Tàu container của CMA CGM (trái) và tàu container của MSC neo đậu ở cảnh Felixstowe, Anh
Các đơn hàng gây sốc
Hồi giữa tháng 9, hãng vận tải biển lớn thứ ba thế giới CMA CGM (Pháp) của tỉ phú Jacques Saade thông báo đặt đơn hàng đóng chín tàu container cỡ lớn. Chỉ ít ngày sau đó, hãng vận tải biển lớn thứ hai thế giới MSC (Thụy Sĩ) của tỉ phú Gianluigi Aponte xác nhận vừa đặt đóng 11 siêu tàu container, mỗi tàu có thể chở 22.000 container, đủ sức chở 44.000 ô tô hoặc 8,8 triệu tivi 50 inch.
Động thái trên ngay lập tức gây xôn xao vì trong một năm trước đó, doanh số bán tàu mới của các xưởng đóng tàu toàn cầu tăng trưởng kém. Tổng giá trị các đơn hàng mới của hai ông lớn ngành vận tải biển lên đến 2,9 tỉ đô la Mỹ, theo công ty dữ liệu đánh giá tàu biển trực tuyến Vessels Value ở London.
Với chiều dài gấp 3,5 lần chiều dài sân bóng đá, các con tàu mới đang được đóng nằm trong số những tàu vận tải biển lớn nhất thế giới hiện nay. Tuy nhiên, một số nhà phân tích cho rằng quyết định vung tiền mua sắm ồ ạt như vậy là điều mà thị trường vận tải biển không muốn xảy ra vào lúc này.
“Vấn đề là ngành vận tại biển hiện nay có quá nhiều tàu. Những con tàu mới sẽ phải xoay sở để chen lọt vào thị trường”, ông Toby Yeabsley, nhà phân tích ở Vessels Value, nhận định.
“Thị trường đang cân bằng rất tốt. Đó là lý do tại sao những đơn hàng đóng tàu lớn đang gây sốc”, ông nói thêm.
Song, những quyết định đặt cược liều lĩnh là tính cách đặc trưng của chủ tàu trong một ngành thường biến động mạnh và phát triển theo chu kỳ như vận tải biển.
Doanh nhân tỉ phú Gianluigi Aponte, người sáng lập MSC là một cựu thuyền trưởng phà chở khách gốc Ý. Ông bắt đầu kinh doanh vận tải biển vào năm 1970 và cho đến nay, ông đang có trong tay đội tàu gồm 490 tàu container, phà, tàu du lịch tuần dương.
Tỉ phú Jacques Saade thành lập CMA CGM (Pháp) vào năm 1978 tại thành phố Marseille sau khi ông chuyển từ Lebanon sang Pháp sinh sống. Ông đã phát triển CMA CGM trở thành hãng vận tải biển lớn nhất nước Pháp nhờ một quyết định đặt cược vào năm 1992, vào chu kỳ tăng trưởng kinh tế thần tốc của Trung Quốc.
Sau hàng chục năm kinh doanh thành công, Aponte đang nắm giữ tổng tài sản ròng 8,9 tỉ đô la, còn Saade cũng có trong tay 4,4 tỉ đô la.
Xu hướng siêu tàu container
Ông Tom Bebbington, người sáng lập Công ty tư vấn Container Logic. nhận định các vụ mua sắm trên là các ví dụ điển hình cho xu hướng siêu tàu container trong bối cảnh hoạt động sáp nhập đang diễn ra khắp nơi trong ngành vận tải biển, giúp củng cố vị thế thống lĩnh thị trường của các hãng tàu lớn.
Hãng vận tải biển lớn nhất thế giới Maersk Line (Đan Mạch) đang sắp hoàn tất thương vụ thâu tóm đối thủ Hamburg Sud (Đức) với giá 3,7 tỉ euro. Hamburg Sud đang sở hữu một đội tàu cỡ siêu lớn bao gồm một con tàu có thể chở 180 triệu máy tính bảng iPad.
Trong khi đó, hãng vận tải biển lớn nhất châu Á Cosco (Trung Quốc) đang chào giá 6,3 tỉ đô la để thâu tóm đối thủ Orient Overseas (Hồng Kông), chủ sở hữu của con tàu vận tải biển lớn nhất thế giới có sức chở 21.413 TEU (1 TEU = 1 container dài 20 ft).
Các đơn hàng đặt đóng tàu mới cho thấy CMA CGM đặt niềm tin vào xu hướng tích cực trong những năm sắp tới, chẳng hạn nền kinh tế Trung Quốc đang phục hồi. Người phát ngôn của MSC cho biết những tàu container mới sẽ thay thế các tàu nhỏ hơn và sẽ không làm tăng đáng kể tổng công suất của hãng này.
Cả hai nhà tỉ phú Aponte và Saade có thể cảm nhận rằng thị trường đang chạm đáy. Cước vận tải biển lao dốc trong thời gian dài đã khiến nhiều chủ tàu phải “đập bán sắt vụn” những con tàu cũ, kể cả những con tàu chỉ mới được đóng tám năm, để giảm nguồn cung công suất vận tải biển thừa mứa.
Chi phí đóng tàu mới đang giảm giúp CMA CGM hay MSC mạnh tay vung tiền sắm các siêu tàu container. Khi các xưởng đóng tàu đang tính giá thấp, các hãng tàu lớn nhất có cơ hội với chi phí rẻ, chứng tỏ ai đang giữ vị thế bá chủ trên thị trường vận tải biển.
“Nó giống như một cuộc đua phô diễn sức mạnh, chứng tỏ ai là hãng tàu lớn nhất”, ông Lee Klaskow, nhà phân tích vận tải biển của Bloomberg Intelligence, nói.
Song sự kình địch này có thể khiến các hãng tàu lớn nhập cuộc, gây ra nhiều hệ lụy. Năm 2011, hãng vận tải biển lớn nhất thế giới Maersk Line đặt đóng hơn 20 tàu mới với sức chở mỗi tàu trên 18.000 container. Động thái này đã kích hoạt cuộc chạy đua đóng tàu mới ở các đối thủ khác, dẫn đến công suất vận tải biển dư thừa, góp phần gây ra cú sụp đổ giá cước, khiến ngành vận tải biển lao đao cho đến ngày nay.
Tuy nhiên, Maersk Line đang đứng ngoài trong cuộc chạy đua lần này. “Chúng tôi không có kế hoạch trước mắt về việc đặt mua tàu mới. Chúng tôi đã có đủ số tàu mà chúng tôi cần”, ông Jakob Stausholm, Giám đốc tài chính của Maersk Line, nói.