Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thể, Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp Nguyễn Văn Dương, Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Nhật tham dự Hội nghị.
Đoàn Chủ tịch điều hành Hội nghị
Hội nghị còn có sự tham gia của 250 đại biểu đến từ các Bộ, ngành Trung ương, Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam, các địa phương vùng Đồng bằng sông Cửu Long và Tp. HCM; các Hiệp hội vận tải, logistics, các chủ hàng; các đơn vị khai thác, kinh doanh hạ tầng, vận tải, dịch vụ logistics đường bộ, đường hàng hải, đường thủy nội địa, đường sắt và đường hàng không; các Trường Đại học, Cao đẳng trong khu vực.
Cải thiện hệ thống logistics, tận dụng thế mạnh vùng
Phát biểu Khai mạc Hội nghị, Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Nhật nhấn mạnh, Đồng bằng Sông Cửu Long là một trong 07 vùng kinh tế của Việt Nam, là trung tâm sản xuất nông nghiệp lớn nhất của Việt Nam; với mạng lưới sông, kênh, rạch dày đặc, thuận lợi về kết nối giao thương với các vùng trong cả nước, các nước trong khu vực ASEAN và thế giới.
“Trong những năm qua, Đảng, Quốc hội và Chính phủ đã ưu tiên nguồn lực đáng kể để đầu tư cho hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông vùng, nhiều công trình giao thông trọng yếu đã được đầu tư hoàn thành làm thay đổi bộ mặt giao thông, đặc biệt việc hoàn thành các cầu lớn trong khu vực như: cầu Cần Thơ, cầu Hàm Luông, cầu Rạch Miễu, cầu Cổ Chiên, cầu Năm Căn, cầu Đầm Cùng, cầu Mỹ Lợi... giúp cho hệ thống giao thông của vùng ngày càng thuận lợi; cùng với đó là việc hoàn thành xây dựng Cảng hàng không Quốc tế Cần Thơ, Phú Quốc đã thu hẹp khoảng cách giữa các tỉnh, thành trong vùng với cả nước và thế giới”, Thứ trưởng Nguyễn Nhật khẳng định.
Thứ trưởng Nguyễn Nhật phát biểu Khai mạc Hội nghị
Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Nhật cũng nhấn mạnh thêm, hiện tại, vùng ĐBSCL với 04 phương thức vận tải chủ yếu bao gồm: đường bộ, đường biển, đường thủy nội địa, hàng không đã và đang đảm nhận vai trò tích cực cho sự phát triển chung của Vùng. Tuy nhiên, vấn đề liên kết vùng cũng chưa được quan tâm đúng mức, các trục giao thông chính nhằm gắn kết giữa sản xuất và tiêu thụ còn hạn chế là nguyên nhân tác động mạnh mẽ đến các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của các địa phương trong vùng. Tỷ trọng vốn đầu tư vào hệ thống KCHTGT của Vùng còn thấp so với nhu cầu; kinh phí duy tu, bảo dưỡng còn hạn chế; suất đầu tư xây dựng cao hơn các Vùng khác do đặc điểm địa chất, địa lý. Điều này đã làm cho chi phí logistics tăng cao. Theo một nghiên cứu gần đây nhất, chi phí logistics ở Việt Nam là 20,9% GDP, trong đó chi phí cho vận tải chiếm 56%. Như vậy, việc đầu tư phát triển hệ thống giao thông vận tải sẽ là nền tảng cơ bản để thúc đẩy phát triển logistics và gia tăng giá trị của các mặt hàng thế mạnh của vùng góp phần phát triển kinh tế - xã hội toàn vùng và cả nước.
