Cô giáo Nguyễn Thị Thu Ba, Hiệu trưởng nhà trường cho biết: Năm học 2017 - 2018, nhà trường có 1.286 học sinh với 34 lớp. Việc giảng dạy an toàn giao thông cho học sinh là rất cần thiết, bởi nó không chỉ trang bị kiến thức cơ bản về an toàn giao thông mà còn từng bước xây dựng ý thức, trách nhiệm, văn hóa, đạo đức giao thông trong cộng đồng ngay từ khi còn nhỏ, góp phần đáng kể phòng tránh tai nạn, thương tích liên quan đến tham gia giao thông cho các em.
Nhiều năm qua, bên cạnh việc nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện, nhà trường đã thực sự chú trọng và xây dựng nhiều mô hình an toàn giao thông, mang lại hiệu ứng tích cực, thu hút học sinh tham gia như: Cổng trường an toàn giao thông, thi tuyên truyền viên an toàn giao thông giỏi giữa các lớp, gắn giữ gìn trật tự an toàn giao thông với công tác thi đua, khen thưởng. Giờ chào cờ thứ hai hàng tuần, nhà trường đều dành thời lượng nhất định để giáo dục, tuyên truyền, phổ biến kiến thức pháp luật về an toàn giao thông cho học sinh. Đồng thời, tổ chức ký cam kết 3 bên giữa gia đình, nhà trường và học sinh về chấp hành nghiêm pháp luật an toàn giao thông từ nhà tới trường, từ trường về nhà.
Tham gia các tình huống giao thông mô phỏng thực tế, học sinh trường tiểu học Tích Sơn
từng bước xây dựng ý thức, trách nhiệm và văn hóa giao thông
Mô hình giáo dục an toàn giao thông là một hình thức giáo dục thực tế trực quan, sinh động bao gồm hệ thống đèn, biển báo tín hiệu giao thông thông minh được kết nối với trung tâm điều khiển hệ thống lắp đặt ngay tại sân của nhà trường được kẻ, vẽ đường đi, sa hình mô phỏng thực tế để cho giáo viên giảng dạy và học sinh thực hành. Các hệ thống đèn, biển báo tín hiệu và các hệ thống khác của mô hình này có thể tháo, lắp nhanh chóng, thay đổi chiều cao cho phù hợp với lứa tuổi học sinh và di chuyển dễ dàng, thuận lợi cho việc bảo quản.
Theo đánh giá của một số giáo viên nhà trường, từ khi có mô hình giáo dục an toàn giao thông cho học sinh tiểu học, quá trình giảng dạy cũng thuận lợi hơn nhiều. Với hệ thống bảng biểu an toàn giao thông đầy đủ, có màu sắc rõ ràng, giáo viên thể xây dựng các tình huống an toàn giao thông, phân công nhiệm vụ cho từng em học sinh khiến các em rất hứng thú với tiết học này. Đặc biệt, các em được vừa học vừa chơi, vừa tham gia các tình huống giao thông mô phỏng thực tế, từ đó, các em nhận biết và nhớ lâu hơn các quy định an toàn giao thông. Đến nay, mỗi em học sinh trong trường đều biết phân biệt hệ thống tín hiệu đèn giao thông, đi bên phải đường, sang đường đúng nơi quy định...
Được biết, trong năm học 2017 – 2018, Sở Giáo dục và Đào tạo phối hợp với Ban An toàn giao thông tỉnh Vĩnh Phúc áp dụng thí điểm mô hình giáo dục an toàn giao thông cho học sinh tiểu học tại 4 trường trên địa bàn tỉnh: Tích Sơn, thành phố Vĩnh Yên; Thanh Vân, huyện Tam Dương; Phạm Công Bình, huyện Yên Lạc; thị trấn Vĩnh Tường, huyện Vĩnh Tường. Qua thực tế, bước đầu cho thấy mô hình giáo dục này đã phát huy hiệu quả, giáo viên đưa ra được nhiều tình huống tham gia giao thông thực tế nên học sinh dễ dàng tiếp thu kiến thức và thực hành xử lý các tình huống giao thông đúng quy định. Kết thúc năm học, Sở Giáo dục và Đào tào sẽ tiếp tục đánh giá hiệu quả mô hình, phối hợp với Ban An toàn giao thông tỉnh nhân rộng mô hình trên toàn tỉnh.