Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể chủ trì cuộc họp
Công tác nghiên cứu, ứng dụng KHCN vào thực tiễn của ngành GTVT đã đạt được một số kết quả tiêu biểu
Báo cáo tại cuộc họp, PGS. TS Hoàng Hà, Vụ trưởng Vụ Khoa học công nghệ (KHCN) cho biết, thực hiện chỉ đạo của Lãnh đạo Bộ GTVT các đơn vị trong Ngành đã tích cực triển khai các nghiên cứu ứng dụng KHCN, tiến bộ kỹ thuật, lựa chọn phát triển các công nghệ tiên tiến phù hợp điều kiện Việt Nam áp dụng vào sản xuất nhằm nâng cao năng suất lao động, đảm bảo chất lượng, hạ giá thành, đủ sức cạnh tranh trong cơ chế thị trường và hội nhập quốc tế, góp phân quyết định vào tốc độ tăng trưởng nhanh, bền vững của ngành GTVT, trong giai đoạn từ năm 2012 đến 2017 công tác nghiên cứu KHCN và ứng dụng vào thực tiễn của ngành GTVT đã đạt được một số kết quả tiêu biểu.
“Công tác chuyển giao, tiếp nhận công nghệ từ nước ngoài vào Việt Nam bằng phương thức: chuyển giao công nghệ chủ yếu được tiến hành thông qua các dự án ODA từ nguồn vốn đầu tư nước ngoài và chuyển giao, tiếp nhận công nghệ thông qua giới thiệu của các hãng nước ngoài (liên danh trong và ngoài nước) theo phướng thức xã hội hóa. Đặc điểm về định hướng công tác triển khai tiếp nhận chuyển giao và ứng dụng công nghệ mới vật liệu mới trong giai đoạn từ năm 2010 đến nay tập trung hoàn thiện các công nghệ xây dựng KCHTGT đã được triển khai ở Việt Nam theo hướng phù hợp với đặc điểm địa hình, địa chất, khí hậu các vùng miền ở Việt Nam; chú trọng triển khai áp dụng các công nghệ phục vụ công tác vận hành, khai thác, bảo trì kết cấu hạ tầng giao thông đã xây dựng; tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý, điều hành của Bộ, quản lý chất lượng công trình, sản phẩm ngành GTVT” - PGS. TS Hoàng Hà nói.
Về công tác triển khai và ứng dụng các nhiệm vụ KHCN trong thực tiễn của ngành GTVT, hàng năm, công tác đề xuất, tuyển chọn, triển khai các đề tài, nhiệm vụ KHCN được đổi mới hoàn thiện thêm một bước theo hướng ngày càng gắn kết với thực tế sản xuất, tập trung giải quyết các khó khăn, vướng mắc từ thực tế sản xuất như: nghiên cứu các cơ chế, chính sách phục vụ quản lý nhà nước ngành GTVT, giải quyết các vấn đề kỹ thuật phục vụ sản xuất, ứng dụng công nghệ thông tin trong GTVT, hoạch định chiến lược phát triển vận tải, quản lý và phát triển doanh nghiệp, bảo vệ môi trường. Các kết quả nghiên cứu ứng dụng vào thực tiễn ngành trong các lĩnh vực đường bộ, hàng không, hàng hải, đường thủy nội địa, đường sắt, đăng kiểm phương tiện.
Trong công tác xây dựng tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật đã tập trung hoàn thiện từng bước hệ thống quy chuẩn kỹ thuật, tiêu chuẩn xây dựng công trình giao thông cho tất cả các lĩnh vực đường bộ, hàng không, đường sắt, hàng hải, đường thuỷ nội địa, qua đó kịp thời đáp ứng các nhu cầu của hoạt động sản xuất của Ngành, đã tiến hành chuyển đổi 155 tiêu chuẩn ngành (22TCN). Trong giai đoạn 2012 - 2017 công bố mới và sửa đổi 85 quy chuẩn kỹ thuật quốc gia (QCVN); 121 tiêu chuẩn Việt Nam (TCVN), 41 tiêu chuẩn cơ sở (TCCS). Đây là cơ sở quan trọng cho việc triển khai xây dựng, đánh giá, kiểm soát chất lượng của công trình, sản phẩm, hàng hóa trong GTVT. Hiện nay, Bộ đang tập trung xây dựng, bổ sung hoàn thiện hệ thổng tiêu chuẩn trong lĩnh vực ITS, đường sắt đô thị, đường sắt tốc độ cao.
