Bí thư - Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể chủ trì cuộc họp
Báo cáo về công tác xây dựng văn bản quy phạm pháp luật của Bộ GTVT do Vụ trưởng Vụ Pháp chế Trịnh Thị Hằng Nga trình bày cho biết, tổng số lượng văn bản cần xây dựng, hoàn thiện, xử lý trong năm 2017 là 116 văn bản (gồm 03 Luật, 14 Nghị định, Quyết định, 97 Thông tư, 03 Quyết định cá biệt của Bộ trưởng).
"Mặc dù gặp nhiều khó khăn, cộng thêm khối lượng công việc rất lớn, nhưng các cơ quan, đơn vị trong Bộ về cơ bản đã hoàn thành tốt các nhiệm vụ được giao", bà Trịnh Thị Hằng Nga cho biết.
Vụ trưởng Vụ Pháp chế Bộ GTVT cũng cho biết thêm, các cơ quan cua Bộ đã nỗ lực để ngày 26/6/2017, Chủ tịch nước đã ký Lệnh công bố Luật Đường sắt đã được Quốc hội thông qua ngày 16/6/2017 tại kỳ họp thứ 3, khóa XIV. Hiện tại, Bộ GTVT đang tiến hành xây dựng những văn bản này để đảm bảo có hiệu lực đồng thời với Luật Đường sắt vào ngày 01/7/2018. Cùng với đó, các cơ quan của Bộ đã lập đề nghị xây dựng Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của các Luật trong lĩnh vực giao thông vận tải theo Luật Quy hoạch, gửi Hồ sơ lập đề nghị xây dựng Luật tới các Bộ, ngành, Ủy ban TW Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam cùng các cơ quan, đơn vị có liên quan để lấy ý kiến góp ý theo chỉ đạo của Chính phủ tại Nghị quyết số 61/NQ-CP ngày 11/7/2017, Nghị quyết số 83/NQ-CP ngày 31/8/2017 và các văn bản chỉ đạo điều hành của Chính phủ; chuẩn bị Bộ Hồ sơ lập đề nghị sửa đổi Luật Giao thông đường bộ để trình và xin ý kiến các cơ quan, đơn vị. Cũng trong năm 2017, Bộ GTVT đã trình Chính phủ 10/10 văn bản theo Chương trình công tác của Chính phủ (08 dự thảo Nghị định, 02 dự thảo Quyết định), hoàn thành 100% kế hoạch. Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành 11 văn bản (gồm 08 Nghị định và 03 Quyết định) do Bộ Giao thông vận tải chủ trì soạn thảo.
Vụ trưởng Vụ Pháp chế Trịnh Thị Hằng Nga báo cáo về công tác xây dựng văn bản quy phạm pháp luật
"Tuy nhiên vẫn còn tình trạng một số văn bản xin lùi, rút khỏi Chương trình sát thời điểm trình Bộ trưởng; Một số văn bản còn chậm tiến độ; Một số văn bản chưa được báo cáo rõ ràng và kiểm duyệt sát sao về các nội dung sửa đổi, bổ sung trong quá trình soạn thảo nên đã để xảy ra sự cố đáng tiếc đối với truyền thông ..."
Theo Vụ trưởng Trịnh Thị Hằng Nga, năm 2018, theo kế hoạch, Bộ Giao thông vận tải phải hoàn thành việc xây dựng 71 văn bản, gồm: Lập đề nghị và triển khai xây dựng dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của các Luật trong lĩnh vực giao thông vận tải (để phù hợp với Luật Quy hoạch vừa được Quốc hội thông qua); Lập đề nghị xây dựng Luật Giao thông đường bộ; Tổng kết, đánh giá việc thi hành Luật Hàng không dân dụng; Trình Chính phủ ban hành 08 Nghị định; Trình Thủ tướng Chính phủ ban hành 02 Quyết định; Trình Bộ trưởng Bộ GTVT ban hành theo thẩm quyền 57 Thông tư; Gửi Bộ Tài chính ban hành 01 Thông tư.
Về kết quả xây dựng và phê duyệt các đề án chiến lược, quy hoạch, đề án khác năm 2017, kế hoạch năm 2018, Chánh Văn phòng Bộ GTVT Nguyễn Trí Đức cho biết, công tác xây dựng, phê duyệt các đề án chiến lược, quy hoạch và đề án khác của Bộ GTVT năm 2017 đã được quan tâm triển khai tích cực.
"100% các nhiệm vụ được giao trong Chương trình công tác của Chính phủ được hoàn thành đúng kế hoạch. Các đề án đã được đầu tư nhiều hơn về thời gian và trí tuệ, các cơ quan soạn thảo đã nghiêm túc tiếp thu ý kiến đóng góp các Bộ, ngành liên quan và của nhân dân để các đề án được phê duyệt phù hợp với thực tế. Công tác triển khai thực hiện các đề án đã phê duyệt được Lãnh đạo Bộ chỉ đạo quyết liệt và các đơn vị chủ trì quan tâm, chủ động xây dựng kế hoạch triển khai chi tiết để làm căn cứ theo dõi, đánh giá kết quả thực hiện đề án", ông Nguyễn Trí Đức khẳng định.
