Hội thảo Tập huấn thúc đẩy ngân sách có trách nhiệm giới trong ngành Giao thông vận tải

Thứ năm, 07/12/2017 11:22

Thúc đẩy việc thực hiện các cam kết của Việt Nam với Công ước về Xóa bỏ mọi hình thức Phân biệt đối xử với Phụ nữ (CEDAW) và 17 mục tiêu Phát triển bền vững SDGs đến năm 2030 đặt ra những yêu cầu về tăng cường công tác bình đẳng giới. Một trong những phương pháp thúc đẩy bình đẳng giới hiệu quả là ngân sách có trách nhiệm giới và phương pháp này đã được thực hiện ở nhiều quốc gia, bao gồm các nước trong khu vực châu Á – Thái Bình Dương và các nước thành viên của nền kinh tế APEC để thúc đẩy sự tham gia của các cơ quan Chính phủ trong các lĩnh vực khác nhau đối với mục tiêu bình đẳng giới. Nhằm thúc đẩy sự hiểu biết chung và kinh nghiệm giới trong lĩnh vực giao thông vận tải, Bộ GTVT phối hợp với Cơ quan của Liên hợp quốc về bình đẳng giới và quyền của phụ nữ (UN Women) tổ chức Hội thảo tập huấn lập ngân sách có trách nhiệm giới trong ngành GTVT. Hội thảo diễn ra tại Hà Nội trong 2 ngày (7 và 8/12/2017).

Tham dự Hội thảo có Thứ trưởng Nguyễn Văn Công - Trưởng ban Vì sự tiến bộ của phụ nữ Bộ GTVT; bà Elisa Fernandez Saenz - Trưởng Văn phòng UN Women tại Việt Nam; đại diện Ngân hàng Phát triển Châu Á (ADB) tại Việt Nam và hơn 40 đại biểu trong ngành GTVT từ các khối Cục, Vụ, Viện, Trường, Ban QLDA, Tổng công ty, Sở GTVT các địa phương trên cả ba miền đất nước.

Các đại biểu tham dự Hội thảo

Tại mỗi quốc gia, con người luôn là nhân tố chủ chốt để tạo ra những động lực mới thúc đẩy tăng trưởng kinh tế và xoá đói giảm nghèo. Nguồn động lực này có sự đóng góp quan trọng từ phụ nữ. Tuy nhiên, sự đóng góp quan trọng này lại chưa được xã hội nhìn nhận một cách đúng đắn, công bằng. Trải qua lịch sử hàng nghìn năm, từ những nước phát triển đến nước đang phát triển, đặc biệt với các nước phương Đông, vấn đề bất bình đẳng giới thể hiện rõ nét trong một số vấn đề như phân bổ lực lượng lao động, trong gia đình, trong chăm sóc sức khỏe, giáo dục và đào tạo.

Vì vậy, trong xã hội hiện đại ngày nay, nhiều quốc gia rất coi trọng việc nâng cao quyền của phụ nữ và tăng cường vai trò của phụ nữ trong phát triển kinh tế - xã hội. Tại Việt Nam, Luật Bình đẳng giới ra đời năm 2006 đánh dấu một bước tiến quan trọng trong sự nghiệp bình đẳng giới, đó là lần đầu tiên vấn đề bình đẳng giới được thể chế hóa bằng hệ thống văn bản quy phạm pháp luật. Căn cứ Luật Bình đẳng giới 2006 và Chiến lược quốc gia về bình đẳng giới giai đoạn 2011 – 2020, Bộ GTVT đã ban hành Kế hoạch bình đẳng giới giai đoạn 2011 - 2020 với các giải pháp cụ thể nhằm tăng cường sự tham gia của phụ nữ vào công tác quản lý, lãnh đạo, thể hiện ở việc tích cực tuyên truyền chủ trương của Đảng, pháp luật nhà nước về công tác phụ nữ, nâng cao nhận thức về giới và bình đẳng giới dưới nhiều hình thức, đẩy mạnh công tác “vì sự tiến bộ phụ nữ trong ngành GTVT”.

Thứ trưởng Nguyễn Văn Công phát biểu khai mạc Hội thảo

Phát biểu khai mạc Hội thảo, Thứ trưởng Nguyễn Văn Công - Trưởng ban Vì sự tiến bộ của phụ nữ Bộ GTVT cho biết: Với đặc thù Ngành GTVT là một ngành kinh tế kỹ thuật, bao gồm 5 chuyên ngành: Đường bộ, đường sắt, đường thủy nội địa, hàng hải và hàng không dân dụng. Phạm vi hoạt động phân tán, lưu động trên khắp địa bàn cả nước, có tính chất công việc nặng nhọc. Tổng số cán bộ, công nhân viên chức lao động ngành GTVT có khoảng 150 ngàn người, trong đó nữ CNVCLĐ chỉ chiếm khoảng 24%. Ngành GTVT Việt Nam đã và đang dành sự nhiều quan tâm đặc biệt và ưu tiên cao hơn cho các sáng kiến vì sự tiến bộ phụ nữ trong GTVT nhằm nâng cao cơ hội việc làm, thu nhập, đãi ngộ và thăng tiến của phụ nữ trong giao thông vận tải, đồng thời trong bối cảnh Việt Nam có hơn 45 triệu phụ nữ - họ có nhu cầu tham gia giao thông mỗi ngày, chúng tôi có trách nhiệm xây dựng một hệ thống giao thông vận tải an toàn hơn, tiếp cận dễ dàng hơn, thuận tiện hơn cho phụ nữ khi tham gia giao thông.

