Bên cạnh phổ biến, giáo dục pháp luật, nội dung phim sẽ xoáy sâu vào những hành vi thiếu ý thức,
thiếu văn hóa giao thông; hậu quả tai nạn giao thông đối với thanh, thiếu niên... (ảnh minh họa)
Buổi chiếu phim tuyên truyền về ATGT tại Bến xe Bắc Ninh diễn ra vào lúc 7 giờ sáng. Mọi công việc diễn ra khẩn trương bởi buổi sáng là thời điểm bến xe tập trung lượng khách đông nhất trong ngày. Chương trình chiếu phim bắt đầu với loạt phim ngắn về các hành vi vi phạm Luật Giao thông phổ biến như: Lái xe quá tốc độ, không đội mũ bảo hiểm, sử dụng rượu bia khi tham gia giao thông…; nêu rõ mức xử phạt theo quy định hiện hành và hậu quả là các vụ tai nạn giao thông kéo theo các hệ lụy về sức khỏe, tính mạng và gánh nặng tinh thần, vật chất cho người thân. Bằng hình ảnh thực tế, âm thanh, lời bình sinh động, chương trình chiếu phim thu hút sự quan tâm của đông đảo hành khách. Nhiều người vừa xem phim, vừa bình luận sôi nổi. Thời gian chờ xe trở nên hữu ích hơn khi có thêm những hiểu biết về Luật Giao thông và thông điệp về lái xe an toàn cho mỗi người.
Trong tháng 9-tháng cao điểm về trật tự ATGT đã có hơn 30 buổi chiếu phim lưu động được tổ chức tại các đơn vị trường học, bến tàu, bến xe, bệnh viện, khu dân cư… trong tỉnh. Đây là một trong những hoạt động trọng tâm nhằm đổi mới công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức của người dân đối với công tác bảo đảm trật tự ATGT. Nội dung truyền tải bao gồm: Các hình ảnh, kiến thức cập nhật về tình hình giao thông trong tỉnh; các tình huống vi phạm, tai nạn thường gặp khi tham gia giao thông; thế nào là mũ bảo hiểm hợp chuẩn; thông tin pháp luật; hướng dẫn lái xe an toàn… Số phim ngắn này do Ủy ban ATGT Quốc gia cung cấp hoặc do Trung tâm phối hợp cùng các đơn vị chức năng sản xuất.
“Tùy từng địa điểm và đối tượng tuyên truyền mà chúng tôi lựa chọn nội dung, thời lượng chiếu phim phù hợp. Ví dụ, khi chiếu tại trường học thì trọng tâm vào quy định đội mũ bảo hiểm khi đi xe đạp điện, xe máy điện, văn hóa giao thông… Khi chiếu phim tại địa bàn dân cư thì trọng tâm vào các hành vi vi phạm, phổ biến thông tin pháp luật… Qua chương trình chiếu phim, mọi người có dịp nhìn nhận lại những lỗi vi phạm của mình, biết được mức xử phạt, hậu quả, từ đó ý thức chấp hành quy định pháp luật khi tham gia giao thông sẽ từng bước nâng lên”, ông Vũ Trọng Hiệp, Phó Giám đốc Trung tâm Chiếu bóng và phát hành phim tỉnh cho hay.
Các trường học là địa điểm được kỳ vọng nhất khi triển khai tuyên truyền ATGT bằng hình thức chiếu phim bởi chủ đề của năm ATGT 2017 là “Xây dựng văn hóa giao thông trong thanh, thiếu niên”. Với sự chỉ đạo sâu sát của Ban ATGT tỉnh cùng sự phối hợp của Sở Giáo dục-đào tạo, Phòng Giáo dục-Đào tạo các huyện, thị xã, thành phố, từ đầu năm đến nay có tổng số 193 buổi chiếu lưu động được tổ chức tại các trường Tiểu học, THCS, THPT trong tỉnh. Hình thức tuyên truyền này được đánh giá là hiệu quả với lứa tuổi học sinh bởi hình ảnh sinh động, cách truyền tải gần gũi, dễ tiếp nhận.
Thầy Trần Hữu Tần, Hiệu trưởng Trường THCS Phố Mới (huyện Quế Võ) chia sẻ: “Mặc dù nội dung về ATGT thường xuyên được trường lồng vào các tiết học ngoại khóa và giờ sinh hoạt tại các lớp học nhưng hiệu ứng từ buổi chiếu phim đối với các em học sinh lớn hơn rất nhiều. Đây cũng là một sự gợi ý để nhà trường có sự điều chỉnh, đổi mới phương thức truyền đạt để tiết học về trật tự ATGT hàng tuần của các em đạt hiệu quả cao hơn”.
Từ nay đến cuối năm, Trung tâm Chiếu bóng và phát hành phim tiếp tục tổ chức thêm 20 buổi chiếu phim lưu động tuyên truyền về trật tự ATGT tại các trường học. Bên cạnh phổ biến, giáo dục pháp luật, nội dung phim sẽ xoáy sâu vào những hành vi thiếu ý thức, thiếu văn hóa giao thông; hậu quả tai nạn giao thông đối với thanh, thiếu niên; phát huy vai trò xung kích của thanh, thiếu niên trong công tác đảm bảo trật tự ATGT và xây dựng văn hóa giao thông…