Hàng không châu Á loay hoay tìm hướng đi

Thứ tư, 21/03/2018 11:43

Ngành Hàng không châu Á được đánh giá là thị trường đang phát triển với lượng khách liên tục tăng trưởng. Cùng đó, là cuộc đua khốc liệt về giá khiến các hãng hàng không từ truyền thống đến giá rẻ đều gặp khó khăn. Do đó, tìm hướng đi khác biệt chính là yếu tố quyết định sự sống còn cho các hãng bay tại khu vực này.

Cạnh tranh giữa các hãng hàng không châu Á ngày càng khốc liệt

Tận dụng lợi thế chuyến bay siêu dài, không dừng

Vấn đề chung mà các hãng hàng không quốc gia tại nhiều nước châu Á đang phải đối mặt đó là vấn đề giá ngày càng giảm.

Theo Hiệp hội Vận tải hàng không quốc tế (IATA), lợi nhuận của các hãng hàng không trong khu vực châu Á - Thái Bình Dương đang bị sụt giảm trong 3 năm liên tiếp từ 2014 - 2016.

Tuy nhiên, sự cạnh tranh về giá sẽ gần như không biến đổi khi đã có tới 9 hãng hàng không đường dài giá rẻ được thành lập tại đây từ năm 2006, theo IATA.

Cạnh tranh ngày càng khốc liệt khi các hãng hàng không giá rẻ và Nhà nước đang tái cơ cấu hoạt động, mô hình kinh doanh, tìm kiếm lợi nhuận mới và giảm chi phí.

Chẳng hạn, Cathay Pacific đã có nhiều thay đổi, tạo thêm lợi nhuận và cải tổ nhãn hiệu, giá trị dịch vụ sau thua lỗ năm 2016. Hãng hàng không Hong Kong cũng đã bán nhiều cổ phần cho các hãng hàng không khác.

Trong đó, Air China thuộc sở hữu của Nhà nước Trung Quốc đã mua 30% cổ phiếu tại Cathay. Công ty này cũng đang là cổ đông lớn trong Hãng hàng không Thâm Quyến hiện khai thác 17 chuyến bay quốc tế từ Shenzhen.

Tiếp đó, tháng 11 năm ngoái, Qatar Airways đã mua 9,6% cổ phần trong Cathay với giá 5,16 tỉ đô-la Hong Kong (tương đương 662 triệu USD), đưa họ trở thành cổ đông lớn thứ 3 của hãng hàng không này sau Swire và Air China.

Bên cạnh phương án cải tổ trên, Cathay dự định “nhồi” thêm ghế lên các mẫu máy bay Boeing 777 để tăng lượng khách hàng trong mỗi chuyến, giúp thu hẹp khoảng cách về giá.

Đối với các khách hàng thường xuyên, mong muốn được đi lại thoải mái mà không lo về giá, Cathay chuẩn bị mở rộng hệ thống toàn cầu khi đưa thêm các chuyến bay đường siêu dài.

Năm ngoái, hãng này đã thông báo một chuyến bay không dừng từ Hong Kong tới Washington. Chuyến bay 17 giờ sẽ cắt giảm 2 giờ đồng hồ so với thiết kế chặng bay thông thường, trở thành tuyến bay thương mại dài nhất vận hành tại Hong Kong.

Các nhà phân tích cho rằng, tốt hơn hết, Cathay nên tăng cường tận dụng những lợi thế của họ đối với thị trường hàng không đường dài và vận tải hạng sang hơn là cạnh tranh với các hãng hàng không giá rẻ trên các tuyến ngắn.

Người đứng đầu đơn vị nghiên cứu công nghiệp và giao thông tại Tập đoàn Quốc tế BOCOM - ông Geoffrey Cheng cho rằng, nhiều hành khách phàn nàn về Cathay nhưng họ vẫn sẽ tiếp tục sử dụng hãng hàng không này. Hành khách hạng thương gia và hạng nhất sẵn sàng trả thêm tiền để được phục vụ đúng giờ, với dịch vụ tốt hơn.

“Uber trên bầu trời”

Không riêng các hãng hàng không truyền thống của châu Á bị ảnh hưởng, trong môi trường cạnh tranh mỗi lúc một khốc liệt, các hãng giá rẻ như AirAsia cũng phải lao đao, buộc các lãnh đạo công ty này phải tìm phương án để tăng lợi nhuận. Hiện nay, Giám đốc điều hành AirAsia Group, ông Tony Fernades đang tìm cách kiếm thêm lợi nhuận từ các phí dịch vụ tăng thêm.

Chẳng hạn, trong một chuyến bay gần đây của Hãng hàng không Air Asia X từ Kuala Lumpur tới Wuhan (Trung Quốc), anh Fabian Kong đã quyết định trả thêm tiền để được ngồi ghế hạng sang, nhưng nếu so sánh giá vẫn rẻ hơn gần 1/2 nếu anh đi hãng hàng không truyền thống và vẫn cảm thấy thoải mái.

Bên cạnh đó, hiện nay, Giám đốc điều hành AirAsia cũng đang thực hiện kế hoạch cải tổ công ty trên quy mô lớn, tăng cường thanh toán, bán lẻ và thương mại điện tử. Ông cũng cải thiện hạ tầng điện tử của Air Asia với mong muốn đến gần hơn với hành khách qua công nghệ như trí thông minh nhân tạo và môi trường internet.

“Với dữ liệu khách hàng, chúng tôi có thể bán thêm nhiều vé cho khách hàng như Alibaba và Amazon đang làm”, ông Fernandes nói. AirAsia đã lập một vị trí phó giám đốc điều hành chủ yếu giám sát các vấn đề phi hàng không như thanh toán trực tuyến, mua sắm trực tuyến...

“Tôi hy vọng mọi người sẽ không coi chúng tôi như một hãng hàng không mà là một công ty điện tử vận chuyển người như Uber”, ông Fernandes nói.

Nguồn: Báo Giao thông

Tìm theo ngày :

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)
  
Khách online:155044
Lượt truy cập: 176.721.974