây dựng và vận hành thử nghiệm các phần mềm quản trị vận tải hàng hóa qua mạng nhằm công khai, minh bạch thông tin với khách hàng, nâng cao chất lượng dịch vụ. Một trong những tiêu chí hàng đầu khi xây dựng hệ thống là theo dõi và quản lý được vị trí tức thời toa xe trên toàn mạng lưới đường sắt.

“Khách hàng có thể xác định được hàng hóa (đang chở trên toa xe) ở bất kỳ đâu, đang di chuyển như thế nào”, ông Quốc Anh nói.

Ông Bùi Thanh Bình, Giám đốc Trung tâm Giải pháp dịch vụ vận tải hành khách (Công ty Giải pháp công nghệ FPT) cho biết, chủ hàng có thể tự tra tìm vị trí hàng của mình qua số hóa đơn gửi hàng.

“Tới đây, chúng tôi còn xây dựng hóa đơn điện tử để chủ hàng giao dịch với đường sắt hoàn toàn online qua mạng, email mà không cần đến trực tiếp”, ông Bình thông tin.

Đáng quan tâm, ngành Đường sắt đang thực hiện dự án hiện đại hóa Trung tâm Điều hành vận tải đường sắt (OCC). Đây là dự án tăng khả năng lập biểu đồ chạy tàu (BĐCT), kế hoạch lập tàu khách, tàu hàng, đầu máy toa xe, từ đó cho phép tăng năng lực điều hành vận tải đường sắt, đáp ứng nhu cầu cung cấp dịch vụ vận tải đường sắt tốt hơn cho khách hàng. Với hệ thống này, có thể kết nối thông tin đầu máy, toa xe, tình hình vận tải trên toàn mạng lưới vận tải đường sắt, từ đó không chỉ cung cấp được thông tin vị trí tàu hàng, toa xe cho khách hàng, còn đưa ra được phương án lập tàu, chạy tàu tối ưu.

“Khi dự án hoàn thành có thể tự động giải quyết, đưa ra phương án xử lý tối ưu khi có xung đột xảy ra trên mạng lưới đường sắt, chẳng hạn như sự cố mất an toàn chạy tàu”, ông Đỗ Viết Hoàn, Phó giám đốc Trung tâm Điều hành vận tải đường sắt nói.

Quản trị minh bạch nhờ công nghệ

Phó Tổng giám đốc Tổng công ty Đường sắt VN Ngô Cao Vân cho biết, hiện nay nền tảng công nghệ thông tin trong việc quản trị của ngành Đường sắt vẫn bộc lộ không ít tồn tại. Hạ tầng mạng tuy đã được đầu tư nhưng còn manh mún, thiếu thống nhất và chưa kết nối với nhau nên chưa thể tác nghiệp điều hành xuyên suốt giữa tổng công ty với các đơn vị cũng như giữa các đơn vị với nhau.

Theo ông Vân, cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 (cách mạng 4.0) đã tạo ra các sản phẩm và dịch vụ mới với chi phí không đáng kể để phục vụ người tiêu dùng. Việc đặt mua vé tàu hỏa, thực hiện thanh toán điện tử trực tuyến; quản lý vận tải hàng hóa giữa các đơn vị thông qua môi trường mạng; điều hành toàn mạng lưới chạy tàu thông qua môi trường mạng chung của toàn ngành… đều có thể thực hiện được từ xa. Chính vì vậy, trong thời gian tới, Tổng công ty Đường sắt VN sẽ đẩy mạnh đổi mới công nghệ, ứng dụng công nghệ mới trong cuộc cách mạng 4.0 vào trong các lĩnh vực hoạt động, từ SXKD đến đảm bảo ATGT.

Chủ tịch HĐTV Tổng công ty Đường sắt VN Vũ Anh Minh cho rằng, việc đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong quản trị doanh nghiệp, điều hành SXKD không chỉ giúp cho nhà quản lý có được thông tin chính xác để điều hành kịp thời mà còn công khai, giảm thiểu tiêu cực. “Công nghệ quản trị không tốt, khó có thể kiểm soát được chi phí và hạ được giá thành. Càng hạn chế tác động trực tiếp của con người vào bộ máy sẽ càng minh bạch và loại bỏ xin - cho bấy nhiêu”, ông Minh nói. 

Nguồn: Báo Giao thông

Tìm theo ngày :

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)
  
Khách online:14230
Lượt truy cập: 176.393.524