Tuy nhiên Chánh Văn phòng Bộ cũng cho biết thêm, vẫn còn một số đề án cơ quan chủ trì soạn thảo, cơ quan tham mưu trình phải xin giãn tiến độ thực hiện. Các cơ quan chậm báo cáo vướng mắc về tiến độ xây dựng đề án, thường đến sát thời hạn phải trình mới có văn bản báo cáo. Một số đề án có nội dung phức tạp, liên quan đến nhiều Bộ, ngành, địa phương, kể cả nước ngoài nên việc lấy ý kiến mất nhiều thời gian, đặc biệt là thời gian thẩm định đánh giá tác động môi trường của các Đề án Quy hoạch thường kéo dài.
"Năm 2018, Bộ GTVT được giao nhiệm vụ xây dựng tổng số 09 Đề án gồm 05 Đề án trình Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ theo thẩm quyền và 04 Đề án thuộc thẩm quyền của Bộ, đề nghị Thủ trưởng các cơ quan, đơn vị tiếp tục quan tâm chỉ đạo công tác xây dựng các Đề án theo Chương trình công tác của Bộ cũng như công tác tổ chức thực hiện các Đề án đã được phê duyệt", Chánh Văn phòng Nguyễn Trí Đức đề nghị.
Tại cuộc họp, các đại biểu cũng đã nghe Vụ trưởng Vụ Tài chính Đỗ Văn Quốc báo cáo công tác quyết toán các dự án đã hoàn thành và phương hướng, kế hoạch năm 2018.
Tổng cục trưởng Tổng cục ĐBVN Nguyễn Văn Huyện tham gia ý kiến tại cuộc họp
Tiếp đó, các đại biểu đã thảo luận và cho ý kiến về công tác xây dựng văn bản quy phạm pháp luật, công tác xây dựng đề án, chiến lược, công tác quyết toán các dự án đã hoàn thành.
Tại cuộc họp các Thứ trưởng, các thành viên Ban cán sự đều cho rằng trong quá trình xây dựng và ban hành văn bản QPPL cần tiếp tục nghiên cứu để hình thức văn bản quy phạm pháp luật (Thông tư, Quyết định) được ban hành vừa đúng luật, vừa chặt chẽ, đảm bảo hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước.
Phát biểu kết luận cuộc họp, Bí thư - Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể yêu cầu lãnh đạo các đơn vị tiếp thu và thực hiện nghiêm túc ý kiến các Thứ trưởng đã phát biểu làm sao để năm 2018 kế hoạch xây dựng văn bản quy phạm pháp luật, xây dựng đề án không những hoàn thành đầy đủ, đúng tiến độ mà còn đảm bảo chất lượng.
Đánh giá chung về công tác xây dựng văn bản quy phạm pháp luật, xây dựng đề án, Bí thư - Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể cho rằng nhìn chung tiến độ xây dựng các văn bản quy phạm pháp luật của các đơn vị là hoàn thanh ngoại trừ Cục Hàng hải Việt Nam. Bí thư - Bộ trưởng đề nghị Cục Hàng hải Việt Nam nghiêm túc rút kinh nghiệm trong vấn đề này. Tuy nhiên, về chất lượng các văn bản quy phạm pháp luật Bí thư Nguyễn Văn Thể yêu cầu cần phải được nâng cao hơn, rút kinh nghiệm những hạn chế đã xảy ra trong năm 2017.
Khẳng định lại trách nhiệm của lãnh đạo các đơn vị chủ trì xây dựng văn bản quy phạm pháp luật, xây dựng đề án, Bí thư - Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể nhấn mạnh chất lượng văn bản quy phạm pháp luật, đề án kém thì thủ trưởng cơ quan chủ trì, cơ quan xây dựng phải chịu trách nhiệm chính.
"Do vậy, các cơ quan chủ trì, cơ quan tham mưu chuyên ngành phải quan tâm đến tiến độ, chất lượng xây dựng văn bản từ khâu chuẩn bị xây dựng văn bản, làm sao để khi các luật có hiệu lực thi hành là có ngay các văn bản hướng dẫn dưới Luật, khi đó mới thực sự đưa pháp luật vào cuộc sống, phù hợp với thực tiễn và tạo điều kiện tốt nhất cho người dân và doanh nghiệp", Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thể yêu cầu.
Đồng chí Bí thư Ban Cán sự, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể cũng yêu cầu Vụ Tổ chức cán bộ, Văn phòng Bộ theo dõi đồng thời đề xuất đưa chất lượng công tác xây dựng văn bản quy phạm pháp luật, xây dựng đề án là tiêu chí đánh giá thi đua, đánh giá mức độ hoàn thành nhiệm vụ của lãnh đạo, đơn vị xây dựng văn bản
Về công tác quyết toán các dự án, đồng chí Bí thư - Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể yêu cầu Vụ Tài chính có trách nhiệm chính cũng như phải tập trung chỉ đạo thực hiện quyết liệt vấn đề này; xem xét trách nhiệm, cũng như cân nhắc giao tiếp nhiệm vụ, dự án mới cho các Ban QLDA chậm quyết toán các dự án sử dụng vốn ngân sách, không đôn đốc để chậm quyết toán các dự án BOT.
DT