Bên cạnh những kết quả đã đạt được, Thứ trưởng Nguyễn Văn Công nhận định, hiện còn một khoảng trống khá lớn giữa kỳ vọng và kết quả thực tế. Điều này đặt ra thách thức lớn đối với ngành GTVT trong việc tăng cường thực hiện công tác bình đẳng giới. Có nhiều nguyên nhân khiến cho các quy định của luật pháp chính sách về bình đẳng giới gặp khó khăn để đi vào cuộc sống, trong đó có sự hạn chế trong nhận thức xã hội về bình đẳng giới và việc sử dụng các biện pháp thúc đẩy bình đẳng giới. Thực tế cho thấy, hiện nay không ít người vẫn chưa hiểu đúng về bản chất của bình đẳng giới và thường cho rằng, bình đẳng giới chỉ là vấn đề của phụ nữ. Bên cạnh đó, định kiến giới về vai trò của phụ nữ vẫn còn khá phổ biến trong quan niệm của xã hội và chính bản thân người phụ nữ. Do đó, nỗ lực thúc đẩy bình đẳng giới thường mang tính hình thức mà chưa tuân thủ nguyên tắc cơ bản đó là tôn trọng, ghi nhận và tạo điều kiện thuận lợi trên cơ sở khác biệt, để nam và nữ có thể phát huy tối đa tiềm năng và đóng góp của mình.

“Ngân sách có trách nhiệm giới là một chủ để khá mới tại Việt Nam. Trên cơ sở khái niệm cơ bản từ Luật Ngân sách nhà nước 2015, các kinh nghiệm trong nước và quốc tế, với sự tham gia đông đảo của các cơ quan, đơn vị trong ngành GTVT, sự hỗ trợ của các chuyên gia của Ngân hàng ADB và Văn phòng UN Women tại Việt Nam, chúng ta sẽ có những phiên thảo luận tích cực, thực tế và hiệu quả”, Thứ trưởng Nguyễn Văn Công phát biểu.

Bà Elisa Fernandez, Trưởng Văn phòng UN Women tại Việt Nam, cho biết, ở cấp toàn cầu, UN Women đã hỗ trợ hơn 60 quốc gia trong việc lập ngân sách có trách nhiệm giới. Ở Việt Nam, UN Women đã tiến hành các nghiên cứu và xây dựng năng lực cho các bên liên quan về lập ngân sách có trách nhiệm giới từ năm 2014. Luật Ngân sách Nhà nước năm 2015 một lần nữa khẳng định cam kết của Việt Nam đối với vấn đề bình đẳng giới bằng việc thông qua các nguyên tắc bình đẳng giới trong việc lập và chi tiêu ngân sách Nhà nước. Ngân sách có trách nhiệm giới là một chủ để khá mới tại Việt Nam. Mục tiêu của Hội thảo này nhằm xây dựng hiểu biết chung về các khái niệm cơ bản của ngân sách có trách nhiệm giới và các nguyên tắc bình đẳng giới trong lập ngân sách và chi tiêu của Luật Ngân sách Nhà nước năm 2015; xem xét các chiến lược/sáng kiến khác nhau về cách thức lập ngân sách có trách nhiệm giới mà có thể vận dụng được trong Ngành GTVT; đề xuất các hoạt động cụ thể để thúc đẩy ngân sách có trách nhiệm giới trong Ngành GTVT.

Chuyên gia tư vấn của UN Women trình bày các nội dung tập huấn

Chương trình hội thảo tập huấn diễn ra trong hai ngày với nhiều nội dung phong phú. Các chuyên gia tư vấn của UN Women chia sẻ các vấn đề về giới ở Việt Nam cũng như trong Ngành GTVT Việt Nam; những nội dung cơ bản về ngân sách có trách nhiệm giới và các nhân tố chính; công cụ, quy trình lâp ngân sách và các điểm can thiệp vận dụng ngân sách có trách hiệm giới; chia sẻ các kinh nghiệm quốc tế, kinh nghiệm của Bộ GTVT trong việc thúc đẩy bình đẳng giới; lồng ghép vấn đề giới trong lập kế hoạch và hoạch định chính sách giao thông. Các đại biểu sẽ được thực hành, thảo luận theo nhóm để hiểu rõ hơn các khái niệm, nội hàm cũng như tăng cường sự tham gia và chia sẻ cùng học hỏi kinh nghiệm quốc tế về vấn đề ngân sách có trách nhiệm giới.

VH
 

Tìm theo ngày :

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)
  
Khách online:5261
Lượt truy cập: 176.865.235