Ứng dụng vật liệu mới trong việc kết cấu mặt đường
Về định hướng triển khai công tác KHCN trong thời gian tới, Vụ KHCN đề xuất cần phải hoàn thiện công nghệ xây dựng đường ô tô cấp cao tập trung vào sử dụng lốp móng đá dăm gia cố xi măng (CTP), đá dăm trộn nhựa (ATB), sử dụng lưới, vải địa kỹ thuật nhằm tăng chất lượng mặt đường cho hệ thống đường cao tốc phục vụ dự án xây dựng đường ô tô cao tốc Bắc - Nam phía Đông; phân tích, đánh giá, lựa chọn dạng kết cấu và vật liệu phù hợp cho hệ thống công trình cầu, cống, hầm trên các tuyến đường ôtô và đường cao tốc
Bên cạnh đó, hoàn thiện công nghệ quản lý khai thác bảo trì hiện đại, thu giá dịch vụ sử dụng đường bộ theo công nghệ điện tử không dừng áp dụng cho các tuyến đường bộ và đường cao tốc. Hoàn thiện công nghệ quan trắc, đánh giá chất lượng, sửa chữa tăng cường các công trình cầu lớn và hầm giao thông. Hoàn thiện công nghệ xây dựng bê tông nhựa chuyên dụng cho đường cất hạ cánh sân bay; Hoàn thiện công nghệ xây dụng, tổ chức vận hành, duy tu bảo dưỡng cho hệ thống đường sắt đô thị; tiếp cận công nghệ xây dựng đường sắt tốc độ cao. Ứng dụng công nghệ thông tin trong các lĩnh vực quản lý, điều hành của ngành GTVT.
Phát biểu tại cuộc họp, Thứ trưởng Nguyễn Ngọc Đông yêu cầu cùng với việc đánh giá công tác nghiên cứu KHCN và ứng dụng vào thực tiễn của ngành GTVT, thiết kế lại hệ thống cấu trúc thông tin điện tử chung của ngành GTVT, các Cục, Tổng cục phải tăng cường xây dựng ứng dụng hệ thống thông tin điện tử, đẩy mạnh hệ thống tổng thể của đơn vị mình, để kết nối với Bộ.
Liên quan đến định mức, Thứ trưởng Nguyễn Ngọc Đông yêu cầu phải lựa chọn định mức phù hợp, từ đồng chí lãnh đạo Bộ phụ trách ở từng lĩnh vực và thủ trưởng các cơ quan, đơn vị phải chỉ đạo xây dựng định mức ở từng lĩnh vực; từng cơ quan tham mưu, đơn vị liên quan phải xây dựng các quy chuẩn, tiêu chuẩn; xây dựng cơ chế tài chính; đồng thời các viện nghiên cứu, các trường đại học chuyên ngành nâng cao chất lượng các đề tài nghiên cứu khoa học; nghiên cứu ứng dụng kết cấu thép...
Cần có cơ chế, chính sách mới để triển khai ứng dụng KHCN hiệu quả hơn
Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể đánh giá KHCN là cuộc cách mạng mang tính đột phá, quan trọng đối với mọi ngành, trong đó có ngành GTVT, có thể áp dụng những thành tựu của KHCN để triển khai vào các dự án, công trình của Ngành. Tuy nhiên, Bộ trưởng cho rằng nhận thức và cách triển khai thực hiện ứng dụng thành tựu KHCN của từng cơ quan, đơn vị khác nhau, nhìn chung chưa đạt hiệu quả cao, nên các cơ quan, đơn vị phải tổ chức họp, đề xuất, kiến nghị Bộ GTVT một số cơ chế, chính sách mới để triển khai ứng dụng KHCN hiệu quả hơn (văn bản kiến nghị qua Vụ KHCN tổng hợp để báo cáo Ban Cán sự đảng Bộ vào cuối tháng 2/2018).
Bộ trưởng yêu cầu các viện nghiên cứu, trường đại học chuyên ngành nghiên cứu đề xuất ứng dụng vật liệu mới trong việc kết cấu mặt đường (nhằm giảm chiều dày kết cấu, giảm chi phí, nâng cao chất lượng công trình); nghiên cứu, rà soát tiêu chuẩn thiết kế cầu. Đối với các dự án vốn nước ngoài, có thể thuê tư vấn thiết kế nước ngoài, khuyến khích các đơn vị tư vấn thiết kế trong nước; Vụ KHCN chủ trì, cùng các cơ quan, đơn vị đề xuất các quy chuẩn, tiêu chuẩn ở các nước tiên tiến để áp dụng vào Việt Nam; đồng thời rà soát lại Quyết định số 30/2016/QĐ-BGTVT của Bộ GTVT.
“Tất cả các dự án ứng dụng công nghệ mới giao các cục trưởng, trưởng ban quản lý dự án, giám đốc dự án chịu trách nhiệm đăng ký với Bộ, hoàn chỉnh số lượng đơn giá định mức để quyết toán; giao Vụ KHCN chủ trì phối hợp với các cơ quan, đơn vị liên quan tổ chức hội nghị để trao đổi, thảo luận và đưa ra các giải pháp về đơn giá, định mức; giao tổng cục trưởng, các cục trưởng chịu trách nhiệm cập nhật đơn giá, định mức theo quy định” - Bộ trưởng yêu cầu.
Bộ trưởng cũng yêu cầu Vụ KHCN, các cơ quan, đơn vị rà soát các văn bản cản trở sự phát triển KHCN của ngành GTVT, báo cáo, kiến nghị Bộ GTVT để có chỉ đạo trong việc nghiên cứu, ứng dựng KHCN một cách nhanh chóng, kịp thời với các nước tiên tiến trên thế giới.
Xuân Nguyên