Sáu nhóm giải pháp nhằm phát triển Logicstics tại Đồng bằng Sông Cửu Long
Với mục tiêu tận dụng những thế mạnh của khu vực Đồng bằng sông Cửu Long, thúc đẩy sự phát triển của Vùng thông qua việc cải thiện hệ thống logistics trong lĩnh vực giao thông vận tải, Thứ trưởng Bộ GTVT đề nghị các đại biểu tham dự Hội nghị phát triển Logistics trong lĩnh vực Giao thông vận tải khu vực Đồng bằng sông Cửu Long tập trung thảo luận xung quanh sáu nhóm giải pháp. Cụ thể, là nhóm giải pháp về kết cấu hạ tầng kết nối, tập trung vào khả năng đáp ứng nhu cầu của các phương thức vận tải đường biển, đường bộ, đường thủy nội địa và đường hàng không đối với hệ thống kết cấu hạ tầng hiện có; nếu chưa đáp ứng đủ thì việc đầu tư như thế nào để phù hợp.
Hội nghị phát triển Logistics trong lĩnh vực khu vực ĐB SCL tại Đồng Tháp sáng nay (18/12)
Thứ hai là nhóm giải pháp phát triển dịch vụ vận tải, tập trung vào phương thức vận tải nào cho phù hợp với tiềm năng của Vùng; vấn đề kết nối các phương thức vận tải phải đối mặt với những thách thức gì; cần giải quyết những vấn đề trọng tâm nào để có thể cải thiện được dịch vụ vận tải đường biển, đường bộ, đường thủy nội địa và đường hàng không.
Nhóm giải pháp phát triển các trung tâm phân phối hàng hóa, dịch vụ logistics: Hình thành các Trung tâm Logistics lớn (tại các tỉnh, thành phố như: Cần Thơ, Hậu Giang, Kiên Giang, Đồng Tháp và An Giang) nhằm tạo hạ tầng quan trọng để phát triển dịch vụ logistics, góp phần đáp ứng nhu cầu trong tương lai của khu vực nói chung (bao gồm các nước lân cận như: Thái Lan, Cam Pu Chia) và của đồng bằng sông Cửu Long nói riêng;
Nhóm giải pháp nâng cao năng lực doanh nghiệp kinh doanh vận tải, giao nhận, dịch vụ logistics: Đẩy mạnh việc phát triển các đầu mối vận tải phục vụ dịch logistics và tăng cường kết nối các phương thức vận tải;
Nhiều đại biểu tham dự và đóng góp ý kiến nhằm phát triển Logistics cho Vùng
Nhóm giải pháp phát triển nguồn nhân lực: Quá trình triển khai Chính sách đào tạo nguồn nhân lực tại chỗ như thế nào để đảm bảo phát triển nguồn nhân lực tại chỗ, đáp ứng được nhu cầu của khu vực;
Nhóm giải pháp về các cơ chế chính sách, thủ tục hành chính đối với hoạt động của dịch vụ logistics: Trách nhiệm của các Bộ, ngành, địa phương trong việc giảm thiểu thủ tục hành chính để khuyến khich, nâng cao tính chủ động của doanh nghiệp.
Tại Hội nghị, nhiều cơ quan liên quan và các doanh nghiệp vận tải đã có các tham luận xuất phát từ hoạt động thực tế của đơn vị, doanh nghiệp mình đồng thời có những kiến nghị, giải pháp, đề xuất nhằm đóng góp vào việc phát triển Logicstics trong lĩnh vực GTVT khu vực Đồng bằng Sông Cửu Long.
Cũng nhân dịp Hội nghị phát triển Logistics trong lĩnh vực Giao thông vận tải khu vực Đồng bằng sông Cửu Long, nhiều đơn vị của Ngành GTVT đã Tại Hội nghị, nhiều đơn vị trong Ngành GTVT đã có nhiều nghĩa cử cao đẹp tới người dân vùng Đồng bằng Sông Cửu Long.
Cụ thể, Tổng Công ty phát triển đường cao tốc tặng 3 tỷ đồng tới Trường mầm non xã Trường Xuân, huyện Tháp Mười, tỉnh Đồng Tháp; 4 doanh nghiệp là Tổng Công ty Cảng hàng không VN; Tổng Công ty Hàng không Việt Nam; Tổng Công ty Quản lý bay Việt Nam; Tổng Công ty Bảo đảm An toàn Hàng hải miền Nam tặng 20 căn nhà tình nghĩa trị giá 1 tỷ đồng cho các gia đình chính sách của tỉnh Đồng Tháp.
Hoài Lâm